Bong da

bong-da-trong-nuoc

Ông Dương Vũ Lâm, Trưởng Ban Trọng tài của VFF: “Ghế tôi đúng là nóng”

Cập nhật: 13/12/2011 07:15 | 0

Có thể nói, công tác trọng tài quyết định đến thành bại của mùa giải lẫn cả nền bóng đá. Nhiều người lo lắng cho ông Dương Vũ Lâm khi ông được chọn vào chức danh Trưởng Ban trọng tài.

Vị trí nào cũng phải làm tốt

* Ông hiện đang là Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) phụ trách Ban Trọng tài. Liệu việc được tiến cử vào vị trí Trưởng Ban trọng tài của VFF có gây khó khăn cho ông hay không?

- Gần 30 năm trong nghề, tôi kinh qua nhiều nhiệm vụ và vị trí trong làng bóng đá Việt Nam. Nhất là trong mấy năm gần đây, tôi vẫn là Phó Chủ tịch AFF quản lý Ban Trọng tài nên không thể coi là thiếu kinh nghiệm. Công việc của tôi là quản lý và đánh giá, kiểm tra công tác trọng tài ở các giải đấu lớn của khu vực. Đến khi được giao nhiệm vụ làm Trưởng Ban Trọng tài của VFF, tôi cũng không bất ngờ lắm, mà xác định mình phải làm gì để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tâm niệm trước khi lên nhận chức của tôi là không để dư luận nhìn trọng tài Việt Nam toàn một màu đen. Người chịu trách nhiệm trong vấn đề đó thuộc về Ban Trọng tài và mỗi trọng tài cầm còi trên sân. Mỗi người góp một que diêm, thì lo gì hình ảnh trọng tài không tốt lên trong mắt dư luận.


Ông Dương Vũ Lâm, Trưởng Ban Trọng tài của VFF

* Liệu những kinh nghiệm đã có sẽ giúp ông hoàn thành tốt nhiệm vụ nặng nề ở Ban Trọng tài thời gian tới đây?

- Mùa giải 2012 đã cận kề, nên chúng tôi phải bắt tay vào công việc càng sớm càng tốt. Về mặt quản lý, công việc đảm nhận Ban Trọng tài ở AFF cũng không khác mấy so với công việc tôi đang nhận ở Ban Trọng tài thuộc VFF. Nhưng Ban Trọng tài AFF chỉ việc lựa chọn các trọng tài có chất lượng cho các giải đấu khu vực, thì nhiệm vụ của tôi ở Ban Trọng tài VFF quá nhiều. Để công tác trọng tài tốt lên, ai cũng biết khó thế nào rồi đấy.

Nhiều người nói tôi ngồi ghế “nóng”, đúng thế thật. Ai cũng lo cho tôi, nhưng tôi luôn nghĩ mọi chuyện theo hướng tích cực hơn. Làm Trưởng Ban trọng tài không dễ chút nào, nên mới đến tay tôi. Bản thân tôi không thể tự mình làm tốt mọi thứ, nên cần chia sẻ từ phía anh em trọng tài và dư luận. Ban Trọng tài cần các thành viên chung tay đoàn kết làm việc nghiêm túc. Chỉ có sự chung sức, hướng về cái chung, vì tập thể, chúng ta mới hy vọng sự phát triển bền vững của trọng tài Việt Nam được.

* Đánh giá của ông về những thành viên còn lại Ban Trọng tài như ông Đoàn Phú Tấn, Bùi Như Đức và Đặng Thanh Hạ?

- Anh Đoàn Phú Tấn, Bùi Như Đức hay Đặng Thanh Hạ đều là những thành viên cũ từ Hội đồng Trọng tài Quốc gia và có kinh nghiệm bươn chải nhiều năm trong nghề. Bản thân các anh ấy cũng nhiều trăn trở khi hình ảnh trọng tài thời gian qua bị ảnh hưởng quá nhiều về mặt chuyên môn. Tôi nghĩ đây đều là những con người tâm huyết, canh cánh với nghề và có tính tiếp nối giữa Hội đồng Trọng tài Quốc gia cũ với Ban Trọng tài mới ra đời. Cả ba người đều thể hiện rõ quyết tâm đoàn kết, xiết chặt đội ngũ trọng tài trở thành một khối. Với những người đồng hành tốt như thế, tôi cũng an tâm vào công việc sắp tới.

