Bong da

bong-da-trong-nuoc

Sự nghiệp “hậu Việt Nam” của cầu thủ ngoại: Tấm áo doanh nhân

Cập nhật: 13/01/2012 21:15 | 0

Nhiều cầu thủ ngoại đến Việt Nam thi đấu và tỏa sáng khi đã ở tuổi xế chiều. Sau những ngày phiêu lưu trên mảnh đất hình chữ S, họ ra đi để bắt đầu một chương mới trong cuộc đời mình…



Một bước lên… quan
Không lâu sau khi thanh lý hợp đồng với Hà Nội T&T cuối mùa giải 2011, tiền vệ người Brazil, Caue Benicio trở lại Thụy Điển – nơi anh được CLB IFK Olme (đang thi đấu ở giải hạng Ba) coi là một huyền thoại. Benicio về đội bóng cũ không phải với tư cách của một cầu thủ đơn thuần, mà đảm nhận vị trí “số má” hơn nhiều. Đó là một chân trong ban giám đốc học viện đào tạo và tìm kiếm tài năng trẻ người Brazil cho IFK Olme.

Cầu thủ năm nay bước sang tuổi 34 này dù chưa từng tập tành vai trò quản lý nhưng vẫn dũng cảm nhận nhiệm vụ. Vốn có quan hệ tốt với chủ tịch IFK Olme, Benicio đồng ý “làm quan” dù thu nhập cho vị trí này không cao hơn so với cầu thủ là bao. Trả lời phỏng vấn một tờ báo địa phương, Benicio khẳng định: “Tôi vừa trải qua 3 năm thi đấu ở Việt Nam và có thêm rất nhiều kinh nghiệm. Thu nhập ở đó rất tốt và cho phép tôi có thể an tâm chấp nhận những thử thách nghề nghiệp khó khăn hơn”.

Nhằm giúp Benicio làm tốt công việc mới mà không ảnh hưởng đến việc tập luyện, thi đấu trong màu áo IFK Olme, lãnh đạo CLB cắt cử những gương mặt có nhiều kinh nghiệm để san sẻ gánh nặng. Nhưng Benicio vẫn nhanh chóng tự mình “ghi điểm” bằng việc tham vấn cho IFK Olme chiêu mộ cùng lúc 3 cầu thủ người Brazil ngay trước thềm mùa giải mới.

Benicio quả quyết: “Với chiến lược hợp lý, IFK Olme sẽ nhanh chóng phát triển. Đội bóng này xứng đáng với việc có mặt tại các giải đấu cao hơn so với vị trí đang có ở giải hạng Ba!”.

Cựu tiền vệ của Hà Nội T&T còn tiết lộ, học viện mà anh quản lý ban đầu sẽ tìm kiếm những mầm non triển vọng người Brazil rồi đưa sang Thụy Điển tập luyện. Kết thúc các khóa đào tạo, IFK Olme giữ lại những gương mặt tốt nhất và phần còn lại sẽ được mang đi “chào hàng” khắp thế giới. Thế nên, Benicio nhắn nhủ những người bạn Việt Nam của mình rằng hãy chuẩn bị trước tinh thần… đón một Benicio “quan chức” trở lại mảnh đất hình chữ S để giới thiệu những “sản phẩm” do chính mình tạo ra. Thậm chí, anh còn ấp ủ dự định sẽ đưa các tài năng nhí người Việt sang IFK Olme nếu như tìm được đối tác thích hợp.


Cách Benicio nói về công việc mới ngập tràn sự lạc quan và tham vọng, giống hệt như hồi anh mới đầu quân cho Hà Nội T&T và mơ về ngày “lên đỉnh” V.League. Benicio đã thành công với chức vô địch mùa giải 2010 cùng đội bóng Thủ đô và bây giờ, anh lại đặt cho mình một mục tiêu mới và phấn đấu chinh phục nó ở một giai đoạn mới của cuộc đời…

Sau đỉnh cao là… vực sâu
Những trường hợp có được “con đường” tươi sáng hậu bóng đá như Benicio hay Kiatisak của HA.GL được coi là may mắn. Rất nhiều cầu thủ ngoại từng thi đấu ở Việt Nam không có được niềm hạnh phúc như vậy khi rời mảnh đất hình chữ S. Do đã “quá đát” và không tìm được “thiên đường mới” để kiếm cơm nên họ phải bắt đầu cuộc sống mới một cách rất khó khăn khi trong tay không có chiếc “cần câu cơm” nào khác.

Cầu thủ gốc Uganda - Nguyễn Rodgers trước khi được CLB Thanh Hóa quyết định “cưu mang” đã từng nghĩ đến việc trở về quê nhà và quay lại với công việc… vắt sữa bò. Có không ít trường hợp tương tự như vậy nên một số ngoại binh khi được hỏi về ngày phải khăn gói rời Việt Nam đều rùng mình lo ngại. Đối với họ, được chơi bóng và kiếm những khoản lương thưởng hậu hĩnh từ các CLB Việt Nam chẳng khác nào đang được sống ở thiên đường.

