Bong da

bong-da-trong-nuoc

Kiến, củ khoai & văn hóa bóng đá

Cập nhật: 29/03/2012 12:15 | 0

Bằng chứng đâu? Đấy là bảo bối để những người đang tham gia lĩnh vực bóng đá ta, từ trên xuống dưới thường xuyên sử dụng để chuyển lợi thế về phía mình.



Ứng xử thiếu văn hoá sau khi bị trọng tài Ngô Quốc Hưng phạt thẻ đỏ, Danh Ngọc (phải) đã trả giá bằng mức án kỷ luật phạt tiền 20 triệu đồng và treo giò 45 ngày. Ảnh: VSI

Trong những dạng tiêu cực thì liên minh, dàn xếp tỷ số luôn nhức nhối ở lượt về mỗi mùa giải. Đấy là lúc mà cuộc cạnh tranh đi vào cao điểm, cả cuộc đua vô địch đến trụ hạng. Mỗi trận đấu có mùi đa số đều được cho qua với mục đích giải hạ cánh an toàn. Lý do cũng chỉ là một: bằng chứng đâu để xử?

Lạ ở chỗ, Quy định Kỷ luật đã tạo hành lang để những người chấp pháp xử khi nêu rất rõ bằng chứng là những tư liệu chuyên môn: “diễn biến thực tế trên sân, báo cáo của các giám sát, tổ trọng tài, ý kiến của khán giả, phán ứng của công luận và băng hình”.

Vậy mà lâu nay, những tư liệu chuyên môn đó thường không được sử dụng triệt để, bất chấp những trận cầu làm nổi sóng sân cỏ nội vì độ ngang nhiên. Chính xác hơn, vẫn có nhưng rất hiếm, trừ thời ông Ngô Tử Hà, Trần Duy Ly. Chính sự yếm thế đó đã khiến cho kỷ cương ở sân cỏ nội  không được thiết lập.

Văn hóa ứng xử trên sân, giữa trọng tài-cầu thủ-quan chức đội bóng, không phải bây giờ mới xuống đến mức đáng báo động. Chỉ có điều, giờ số lượng các trận đấu được truyền hình trực tiếp nhiều hơn, khán giả cả nước mới được “vinh dự” thưởng lãm vô số hình ảnh phản cảm. Bản thân cánh trọng tài có lời lẽ không ổn đã được HĐTT QG trước đây đưa vào thành một “chuyên đề” tập huấn hẳn hoi.

Khi xảy ra sự cố liên quan đến hành vi phi văn hóa, chúng ta đều thấy mẫu số chung: các bên đều ra sức đẩy lỗi về phía nhau. Bản thân các lãnh đội đều ra sức bảo vệ cho quân của mình, làm đơn giảm án, thay vì đưa ra những án phạt nội bộ để giáo dục tư tưởng cho cầu thủ.

Thật là buồn khi ý tưởng sắm “hộp đen” đặt ở bàn trọng tài thứ 4 không phải để giúp cho công tác TT tốt lên, mà chủ yếu để là bằng chứng truy cứu những phát ngôn chợ búa là chínhm giữa các bên liên quan. Cái “hộp đen” đó góp phần dạy văn hóa cho những người đang tham gia bóng đá.

Đa số những màn đốp chát gây sóng gió trên sân cỏ, những hành vi phản cảm đình đám, nhất là cầu thủ với trọng tài, cũng thường có quy trình giống nhau: nghe ngóng dư luận- phạt nặng (giơ cao)-giảm án (đánh khẽ). Công Vinh vái lạy TT Vũ Bảo Linh (2010), bị ban Kỷ luật treo 6 trận nhưng sau đó đã được giảm xuống còn 3 trận. Việc Công Vinh dọa giải nghệ, ban Giải quyết Khiếu nại không đồng thuận với án của ban Kỷ luật đã gây lợn cợn, phải chăng động đến ngôi sao rất khó xử án công tâm?

Trường hợp này cũng xảy ra với cầu thủ Đặng Ngọc Tùng năm 2011 khi 2 ban cũng vênh nhau để rồi mức kỷ luật bị treo giò hết giải trong màu áo TP.HCM, nhưng đầu quân cho đại gia SG.XT thì được giảm án nhẹ đến ngỡ ngàng. Mới đây những hành động lẫn phát ngôn vô lối của bầu Thụy cũng bị chìm xuồng, dư luận không ngạc nhiên. Danh Ngọc với vụ “ngón tay thối” năm 2009, án tuyên 6 trận nhưng sau đó được hạ xuống còn 4 trận.

Từ án hình sự đến án bóng đá, những trường hợp xét tình tiết để giảm án, hoặc đặc xá, mục đích vẫn là tạo điều kiện cho đương sự có cơ hội vươn lên thành người tốt. Có điều, trong trường hợp lạm dụng sự nhân đạo, thì rất dễ xảy ra hiệu ứng ngược. Có vẻ, với bóng đá ta, việc “nhân đạo hóa” các loại án lâu nay đã khiến cho kỷ cương ngày càng lỏng lẻo, thậm chí lờn thuốc, còn văn hóa bóng đá không có đất để nảy mầm.

Những hình ảnh của Danh Ngọc trên truyền hình chẳng còn gì để bàn về độ vi phạm. Xem đi xem lại tình huống Quốc Long phạm lỗi, rõ ràng anh này cũng quá sai, bằng chứng sai quá rõ, từ pha vào bóng với cầu thủ HA.GL đến hành vi vái lạy TT. Lúc Quốc Long hùng hổ xông đến khi bị rút thẻ vàng thứ 2, có nghĩa đấy là bối cảnh mà Quốc Long lẫn TT Quốc Hưng có thể dùng ngôn ngữ “Đan Mạch” như 2 bên tố cáo.

Bóng đá nội địa đang rất cần siết lại kỷ cương. Nếu như  những bộ phận hành pháp còn xử án với cung cách bị động, nhìn mặt mà xử, thiếu bản lĩnh thậm chí còn “sút bóng” vào nhau, thì văn hóa bóng đá sẽ còn xuống cấp.

NGỌC HÒA



Thethaovanhoa.vn