Kinh doanh bóng đá còn lâu mới có lãi
TƯỞNG GHÊ GỚM NHƯNG CHẲNG LÀ GÌ
Hôm thứ Tư vừa qua, công ty Kiểm toán - Tài chính toàn cầu Deloitte đã công bố danh sách thường niên Football Money League của họ, xếp hạng các CLB bóng đá giàu nhất thế giới dựa trên doanh thu.
Real Madrid
Nhà vô địch Champions League và FIFA Club World Club Real Madrid một lần nữa dẫn đầu với doanh thu trong mùa giải 2013/14 hơn nửa tỉ bảng. Xếp ngay sau là Man United, Barcelona và Bayern Munich. Để thấy rõ hơn lượng tiền của tập trung vào bóng đá, hãy nhìn phép so sánh: 20 CLB hàng đầu thế giới kiếm được 7 tỉ bảng trong mùa giải vừa qua, tức là bằng GDP cả năm của một quốc gia cỡ nhỏ, như Tajikistan hay Moldova.
Tuy nhiên, bóng đá còn lâu mới là một ngành kinh doanh ngon ăn: tổng doanh thu của 20 đội bóng đó cũng chỉ bằng 1/5 so với doanh thu của chính công ty lên danh sách là Deloitte. Thật ra, doanh thu thường niên của công ty tài chính toàn cầu này lớn hơn cả 5 giải đấu lớn của châu Âu (Anh, TBN, Đức, Italia và Pháp) cộng lại.
Arsenal
Arsenal, ở vị trí thứ 8 trong danh sách, có doanh thu chỉ hơn 300 triệu bảng. Nghe thì hoành tráng, nhưng khoản thu nhập đó chỉ tương đương với một công ty xây dựng - cơ khí trung bình và còn cách rất xa nhóm Fortune 500, những doanh nghiệp giàu nhất thế giới. Ở hạng 20, Everton, với thu nhập 120 triệu bảng, chỉ có doanh thu tương đương với một siêu thị Walmart cỡ vừa.
Nhưng cũng phải thấy rằng hầu hết các CLB bóng đá, dù lớn hay nhỏ, không hoạt động như những doanh nghiệp thông thường. Deloitte đã tính toán rất cẩn trọng nguồn thu nhập của các CLB và giải thích khá tỉ mỉ trong báo cáo của họ (cũng như trả lời những câu hỏi trên tài khoản Twitter), nhưng họ đã không đề cập gì tới chi phí, lãi (hay lỗ), nợ nần và bản cân đối thu chi của các CLB.
Những thông số bị bỏ qua đó lẩn tránh một sự thật rằng rất ít trong số 20 CLB “kiếm được nhiều tiền nhất” thực sự có lãi và những đội có lãi, như Man United, thật ra cũng là không đáng kể. Hầu hết các đội bóng được nhắc tên, cũng như những giải đấu tương ứng, thua lỗ liên tục và mắc nợ triền miên.
Một số đội mang trên vai những gánh nặng tài chính khổng lồ. Chẳng hạn, Deloitte thông báo rằng, Man United có thu nhập 433 triệu bảng, nhưng đồng thời, báo cáo tài chính mới nhất cho thấy các “trách nhiệm tài chính”, cách nói giảm nói tránh của “nợ nần” lên tới 371 triệu bảng. Vì thế, đằng sau những con số có vẻ khủng khiếp đó là gì, thực sự nền kinh tế bóng đá đang vận hành ra sao?
MỘT ĐỘI GIÀU, TRĂM ĐỘI NGHÈO
Trước hết, bóng đá đỉnh cao là một ví dụ về ngành kinh doanh toàn cầu mà sự mở rộng của công nghệ đã tưởng thưởng cho một số ít kẻ thắng cuộc, nhưng lại khiến những kẻ thua cuộc trả giá đắt. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện giờ, bóng đá vẫn kiếm được rất nhiều tiền từ các thỏa thuận bản quyền truyền hình.
Man City
Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra với với các CLB rất lớn hoặc các giải đấu làm tiếp thị tốt nhất, như Premier League. Phần còn lại vẫn phải sống trong tăm tối, và do người ta chỉ có thời gian hạn chế, những giải đấu và đội bóng họ theo dõi cũng chỉ hạn chế.
Thứ hai, trong khi các hợp đồng bản quyền truyền hình quốc nội của các giải lớn vẫn tăng trưởng, phần tăng quan trọng nhất hiện giờ là thị trường quốc tế. Kinh tế yếu kém ở châu Âu, vì thế, đã được bù đắp ở những châu lục khác. Bóng đá châu Âu vẫn là có sức hấp dẫn lớn nhất.
