Bong da

Việt Nam

Nhận diện đối thủ Malaysia - Già giơ, cứng rắn và luôn quyết chiến

Cập nhật: 07/12/2014 07:19 | 0

ĐT Malaysia từng thua Việt Nam 1-3 trong trận giao hữu ngay trước thềm VCK AFF Suzuki Cup 2014. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm chết người nếu như chúng ta lấy hình ảnh ấy làm thước đo cho đối thủ Malaysia tại vòng bán kết này. Họ đã hoàn toàn lột xác khi bước từ loại hình giao hữu sang các trận đấu chính thức.

Nhận diện đối thủ Malaysia - Già giơ, cứng rắn và luôn quyết chiến
Nhận diện đối thủ Malaysia - Già giơ, cứng rắn và luôn quyết chiến
ĐỘI BÓNG “3 TRONG 1”
Ở trận quyết đấu với Singapore, tranh suất cuối cùng vào vòng bán kết, đội hình chính của Malaysia có tuổi đời bình quân là 27,4. Đấy chính là đội bóng già dặn nhất tại VCK AFF Suzuki Cup 2014. Trên thực tế, khi Malaysia đối đầu với Thái Lan ở vòng bảng thì báo chí quốc tế giật tít “Kinh nghiệm đối đầu với sức trẻ”, còn khi Malaysia gặp Singapore thì báo chí lại hỏi: “Kinh nghiệm hay ưu thế sân nhà sẽ thắng?”.

Chính kinh nghiệm cùng với bản lĩnh và tinh thần quyết đấu đến cùng đã giúp Malaysia oanh liệt thắng và loại đội chủ nhà Singapore ra khỏi cuộc chơi, trong hoàn cảnh Singapore chỉ cần hòa là đủ điểm. 

Ở trận ấy, dù bị gỡ hòa ở phút 83, Malaysia vẫn ghi liền 2 bàn trong khoảng thời gian đá bù. Những tràng la ó rộ lên khắp mọi khán đài đã không thể làm chồn chân Safiq Rahim khi anh sút quả phạt đền mang tính quyết định toàn cục cho Malaysia.


Nhưng nói như vậy có nghĩa: Malaysia không phải là một đối thủ đáng ngại, xét về đẳng cấp kỹ thuật. Họ dùng sức vóc nhiều hơn, và chơi rất rắn. Các trận đấu của Malaysia ở vòng bảng thường trở nên lẻ mẻ, bị cắt vụn bởi rất nhiều tình huống va chạm, phạm lỗi. 

Suốt cả 3 trận vòng bảng, Malaysia luôn là đội phải nhận thẻ phạt nhiều hơn đối phương. Khi tiền vệ Gary Steven Robbat (22 tuổi, trẻ nhất đội) bị đuổi khỏi sân ngay trận đầu tiên thì giới quan sát lập tức lưu ý: Malaysia cũng có cầu thủ bị đuổi trong các trận giao hữu trước giải (gặp Syria và Việt Nam). 

Bị treo giò trong trận gặp Thái Lan, Robbat lại lĩnh thẻ vàng ngay khi trở lại ở trận gặp Singapore! Cũng vì lĩnh thẻ quá nhiều, Malaysia có 2 cầu thủ bị treo giò trong trận bán kết lượt đi là Amri Yahyah và Shukor Adan.


CHƠI RẮN & DỨT ĐIỂM HIỆU QUẢ
HLV Dollah Salleh nói gì về lối chơi cứng rắn của Malaysia? Ông phát biểu  trong một cuộc họp báo ở vòng bảng: “Có thể tôi đã lập một kỷ lục nào đấy (về việc đội tuyển của ông rời sân chỉ với 10 người trong 3 trận đấu liên tiếp). Nhưng việc lĩnh thẻ là một phần tất yếu của bóng đá. Tôi vẫn luôn nhắc cầu thủ, rằng họ phải tiếp tục tập trung vào lối chơi quen thuộc của mình”!