* Ngay sau khi nhậm chức, ông và các thành viên còn lại đã có những trao đổi ra sao để chuẩn bị cho mùa giải mới?

- Thời điểm SEA Games 26 diễn ra tại Indonesia, tôi cùng các thành viên Ban Trọng tài đã có 2 cuộc họp kín. Việc đầu tiên là xây dựng định hướng nhân sự, mở các lớp đào tạo, tìm kiếm trọng tài từ cấp địa phương đến trung ương. Ở khía cạnh còn lại, sau những vấn đề nổi cộm trong công tác trọng tài vừa qua, từ chuyện của các trọng tài Trần Công Trọng và Nguyễn Văn Quyết, Quốc Dũng, Quốc Hoài, Ban Trọng tài cũng phải cải tổ mặt quản lý trọng tài, nhằm tránh trọng tài đi sai hướng. Sau thời gian chuẩn bị, đợt tập huấn trọng tài tại Đà Nẵng từ ngày 12 đến 16/12, chúng tôi sẽ đúc rút kinh nghiệm cũng như có sự chuẩn bị cho các trọng tài trước thềm mùa giải 2012.

Trọng tài vẫn phải tự bảo vệ mình là chính

* Ông đánh giá sao về công tác trọng tài Việt Nam thời gian qua?

- Điểm đầu tiên trọng tài cũng là con người và sai sót có thể xảy ra. Bây giờ đã có luật rồi, cứ chiếu theo luật mà xử lý. Nếu trọng tài chỉ sai sót về mặt chuyên môn, mắc lỗi nhận định thì không sợ điều tiếng. Còn nếu cầm còi mà có ý đồ riêng xen lẫn, Ban Trọng tài chúng tôi lẫn các giám sát cần phải đối chiếu, kiểm tra kỹ lưỡng trước khi đưa ra phương thức xử lý. Tôi hy vọng mấy trọng tài bị treo còi vĩnh viễn cũng là tấm gương cảnh tỉnh cho các trọng tài còn lại. 

Trước vấn nạn các đội bóng “đi đêm” với trọng tài, Ban Trọng tài cũng phải tìm biện pháp bảo vệ, kiểm tra nội bộ thường xuyên. Nhất là vai trò của giám sát - vốn cánh tay nối dài Ban Trọng tài - trong việc nhắc nhở, định hướng và phát hiện những sai phạm. Cái quan trọng nhất vẫn là các trọng tài giữ mình trước cám dỗ từ bên ngoài, chứ chúng tôi không thể theo sát họ mọi lúc, mọi nơi được.

* Điều ông lo lắng nhất về đội ngũ trọng tài trước thềm mùa giải mới là gì?

- Muốn trọng tài làm tốt công việc, chuyện tăng chế độ chính sách để anh em trọng tài, giám sát an tâm làm việc là chuyện đầu tiên. Ai cũng thấy làm trọng tài bây giờ áp lực kinh khủng, khi các câu lạc bộ đều chi vài chục tỷ làm bóng đá, nên việc đòi hỏi thành tích cao hơn hẳn. Nhiệm vụ của Ban Trọng tài không chỉ đảm bảo chất lượng trọng tài phục vụ 2 giải đấu lớn mà phải hướng tới việc có thêm nhiều trọng tài cấp FIFA trong thời gian tới. Ngoài ra, yêu cầu về việc kiểm tra trình độ ngoại ngữ, thể lực của các trọng tài từ đầu vào cũng vô cùng quan trọng. Nên Ban Trọng tài cũng sẽ có đòi hỏi khắt khe hơn đối với các trọng tài ngay từ bước khởi đầu sự nghiệp, nhằm chuyên nghiệp hóa ngay từ công tác đào tạo, phát triển lớp kế cận.


