Bong da

bong-da-trong-nuoc

Super League 2012: Đâu rồi các biểu tượng?

Cập nhật: 23/12/2011 15:15 | 0

Lật danh sách các đội dự V.League mùa này, để kiếm một cầu thủ được xem là biểu tượng của đội bóng dường như là quá khó. Có phải bóng đá chuyên nghiệp đang bào mòn những giá trị truyền thống, trong đó có lòng trung thành?


1. Nếu có một cuộc bầu chọn ai là nhân vật xứng đáng biểu tượng tiêu biểu nhất cho bóng đá Long An trong thời kỳ đỉnh cao? Tôi tin rằng sẽ chỉ có ba nhân vật so kè nhau là HLV Calisto, Minh Phương và Tài Em.

Trong cuộc đua ấy chắc chắn Tài Em sẽ chiến thắng, không chỉ bởi thời gian anh gắn bó với bóng đá Long An nhiều nhất (từ lứa trẻ đi lên) mà còn bởi anh chính là người Long An, phát tiết tài năng từ đội bóng quê hương. Thế nhưng, đến giờ phút này thì cả 3 nhân vật trong cuộc bầu chọn tưởng tượng ấy cũng đã chia tay đội bóng này.

Không hiểu có phải cuộc khủng hoảng biểu tượng ở Long An đã lên đến cực điểm đến nỗi thời gian vừa qua người ta buộc lòng phải dựng lão tướng Văn Giàu như một đại diện của sự thủy chung và kiên định. Tất nhiên, nếu cắc cớ người ta sẽ đặt dấu hỏi “chỉ vì Văn Giàu lớn tuổi, có tiền sử chấn thương mà thôi. Nếu trung vệ này là ngôi sao thực sự, liệu có thể trụ vững trước những lời chào mời hấp dẫn từ nơi khác?”

2. Là một khán giả hâm mộ đội bóng thì thường người ta có cảm giác buồn bực khi một ngôi sao rời đội. Tâm lý ấy được giải thích đơn giản là có yêu tất có ghen. Song, đứng trong vai trò một người viết báo, tôi không bao giờ có ý định trách móc những cầu thủ được xem là biểu tượng của đội bóng đã đến đội bóng khác đầu quân, dù chỉ vì lý do thực tiễn nhất là vì tiền. Bởi dù sao, tiền (chuyển nhượng) cũng là một trong những thước đo cho giá trị đích thực của một cầu thủ.

Về mặt căn bản phát triển của xã hội, thậm chí nên khuyến khích người ta ra đi. Nhà văn Mỹ Spencer Johnson đã có một cuốn sách rất hay với tựa đề “Ai lấy miếng pho mát của tôi?”. Cuốn sách chứa đựng rất nhiều triết lý xung quanh hành trình đi tìm pho mát của hai chú chuột và hai người tí hon trong mê cung. Pho mát ở trong sách có những ý nghĩa với từng người. Có thể với đối tượng nào đó là của cải, đối tượng khác là sức khoẻ, sự phát triển tinh thần…Đứng trước khó khăn, những đối tượng năng động, nhanh nhẹn đã không chấp nhận an phận mà mạnh dạn phiêu lưu, thậm chí có cả những trả giá ban đầu để tìm kiếm hạnh phúc.

Đó không chỉ là tư tưởng của riêng người phương tây mà ngay chính người Việt cũng có câu “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Rời lũy tre làng, người ta có thể mất rất nhiều nhưng cũng có thể được rất nhiều.

Rời nơi mà mình được xem như là một biểu tượng để ra đi có thể phải trả giá bởi một cuộc sống bấp bênh, thậm chí khi giải nghệ là trắng tay nhưng người ta vẫn đi. Từ Văn Dũng, Văn Sỹ, Huỳnh Đức, Trường Giang, Xuân Thành, đến Trung Kiên, Thanh Bình, Tấn Trường…biết bao biểu tượng bóng đá của cả một địa phương đã phải cất bước. 

Những sự thay đổi càng lúc càng diễn ra với một tốc độ chóng mặt. Chỉ sau một mùa bóng, có nhiều đội đã thay mới hơn nửa đội hình thì thử hỏi người ta tìm đâu ra những con người đại diện cho những giá trị truyền thống như sự thủy chung, kiên định và trung thành?

Tiếc nuối nhưng cũng phải chấp nhận: sự dịch chuyển, thay đổi cũng là một trong những quy luật của sự phát triển. Và rằng trong cuộc sống, khó có thể nói giá trị nào là vĩnh cửu, là bất biến.

Bongdaplus.vn