Thu nhập của Phan Lê Issac (CLB trẻ bóng đá Hà Nội) đang giảm dần theo thời gian. Việc phải xuống chơi ở hạng Nhất sau nhiều năm “vui vẻ” ở V.League báo hiệu “ngày tàn” của anh đã sắp đến. Issac đang lên sẵn các kế hoạch tương lai và ưng ý nhất với hai lựa chọn. Một là làm… thầy giáo khi nhờ cô vợ đang dạy học ở Hàn Quốc tìm một công việc đại loại như dạy tiếng Anh hoặc giáo dục thể chất ở các trường tư. Hai là quay lại quê nhà Uganda, dùng số vốn liếng tích cóp được dấn thân vào nghề môi giới cầu thủ.

Thị trường mà Issac lựa chọn nếu đi theo con đường thứ hai là Việt Nam. Issac bảo: “Tôi đã thi đấu ở đây nhiều năm và khá hiểu nhu cầu của các CLB. Tôi cũng có quan hệ tốt với nhiều cầu thủ đồng hương đang chơi bóng ở nhiều nơi trên thế giới nên sẽ không khó để làm một nhà môi giới!”.

Tự tin là thế nhưng dường như Issac quên (hoặc cố tình quên) việc các giải đấu ở Việt Nam trong thời gian tới sẽ hạn chế bớt số lượng ngoại binh nên nghề môi giới sẽ trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, cầu thủ người Uganda cũng không nhớ đến những “vết xe đổ” đi trước khi có nhiều cầu thủ sau khi giải nghệ đã quay trở lại Việt Nam đề làm “cò” nhưng đón nhận không ít thất bại. Tiêu biểu là trường hợp của cựu Vua phá lưới Achilefu hay cựu HLV trưởng Hà Nội ACB – Mauricio Luis…

Kinh doanh cũng giống bóng đá
Benicio mới bập bõm dấn thân vào thử thách mới và chưa thực sự gia nhập thương trường. Còn cựu tiền đạo người Thái Lan, Kiatisak Senamuang bên cạnh thời gian làm HLV trưởng CLB Chula United còn tất bật với công việc kinh doanh.


Do được bầu Đức quý mến sau nhiều giai đoạn gắn bó với HA.GL nên khi về nước, Kiatisak được giao quyền quản lý công ty liên doanh HA.GL Bangkok. Trên cương vị GĐĐH, bằng danh tiếng và tầm ảnh hưởng của mình ở quê nhà, cựu tiền đạo này giúp bầu Đức giành được nhiều hợp đồng béo bở, đặc biệt là ở lĩnh vực bất động sản. Hồi năm 2007, HA.GL Bangkok trúng thầu dự án xây dựng một loạt căn hộ cao cấp ở thủ đô Thái Lan với trị giá lên tới gần 21 triệu USD với sự giúp sức đắc lực của Kiatisak.

Do đó, dù chia tay HA.GL từ lâu nhưng mối liên hệ giữa Zico Thái và chốn cũ vẫn còn rất sâu đậm. Hàng năm, Kiatisak cũng tranh thủ thời gian rảnh rỗi để sang thăm Việt Nam – nơi anh từng khẳng định rằng đã là quê hương thứ hai của mình.

Nguyên nhân giúp Kiatisak thành công khi “đóng vai” doanh nhân là cựu tiền đạo này luôn có ý thức trau dồi các kiến thức cần thiết ngay khi còn thi đấu. Hồi còn làm cầu thủ, anh đã sớm cho thấy mình có tố chất của một nhà kinh doanh. Người Thái Lan lâu nay vẫn khuyên con cái học theo tấm gương của Kiatisak, ít nhất là ở tính khoa học trong chi tiêu. Kiatisak từng tâm sự: “Nếu tôi kiếm được 100 bath, sẽ để dành 50 bath, chỉ tiêu 20 bath, dùng 10 bath để biếu gia đình và 20 bath phòng hờ cho những việc phát sinh!”

Nhờ “công thức” trên, Kiatisak tích lũy được số vốn liếng kha khá để phục vụ cho các kế hoạch kinh doanh của riêng mình. Hiện nay, anh đang sở hữu một trường đào tạo bóng đá hợp tác với chính quyền thành phố Bangkok và hoạt động rất hiệu quả.

Kiatisak thừa nhận rằng môi trường kinh doanh cũng khốc liệt giống như một trận bóng đá: “Trong bóng đá, cầu thủ không chuẩn bị tốt về thể lực, kĩ năng chơi bóng thì không thể tỏa sáng. Ở lĩnh vực kinh doanh cũng vậy, nếu không học hành, trang bị đủ kiến thức thì không thể thành công!”.

Bongdaplus.vn