Bong da

bong-da-trong-nuoc

Năm Rồng mơ chuyện hóa Rồng

Cập nhật: 30/01/2012 18:15 | 0

Có tới 13 bàn thắng được ghi sau 4 trận đấu thuộc vòng tứ kết Cúp QG 2012, tức là trung bình mỗi trận đấu có tới 3,25 bàn thắng, đấy là khởi đầu không thể tốt đẹp hơn của sân cỏ nội địa trong năm mới Nhâm Thìn.

Sân Vinh mới cách đây chưa lâu còn là tâm điểm của dư luận vì pha vào bóng cực kỳ rùng rợn lẫn cú trả đũa cũng “độc ác” không kém giữa Huy Hoàng (SLNA) và Samson (HN.T&T), thì chiều qua lại làm khán giả cả nước sững sờ bởi 3 chiếc thẻ đỏ trực tiếp của Hoàng Thịnh (SLNA), Moussa và Đức Huy (V.NB), trong đó tình huống Hoàng Thịnh tung cả 2 chân vào đầu Mạnh Dũng chẳng khác nào cảnh tượng thường thấy trong các bộ phim bạo lực.

Nên nhớ rằng Hoàng Thịnh đang là tuyển thủ U23 QG và mới chỉ vài tháng trước, Hoàng Thịnh và Mạnh Dũng còn là đồng đội của nhau khi ĐT U23 VN tập trung để chuẩn bị cho SEA Games 26 (khi HLV Falko Goetz chốt danh sách chính thức tham dự SEA Games 26 thì Mạnh Dũng đã bị loại), vậy mà Hoàng Thịnh lại thực hiện một pha vào bóng cao chân nguy hiểm và thô bạo như thế với Mạnh Dũng thì mới thấy sân cỏ Việt còn lâu mới bình an.


Trận SLNA-V.NB ở tứ kết Cúp QG 2012 chiều qua tuy có 6 bàn thắng nhưng lại có tới 3 chiếc thẻ đỏ trực tiếp vì lỗi chơi bóng thô bạo của cầu thủ đôi bên

Super League và giải hạng Nhất 2012 đã trôi qua 3 vòng, còn Cúp QG 2012 cũng vừa mới kết thúc vòng tứ kết, nhưng có nhiều cơ sở để kết luận sơ bộ rằng sẽ là viển vông nếu như kỳ vọng sự ra đời của VPF sẽ giúp bóng đá VN ở cấp độ CLB nhanh chóng có được sự cải biến rõ rệt và mạnh mẽ về chất. Như một thống kê gần đây của cho thấy, sau 3 vòng đấu, số lượng các vấn đề nổi cộm ở Super League 2012 và V-League 2011 là tương đương nhau.

Thực ra thông số này không làm ai cảm thấy ngạc nhiên, bởi tuy năm nay giải VĐQG và giải hạng Nhất QG đã được thay đổi phương thức điều hành, nhưng con người tham gia làm quy trình này vẫn là những cái tên cũ nên dù có muốn thì VPF cũng không thể mau chóng làm nên một cuộc cách mạng rộng khắp trên sân cỏ nội địa. Đấy còn chưa kể tới việc bộ máy nhân sự của VPF hiện mới có bộ khung lãnh đạo, còn toàn bộ đội ngũ nhân viên điều hành vẫn chưa được hoàn thiện, nên nếu nói VPF bây giờ không khác nào một công trường thì cũng chẳng phải là cách diễn đạt quá mức ngoa ngoắt.

Sự kiện các bên liên quan cùng bày tỏ phản ứng dữ dội sau những án phạt mà ban Kỷ luật đưa ra sau vòng 3 Super League 2012 vừa qua cho thấy phía trước VPF còn có rất nhiều thách thức và trở ngại đang chờ đón, mà việc quyền tổ chức giải VĐQG và hạng Nhất QG được trao lại cho các đội bóng thành viên mới chỉ là yếu tố cần chứ chưa thể là yếu tố đủ để có thể tạo ra 1 sân chơi khách quan và công bằng cho tất cả. Bộ máy lãnh đạo VPF hiện nay dù có sự xuất hiện của cả đại diện các ông bầu cũng như VFF, nhưng dễ thấy rằng những quyết sách quan trọng của VPF trong thời gian vừa qua hầu như đều in đậm dấu ấn của các ông bầu chứ chưa thấy vai trò nổi bật của VFF như cần phải thế. 

Trong khi đó, 2 bộ phận rất quan trọng với cả VFF cũng như VPF là ban Kỷ luật và ban Trọng tài vẫn chưa tạo dựng được niềm tin vững chắc từ phía người hâm mộ cũng như các đội bóng, và cần phải thắng thắn thừa nhận rằng đây là 2 trong số nhiều nguyên nhân dẫn tới việc sân cỏ nội địa vẫn nổi sóng trong chặng đường đầu tiên của mùa giải 2012. Tóm lại, dù năm Tân Mão đã qua và năm Nhâm Thìn đã tới, song để có thể xác định chắc chắn thời điểm bóng đá VN thực sự sẽ hóa rồng thì hẳn vẫn còn là bài toán rất khó tìm lời giải.

Hoàng Huy

Thethaovanhoa.vn