Lối chơi quen thuộc của Malaysia còn có điều gì đáng nói ngoài chuyện cứng rắn và lãnh thẻ nhiều? Đấy là những đường chuyền dài và bổng, cũng khá thích hợp với thể hình và sức vóc của các cầu thủ. Điều đáng nói là các cầu thủ Malaysia thường tấn công và sút bóng không nhiều, nhưng hiệu quả khá cao (tung cú dứt điểm 15 lần, có 9 lần đúng hướng khung thành và ghi 5 bàn vào lưới Thái Lan, Malaysia). Ở trận gặp Singapore, Malaysia chỉ có 3 lần dứt điểm đúng hướng cầu môn thì cả 3 đều thành bàn!


Trong phòng ngự, các hậu vệ và tiền vệ trụ Malaysia tranh cướp bóng khá tốt, nhưng nếu nhịp đầu của pha tranh chấp thất bại thì Malaysia rất dễ trả giá vì hậu vệ bọc lót không tốt trong tình huống tiếp theo. Nói chung, đấy là đối thủ đáng gờm, nhưng không phải quá đáng ngại đối với ĐT Việt Nam. các cầu thủ đáng chú ý của Malaysia là thủ môn Khairul Fahmi (22), tiền vệ Safiq Rahim (8), tiền đạo Safee Sali (10).

Càng đá càng hay
Giống như ĐT Việt Nam, Malaysia có một đặc điểm đáng gờm tại AFF Suzuki Cup kỳ này: càng đá càng hay. Đầu tiên là trận hòa gây thất vọng với Myanmar ở trận ra quân (0-0). Ở trận kế tiếp, tuy thua Thái Lan 2-3 nhưng chính Malaysia đã dẫn điểm đến 2 lần. Cuối cùng, Malaysia thắng 3-1 trong hoàn cảnh đội chủ nhà Singapore chỉ cần hòa là có vé.

Có một chi tiết rất đáng lưu ý: trước mọi đối thủ ở vòng bảng, Malaysia luôn là đội sút cầu môn ít hơn.


Ngôi sao Safiq Rahim

Vì chấn thương, tiền vệ mang áo số 8 của Malaysia suýt phải vắng mặt tại VCK AFF Suzuki Cup 2014. Phải ngồi ngoài khi Malaysia bị Myanmar cầm chân ở trận ra quân, Rahim đã trở lại đội hình chính ở trận gặp Thái Lan và ngay lập tức tỏ rõ giá trị. Anh góp 1 đường chuyền thành bàn và ghi 1 bàn, dù Malaysia thua 2-3 trước đối thủ trên tài.

Đến cuộc quyết đấu cuối cùng, Rahim lại một lần nữa xứng danh trụ cột. Anh là người chạm bóng nhiều nhất (72 lần) và có nhiều đường chuyền chính xác nhất (59 đường chuyền, tỷ lệ chính xác 83%) bên phía Malaysia. Bàn mở tỷ số của Safee Sali cho Malaysia đến từ một pha bóng do Rahim khởi xướng. Bàn thắng mang tính quyết định (2-1, ở phút 90+3) cũng do Rahim ghi được. Đấy là một quả phạt đền trong hoàn cảnh mọi chuyện đang căng như dây đàn.

Rahim ĐT  Malaysia

Rahim đá tiền vệ trụ, nhưng anh quán xuyến cả hai nhiệm vụ tấn công, phòng ngự, có tầm hoạt động khá rộng và có lối chơi thiên về tấn công. Cách đây 3 năm, Rahim từng có dịp thử chân ở CLB Xứ Wales Cardiff, tập với các ngôi sao như Craig Bellamy. 

Ngoài ra cũng không thể không nhắc đến thủ môn Khairul Fahmi Che Mat, người đang dẫn đầu về số lần cứu thua (14 lần/18 cú sút phải chịu). Người gác đền 25 tuổi của CLB Kelantan này từng tập huấn tại đội U19 và U23 của CLB  PSV Eindhoven. Anh hiện đã có 29 lần bắt cho ĐTQG Malaysia từ năm 2010 đến nay.



(báo bóng đá)