B.BD (phải) dù có thể tung ra sân tới 6 “Tây” trong đội hình xuất phát
nhưng cũng vẫn chơi rất nhạt trước HN.T&T. Ảnh: VSI
Lụn bại
Trận đấu ở vòng 2 trên sân Hàng Đẫy của HN.T&T, B.BD xuất phát với Đinh Hoàng La trong khung gỗ, cặp trung vệ Bakel-Nguyễn Hoàng Helio, tiền vệ trung tâm Trung Sơn (Jefferson), cặp tiền đạo Philani-Fortuner. Thêm Brian Umony vào sân thay Bakel sau đó, cựu vương đất Thủ sử dụng tối đa các suất ngoại binh đăng ký và cả cầu thủ nhập tịch. Nhưng câu trả lời là gì? Đội bóng của HLV Đặng Trần Chỉnh thất bại toàn tập, từ tỷ số (thua 0-1) đến lối chơi.
Một ngày trước đó, Sài Gòn FC cũng đã tung đồng loạt Nguyễn Rogerio, Đặng Văn Robert, Antonio, Moses và Kesley Huỳnh Alves vào sân ngay từ đầu trong cuộc đón tiếp HA.GL. Ở hiệp nhì, Nsi cũng đã xuất hiện. Dù đã ném vào trận đấu tất cả những gì tinh túy nhất, nhưng cuối cùng, vẫn phải cần đến rất nhiều may mắn để HLV Lư Đình Tuấn kéo lại 1 điểm cho đội bóng bằng bàn thắng ở phút đấu bù giờ (Kesley Huỳnh Alves). Sài Gòn FC vẫn vô hồn và vô chiêu như thế.
Vấn đề đặt ra ở đây là gì, với những đội bóng vẫn bảo lưu thói quen sính ngoại và ngoại binh nhập tịch?! Những người làm bóng đá vẫn giữ lập luận rằng, yếu trâu hơn khỏe bò, và sẵn sàng dùng đến 6-7/11 vị trí trên sân dàng riêng cho cầu thủ người nước ngoài (hoặc có gốc gác nước ngoài) dù khả năng (chuyên môn) rất bình thường. Đấy là bệnh thành tích trầm kha. Ngoài ra, việc quá đề cao vai trò của ngoại binh, còn là nguyên nhân khiến tài năng nội không có cơ hội phát tiết.
Với sự phát triển nguồn ngoại binh ở 2 giải đấu V-League và hạng Nhất như những năm gần đây, chỉ tăng về lượng chứ không tăng về chất. Đó là chi tiết rất đáng lưu tâm, nếu chúng ta còn muốn tiếp tục nâng tầm các giải đấu, để xứng với tên gọi Super League.
Và phí phạm
Trong rất nhiều những bài báo mà từng đề cập trước đây, trào lưu nhập tịch dường như vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Chúng ta vô tình đã để thất thoát rất nhiều VND ra nước ngoài. Tất nhiên là trước khi nó chảy về Phi châu, Nam Mỹ và cả Âu châu nữa, VND được quy đổi thành USD, ngay từ khâu trả lương cho cầu thủ. Lại đề cập đến chuyện lương bổng với ngoại binh và cầu thủ người nước ngoại nhập tịch, so với cầu thủ nội luôn có độ vênh rất đáng kể.
Lấy ví dụ thế này. Ở B.BD, lương tháng cho những cầu thủ như Philani, Van Bakel, Trung Sơn hay Nguyễn Hoàng Helio không dưới 10.000 USD/tháng (chưa tính thưởng cho mỗi bàn thắng, trận thắng và cũng chưa tính phí “lót tay” khi ký hợp đồng), cũng đã cao gấp 4-5 lần so với những ngôi sao nội cỡ Việt Thắng, Vũ Phong, Anh Đức hay Quang Thanh nhận được. So với mức độ đóng góp, như thế đã bị cho là quá phí phạm. Super League dù thay tên đổi họ vẫn lạc hậu.
Ở các nền bóng đá phát triển, lương bổng (hay việc chấm công) luôn dựa trên các tiêu chí về chuyên môn, mức độ đóng góp, trước khi xét đến yếu tố thương mại của những cái tên (dùng cho việc quảng bá hình ảnh CLB và bán áo đấu). Như ở M.U hay Real Madrid, mức lương cho Rooney và Ronaldo là rất khác biệt so với phần còn lại. Giải Ngoại hạng Anh luôn để chế độ mở với cầu thủ người nước ngoài và đặc biệt là khối EU, nhưng đã và sẽ không bao giờ có sự đặc cách về quê quán của họ.
Bao giờ người nước ngoài (ở đây là cầu thủ) thay đổi suy nghĩ tìm đến dải đất hình chữ S để an dưỡng, thậm chí là dối già, mà vẫn hưởng lương cao?! Nó phải bắt đầu từ chính cung cách làm bóng đá của chúng ta, của các ông bầu.
Tùy Phong
Thethaovanhoa.vn