Không giải đấu hay CLB nào ở Nam Mỹ, Nga hay châu Á chen được chân vào Top 20 của Money Football League. Ngay cả Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ mỗi nước cũng chỉ có một đại diện. Trừ Nam Mỹ, hầu như khắp nơi trên thế giới, NHM bóng đá sẽ chọn xem Manchester City hay Real Madrid thay vì các đội bóng quốc nội.
Thứ ba, sự bất bình đẳng không chỉ là giữa các giải đấu và châu lục, mà còn chính trong nội bộ những giải lớn. Premier League có nhiều đại diện hơn trong Top 20 một phần quan trọng bởi sự chia sẻ tiền bản quyền truyền hình sòng phẳng hơn nhiều, miếng bánh lớn nhất của nhiều CLB.
Chelsea
8 đội hàng đầu nước Anh trong danh sách của Deloitte có thu nhập riêng từ bản quyền truyền hình lên tới 1,33 tỉ bảng, và một hợp đồng mới sắp được thương lượng cho giai đoạn sau 2016 sẽ còn mang tới nhiều tiền cho họ hơn nữa.
Trong khi đó, ở TBN và Italia, các CLB thương lượng bản quyền truyền hình riêng rẽ, dẫn tới việc những đội mạnh nhất và nhiều danh tiếng nhất, Barcelona, Real, Juventus… chiếm hết phần tiện nghi. Dễ hiểu vì sao Premier League có 8 đội trong Top 20 và 15 đội trong Top 30 của bảng xếp hạng, với những CLB làng nhàng như Newcastle, Everton, Swansea… cũng kiếm được rất khá.
Barcelona
Cuối cùng, trong khi các CLB bóng đá tạo ra doanh thu lớn, họ đang gặp khủng hoảng trong việc kiểm soát chi phí. Premier League lại là ví dụ, khi phần chia từ tổng thu nhập cho chi lương đã tăng từ 44% vào những năm 1990 lên hơn 75% ngày nay, khó có thể coi đó là một mô hình bền vững.
Các giải lớn khác ở châu Âu cũng đang vận hành tương tự, khiến những khoản nợ của họ cứ ngày một chồng chất. Sự cạnh tranh quá khốc liệt và những ông chủ vô trách nhiệm đã ngày càng tạo ra nhiều rủi ro cho các đội bóng. UEFA đã áp đặt luật công bằng tài chính hòng hạn chế điều đó, thông qua nỗ lực kiểm soát nợ nần của các đội bóng, nhưng ngay cả nếu luật được tuân thủ chặt chẽ (một chữ nếu rất lớn), các đội bóng cũng khó lòng có lãi.
TOP 20 ĐỘI CÓ DOANH THU CAO NHẤT MÙA 2013/14 1. Real Madrid - 459,5 triệu bảng 2. Manchester United - 433,2 triệu bảng 3. Bayern Munich - 407,7 triệu bảng 4. Barcelona - 405,2 triệu bảng 5. Paris Saint-Germain - 396,5 triệu bảng 6. Manchester City - 346,5 triệu bảng 7. Chelsea - 324,4 triệu bảng 8. Arsenal - 300,5 triệu bảng 9. Liverpool - 255,8 triệu bảng 10. Juventus - 233,6 triệu bảng 11. Borussia Dortmund - 216,7 triệu bảng 12. AC Milan - 208,8 triệu bảng 13. Tottenham - 180,5 triệu bảng 14. Schalke 04 - 178,9 triệu bảng 15. Atletico Madrid - 142,1 triệu bảng 16. Napoli - 137,8 triệu bảng 17. Inter Milan - 137,1 triệu bảng 18. Galatasaray - 135,4 triệu bảng 19. Newcastle United - 129,7 triệu bảng 20. Everton - 120,5 triệu bảng |
Vì sao các đại gia đầu tư cho bóng đá? Bản báo cáo của Deloitte cho thấy các CLB bóng đá không phải là những cỗ máy in tiền. Hầu hết các đại gia khi mua lại đội bóng không nhắm tới việc tối đa hóa lợi nhuận, mà là tối đa hóa “lợi ích”, thông qua các mục đích khác, để quảng bá tên tuổi, xây dựng quan hệ, hay đơn giản như một trò giải trí. Cũng có những ngoại lệ, những nhà đầu tư nghiêm túc, như nhà Glazer ở Man United (ảnh) và hầu hết các ông chủ Mỹ, tức chỉ đầu tư để kiếm tiền. Roman Abramovich ở Chelsea hay các ông chủ Abu Dhabi và Qatar ở Man City và Paris Saint - German rõ ràng nhắm tới những mục đích khác. Tất cả những điều đó khiến cho bản báo cáo của Deloitte không còn nhiều ý nghĩa, nếu chúng ta không đào sâu hơn về lãi lỗ và mục đích của từng đội bóng trong danh sách. |