Bong da

Việt Nam

Những mảnh đời xa xứ ở SEA Games

Cập nhật: 31/05/2015 07:19 | 0

Nhờ SEA Games 28, người lao động ngoại quốc tại Singapore kiếm được rất nhiều việc làm, trong đó có nhiều người đến từ Việt Nam.

Những mảnh đời xa xứ ở SEA Games
Những mảnh đời xa xứ ở SEA Games
* Lịch thi đấu bóng đá và các môn khác ở SEA Games 2015

Vừa đến đảo quốc Sư tử, tôi quyết định chọn tàu điện ngầm (MRT) làm phương tiện di chuyển về Bugis, nơi các PV báo Bóng đá đặt đại bản doanh. Sự thật, tôi không tự tin cho lắm vì đây là lần đầu được đi tàu điện ngầm. Thậm chí tôi sợ vì chẳng biết chuyến tàu sẽ chở mình đi đâu giữa cái xứ lạ này. Thế rồi, tôi giật mình khi có cánh tay đặt sau vai, rồi hỏi: “Anh bạn muốn đi đâu?”

Anh ta là Nalah. Nhìn khuôn mặt đầy râu và bộ áo quần sơ mi đính kèm đôi dép kẹp, tôi đinh ninh: “Hẳn tay này lớn tuổi hơn mình?!”. Nhưng tôi đã nhầm, Nalah mới 24 tuổi, vậy mà khuôn mặt “nhàu” quá. Rồi câu chuyện giữa chúng tôi cũng bắt đầu. “Nan” (cái tên tiếng Việt tôi đặt cho người bạn mới) kể: “Tôi là người Ấn Độ. Con đường tôi đến Singapore cũng khúc khuỷu lắm. Tôi vốn là một thợ sơn lành nghề ở quê nhưng rồi theo chân những người bạn đến Nepal hành nghề. Ở đó, tôi tình cờ quen một ông chủ người Hoa và rồi ông ta mang tôi đến Singapore để kiếm sống”.

Gần đến trạm Levender, tức là một trạm trước khi đến Bugis, ánh mắt của Nan có vẻ xa xăm. Cậu hỏi tôi: “Anh có gia đình chưa?”. Tôi bảo chưa. Nan nói, cậu ấy cũng thế và bây giờ chỉ còn cha mẹ ở miền Bắc Ấn Độ, thỉnh thoảng cậu cũng hay gọi điện về. Cứ mỗi lần như thế, Nan lại buồn bởi những lời triệu hồi về nhà lấy vợ khi bò dê đã sẵn, mà cha mẹ thì đã già... 


 Nan nói với tôi, chưa biết bao giờ lấy vợ bởi chưa có bạn gái, mà cũng chẳng ai dám yêu một người như cậu ấy. Bây giờ chỉ hy vọng kiếm đủ tiền để xây một ngôi nhà mới ở Ấn Độ, rồi tính gì thì tính. Qua câu chuyện của Nan, tôi biết cậu và những người bạn đã tham gia sơn sửa, “mặc” những “chiếc áo mới” cho các công trình SEA Games 28.

Trong cái ngày đến Trung tâm báo chí, tôi gặp lại những người như Nan miêu tả. Họ đều đến từ Ấn Độ, Nepal và đó đều là những anh chàng độc thân vui tính, dễ gần và lao động hăng say…

Nan chỉ là một trong vô số những người lao động “ngoại quốc” tại Singapore, trong đó người Việt Nam cũng chẳng ít. Như chị An, người quê An Giang mà tôi gặp trong quán cơm người Hoa gần sân Bishan. Thật tình, tôi không biết chị An là người Việt, bởi vừa bước vào đây, chị đã xổ một tràng tiếng Hoa, pha thứ tiếng Anh “bồi”. Phải cho đến khi tôi và đồng nghiệp nói chuyện với nhau, chị An mới bước ra và chào chúng tôi với ánh mắt hớn hở: “Từ Việt Nam đến hả, đi làm SEA Games phải không?”.

Tiếp lời, chị kể lại hành trình đến Singapore và đầu quân cho quán ăn này, rằng trước đây có làm việc ở Bình Dương và học đôi chút tiếng Hoa, sau đó nghỉ việc thì được giới thiệu qua đây. Chị thở dài: “Làm  ở đây vất vả, nhưng có đồng ra đồng vào gửi về nhà, còn nếu ở quê thì chẳng biết làm gì để nuôi gia đình”. Gặp đồng hương ở quán ăn, chúng tôi được khuyến mãi thêm được chén nước tương cay cay mặn mặn mà như chị An nói: “Không quen đồ ăn ở đây thì chẳng ăn được đâu?”.

SEA Games 28 đang đếm ngược, có lẽ những người như Nan chẳng muốn nó đến và kết thúc bởi lúc ấy chẳng còn việc mà làm. Còn những người như chị An, có lẽ nơi đất khách quê người gặp đồng hương như chúng tôi cũng thấy vui vui trong lòng…

38% Theo Wikipedia, năm 2012, dân số Singapore là 5,312 triệu người, trong đó 3,285 triệu (62%) là công dân Singapore và những người còn lại (38%) là cư dân thường trú hoặc công nhân/học sinh ngoại quốc. 23% công dân Singapore sinh ra bên ngoài đảo quốc sư tử. 


(báo bóng đá)