Trong cuộc trao đổi với chiều qua, cựu PCT VFF Lê Thế Thọ đồng cảm với sự bức xúc của dư luận. Theo ông Thọ, đã đến lúc lãnh đạo VFF và ông Goetz cần phải từ chức, thay vì đùn đẩy trách nhiệm như vừa qua.
* Cơn bão tin nhắn nhắn cầu cứu Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đề nghị lãnh đạo VFF từ chức là hiện tượng chưa từng có tiền lệ. Ông tiếp nhận tthông tin này ra sao?
- Tôi thực sự đồng cảm với sự bức xúc của người hâm mộ trong thời điểm này. U23 VN thất bại khó chối cãi tại SEA Games thì người trực tiếp phải nhận lỗi là lãnh đạo VFF và HLV Goetz. Nếu là người biết tự trọng, cả VFF lẫn ông Goezt phải từ chức, chứ không phải cố bám trụ trước áp lực dư luận như thế.
Ai cũng biết bóng đá là đứa con cưng xã hội, nhận được sự chiều chuộng, quan tâm hết mức. Ấy vậy mà các cầu thủ thi đấu như thế, một CĐV chân chính không bức xúc mới là lạ. Đòi hỏi cải tổ VFF là chuyện dĩ nhiên khi VFF chưa thực hiện đúng nguyện vọng của CĐV. Ông Goetz không đảm bảo mục tiêu có huy chương ở Indonesia, cũng cần cắt chức. Vậy tại sao nhiều lãnh đạo VFF và ông Goetz nhất quyết trụ lại đến cùng? Phải chăng làm việc ở VFF quá nhiều quyền lợi, nên cả lãnh đạo VFF lẫn ông Goetz đều nhất quyết ở lại đến cùng như thế.
* Có phải cả xã hội bất bình về VFF, tức giận trước sự chây ỳ của lãnh đạo VFF không có văn hóa từ chức, nên thể hiện bằng hành động tin nhắn mong cơ quan quản lý làm việc đáng phải làm?
- Tôi nghĩ thế này, đã là người đi buôn thì bao giờ cũng phải đặt mục đích thu lời về cho bản thân. Nhưng VFF có quá nhiều tiền nên không phải lo chuyện buôn bán, đầu tư ra sao để tiền sinh lời. Thử hỏi lãnh đạo VFF đã hoàn thành mục tiêu đạt huy chương, vực dậy nền bóng đá nước nhà hay chưa?
Suốt mấy năm qua, chúng ta phấn đấu mãi thành tích trong khu vực ĐNA chưa có kết quả ổn định, nói gì tiến ra sân chơi lớn hơn. Đã không hoàn thành mục tiêu đề ra, việc tự từ chức là việc đáng phải thực hiện, nhưng chưa thấy quan chức VFF nào đứng ra làm việc đó cả.
VFF hoạch định cho sự phát triển bóng đá VN vươn lên, mang lại niềm vui cho người lao động mỗi khi nghỉ ngơi. Nhưng hỏi thử sau một trận đấu thất vọng của đội nhà, tâm trạng người lao động bước vào sản xuất, kinh doanh sẽ ra sao. Tất nhiên, họ không thể có năng suất lao động tốt, trong tâm trạng ức chế như thế được.
Nhìn thế để thấy, VFF chưa mang lại niềm vui trọn vẹn cho toàn xã hội và phản ứng bằng việc gửi tin nhắn cho lãnh đạo đầu ngành thể thao là chuyện tất nhiên. Bóng đá VN thuộc về người hâm mộ, dư luận chứ không phải là sự độc quyền của riêng VFF.
* Dường như vai trò quản lý của Bộ VH- TT &DL lẫn Tổng cục TDTT vẫn chưa quyết liệt trong việc xử lý hạn chế mang tính hệ thống từ VFF?
- Theo luật FIFA, cơ quan Nhà nước không được tác động đến hoạt động của LĐBĐ. Nhưng thực tế việc điều chuyển, quyết định cán bộ tại VFF vẫn theo quyết định từ lãnh đạo đầu ngành thể thao. Tôi nghĩ lãnh đạo Bộ VH-TT& DL lẫn Tổng cục TDTT nên lắng nghe ý kiến của người hâm mộ và cần mạnh tay trong việc thay đổi cán bộ ở VFF.
Nếu lãnh đạo VFF chưa tự trọng rút lui, việc thuyên chuyển cán bộ mới có năng lực, có chuyên môn là điều tất yếu. Bóng đá ta khác nước ngoài do thể chế chính trị khác. Cho dù hoạt động thế nào, chuyên nghiệp cỡ nào thì sứ mệnh phục vụ nhiệm vụ chính trị vẫn phải đặt lên hàng đầu.
Vậy mà, khán giả ngày càng quay lưng với bóng đá nội lẫn VFF, tổ chức xã hội này càng ngày càng phát triển theo cách của mình, thử hỏi như thế có nguy hiểm không?
* Thời gian gần đây, một luồng ý kiến cho rằng mời những chuyên gia, HLV có tâm huyết tham gia VFF lẫn VPF để cải tổ bóng đá VN. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?
- Bóng đá làm môn thể thao giải trí để giúp cải thiện đời sống người dân. Nếu VFF cứ vin theo luật của FIFA và luật riêng của VFF mà không chịu thay đổi cơ cấu tổ chức là khó chấp nhận. Rõ ràng VFF là một tổ chức xã hội nghề nghiệp đặc thù, cần có những người có chuyên môn về bóng đá thật sự làm việc.
Chỉ có người sinh ra trong môi trường cầu thủ, HLV rồi lên cấp lãnh đạo mới sát sao mọi thứ và hiểu phải cải tổ từ đâu để bóng đá VN phát triển. Tôi nghĩ đã đến lúc VFF phải trả về cho những người có chuyên môn về bóng đá thật sự làm việc, chứ không phải thuyên chuyển cán bộ từ Tổng cục TDTT hay Bộ VH-TT&DL sang nắm quyền quản lý nữa.
* 20 năm hội nhập nhưng bóng đá VN vẫn dẫm chân tại chỗ cả cấp ĐTQG lẫn các giải đấu trong nước. Ông nghĩ đã đến lúc tái cấu trúc quyết liệt bóng đá VN chưa?
- Sau thất bại AFF Cup 2010 rồi SEA Games 26, yêu cầu cải tổ đều được đưa ra, song chưa một lầm chúng ta cải cách triệt để. Muốn tái cấu trúc bộ máy phải từ cấp lãnh đạo, tới quan điểm quản lý-tổ chức lại hoạt động, mô hình, lẫn tư tưởng từ trên xuống dưới.
Nhưng chúng ta đã thấy VFF làm việc thiếu hiệu quả, nhưng thấy có ai từ chức và nhận trách nhiệm đâu. Bởi thế, cải tổ quyết liệt phải từ cấp điều hành cao nhất, rồi mới tới từng cái nhỏ được. Tôi chỉ thấy bức xúc của dư luận ngày càng lớn, song vẫn chưa nhận được sự mạnh tay thật sự từ chính VFF. Đó mới chính là vấn đề lớn nhất của bóng đá VN lúc này.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
MỘC MIÊN(thực hiện)
Thethaovanhoa.vn