Bong da

bong-da-trong-nuoc

Nghèo thì phải vượt khó

Cập nhật: 05/01/2012 07:15 | 0

Nhiều người bảo bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hiện nay là cuộc đua của đồng tiền. Rất nhiều tiền đã được đổ vào bóng đá và nhìn đâu cũng thấy đại gia. Nhưng nào phải thế, bên cạnh những đội bóng nhà giàu, vẫn còn khá nhiều những cái tên thuộc dạng nghèo.




Trong số 14 đội bóng tham dự Super League 2012, những cái tên được xếp vào dạng nghèo có “truyền thống” là Sông Lam Nghệ An, TĐCS Đồng Tháp, Thanh Hóa và nay tân binh K.Kiên Giang cũng được liệt vào “mâm” này. Nói là nghèo, bởi những đội bóng này khó đua với các đại gia khác về tiềm lực kinh tế. Và năm nào vào cuối mùa giải, họ cũng luôn “than khóc” về chuyện bị chảy máu lực lượng mà không cách nào cầm cự được.

Chẳng nói đâu xa, đương kim vô địch SLNA dù được ngân hàng Bắc Á chống lưng, nhưng ngay sau khi lên ngôi vô địch đã có thông tin nhà tài trợ chậm giải ngân tiền thưởng. Sau đó lại không thể giữ chân được các ngoại binh đang thi đấu rất tốt ở mùa giải 2011 do không đủ kinh phí, nên phải mua mới toàn bộ ngoại binh cho mùa giải 2012. Và sự thể hiện vừa qua của những cầu thủ ngoại khiến người ta phải nhớ da diết những cái tên như Kavin, Fagan ở mùa trước. Trong khi đó, TĐCS Đồng Tháp hồi cuối mùa giải 2011 còn phải bán ngôi sao sáng nhất của mình là thủ môn Tấn Trường để có tiền trang trải và mua thêm một vài cầu thủ trẻ khác nhằm bổ sung vào lực lượng còn quá mỏng của họ, sau sự ra đi của một loạt cái tên từ quân đến tướng.



Còn K.Kiên Giang, sau sự thăng tiến bất ngờ để có mặt ở sân chơi Super League, những người cầm trịch đội bóng xem ra vẫn chưa kịp chuẩn bị để có sự đầu tư vững chắc cho cuộc chơi lớn. Bởi thế, lực lượng của K.KG theo như HLV Hồng Vân thừa nhận sau trận thua B.BD ở vòng 1 là “vừa yếu lại vừa thiếu”. Riêng Thanh Hóa, dù bị xếp nhóm nghèo, nhưng xem vậy chứ không phải vậy, bởi kinh phí đầu tư cho mùa giải 2011 của đội bóng xứ Thanh lên đến 80 tỷ đồng, còn tiền lương, thưởng của cầu thủ đội bóng này chẳng thua ai. Năm nay, con số nghe đâu cũng tương đương, thậm chí còn hơn thế.

Cũng bởi trong phận “nhà nghèo mà học trường chuyên”, nên những cái tên kể trên luôn trong cảnh phải vượt qua chính mình theo đúng nghĩa “con nhà nghèo học giỏi”. Cứ nhìn mùa giải trước thì sẽ thấy, dù nhà nghèo, nhưng đội bóng xứ Nghệ vẫn vượt mặt tất cả những đại gia khác để leo lên ngôi vô địch. Trong khi TĐCS Đồng Tháp dù đầu mùa hao hụt nhiều về lực lượng song vẫn kịp về đích với vị trí thứ 5, trong lúc Thanh Hóa có vị trí thứ 7. Có nghĩa, họ quá ổn so với những đội bóng của các ông bầu thuộc hàng đại gia như B.Bình Dương (hạng 6), Navibank SG (8), HA.GL (9), Hòa Phát HN (10), V.Hải Phòng (12), ĐT.LA (13), Hà Nội ACB (14). Trong khi ở hạng Nhất, K.Kiên Giang cũng tăng tốc ồ ạt để đoạt lấy chiếc vé thăng hạng trước một loạt đối thủ mạnh khác. Để rồi ở Super League năm nay, những cái tên kể trên lại tiếp tục vượt khó như một thông lệ.

Người ta thường nói, “nghèo học giỏi” hoặc “giàu học dốt” để so sánh đẳng cấp học tập lẫn môi trường xuất thân của các sinh viên, học sinh. Nhưng ở chừng mực nào đó, điều này cũng có thể ứng vào bóng đá Việt Nam, nếu dựa vào minh chứng ở các đội bóng kể trên. Tuy nhiên, cũng có câu nói này: “Đừng vui với lời khen mình nhà nghèo học giỏi, mà hãy tự hỏi vì sao mình học giỏi mà cứ nghèo?”.

Các đội bóng “nhà nghèo” ở ta, có bao giờ tự hỏi thế?

Đắt nhất & rẻ nhất

B.BD đổ cả núi tiền để chiêu mộ hiền tài đầu mùa này, nhưng nếu tính giá trị đội hình chính thức thì chắc chắn, chẳng ai qua nổi Sài Gòn FC.

Tất nhiên, giá trị của từng cầu thủ tùy thuộc vào thời hạn hợp đồng giữa 2 bên. Hãy thử làm phép tính đội hình chính thức của Sài Gòn FC trên giá chuyển nhượng 1 mùa: Đình Luật (2 tỷ đồng/mùa), Phước Tứ (4 tỷ đồng), Antonio (3 tỷ đồng), Moses (1 tỷ đồng), Nguyễn Rogerio (4 tỷ đồng),  Tấn Trường (4,5 tỷ đồng), Huỳnh Kesley (7 tỷ đồng), Nsi (700 triệu đồng), Kizito (400 triệu đồng), Trọng Bình (900 triệu đồng), Văn Tuấn (500 triệu đồng) thì tổng giá trị đã lên đến 28 tỷ đồng.

SG.FC sở hữu đội hình đắt giá nhất ở Super League thì trái lại, đội hình của K.KG lại “bèo” nhất. Cầu thủ nội cao nhất cũng chỉ được lót tay 600 triệu đồng/năm, nhưng số đó cũng không nhiều. Trong lúc đó, phí chuyển nhượng ngoại binh cũng chỉ nhỉnh hơn số tiền trên không đáng kể. Theo tính toán thì tổng giá trị của 11 cầu thủ chính thức ở K.KG vào khoảng 5 tỷ đồng, hơn một chút so với số tiền chuyển nhượng của riêng thủ môn Tấn Trường.

Bongdaplus.vn