Bóng đá Việt Nam cần nhiều trọng tài cấp FIFA như ông Võ Minh Trí. Ảnh: CTV

* Kế hoạch dài hơi của Ban Trọng tài trong những năm tới ra sao, thưa ông?

- Chúng ta không thiếu trọng tài FIFA, nhưng đến nay mới có trọng tài Võ Minh Trí đạt cấp độ Elite và đủ trình thổi ở các giải đấu lớn. Mục tiêu Ban Trọng tài là có thêm nhiều trọng tài Việt Nam đạt cấp độ Elite nữa. Để có được sự công nhận trên, các trọng tài phải vượt qua nhiều đòi hỏi ngặt nghèo. Điểm yếu lớn nhất trọng tài Việt Nam chính là thể lực và ngoại ngữ.

Chúng tôi cũng có kế hoạch chuẩn bị dài hơi để trọng tài Việt Nam cầm còi nhiều hơn ở các giải  đấu lớn như AFC Cup, AFC Champions League trong thời gian tới. Ngay việc nâng cao chất lượng giảng viên đạt chuẩn AFC cũng là đòi hỏi bắt buộc.

* Ông nghĩ rằng trọng tài Việt Nam đã thực sự toàn tâm, toàn ý trong công việc chưa?

- Nhiều người coi trọng tài là “Vua sân cỏ”, nhưng ai cũng biết các trọng tài chỉ là “nghề tay trái”. Nhiều trọng tài ở thế giới cũng là bác sĩ, kỹ sư hay giáo viên, nhưng vì đam mê với nghề trọng tài, họ sẵn sàng dấn thân vào công việc này. Đây là nghề lắm áp lực, nên chỉ có tình yêu với nghề, các trọng tài mới tồn tại trong áp lực môi trường ngày càng lớn như lúc này. Trọng tài Việt Nam rất yêu nghề, nhưng vì áp lực cuộc sống, tác động từ bên ngoài, việc chưa toàn tâm, toàn ý hoàn toàn có thể xảy ra. Cho nên, Ban Trọng tài phải tạo được sự ổn định cuộc sống, tư tưởng để trọng tài an tâm làm việc. Cùng với đó, bản thân mỗi trọng tài phải đề cao danh dự, sự công tâm trong mỗi quyết định.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Mộc Miên (thực hiện)

Dương Vũ Lâm, có thể bạn chưa biết...

- Ông Dương Vũ Lâm sinh ngày 8/5/1958 tại Giồng Trôm, Bến Tre. Sau khi tốt nghiệp đại học TDTT TP. HCM, ông Lâm qua Liên Xô học chuyên tu bóng đá vào năm 1985. Ngay sau khi trở về nước, ông phụ trách công tác đào tạo trẻ của LĐBĐ TP.HCM.

- Trong cương vị huấn luyện viên đào tạo trẻ, ông Lâm để lại dấu ấn đậm nét tại các giải đấu trẻ. Năm 1997, đội U22 TP.HCM do ông Lâm dẫn dắt tham với một dàn cầu thủ mạnh đã lọt vào trận chung kết giải U22 Báo Thanh Niên tại Hà Nội, nhưng để thua U22 Quân đội 1-2.

- Không chỉ có duyên với công tác đào tạo trẻ, ông Lâm cũng có duyên trong vai trò quản lý bóng đá. Năm 1995, ông Dương Vũ Lâm làm huấn luyện viên phó cho ông Karl-Heinz Weigang tham dự SEA Games 1995 ở Chieng Mai. Tiger Cup 1996, ông làm trợ lý ngôn ngữ cho Weigang, giúp đội tuyển Việt Nam đoạt huy chương đồng. AFF Cup 2008, trong vài trò Trưởng đoàn, ông Lâm cùng thầy trò Henrique Calisto lần đầu tiên bước lên ngôi vô địch Đông Nam Á.

- Tại Đại hội AFF nhiệm kỳ 2011-2015, trong cương vị Phó Chủ tịch VFF, ông Dương Vũ Lâm người duy nhất tái đắc cử chức Phó Chủ tịch AFF, kiêm phụ trách Ban Trọng tài.


Thethaovanhoa.vn