Bong da

bong-da-trong-nuoc

Hướng đến V.League 2012: Cầu thủ nội lên ngôi

Cập nhật: 11/12/2011 07:15 | 0

Không cần một chiến lược quảng bá rầm rộ, cũng chẳng có chính sách ưu tiên nào, nhưng các cầu thủ nội tại V.League ngày càng có giá bởi vai trò đặc biệt của mình.




Nội trội hơn ngoại
Cái thời các đội bóng dốc túi cho ngoại binh và coi đó là nhân tố quyết định sự thành bại trong một mùa giải đã qua. Giờ, không còn cảnh cầu thủ nội trở thành “kép phụ” và phải hy sinh để các ngôi sao ngoại tỏa sáng. Họ được đối xử bình đẳng vì bản thân đã biết nâng cao giá trị của mình.

Còn nhớ, trước thềm mùa giải 2009, Thể Công đã từ chối Lê Công Vinh vào phút chót do không thống nhất được điều khoản tài chính. Lãnh đạo đội bóng này tính toán rằng, chiêu mộ chân sút người Nghệ An với số tiền 7 tỷ đồng trong 3 năm là bất hợp lý. Với số tiền ấy, Thể Công có thể mua một chân sút ngoại thượng thặng cỡ như Leandro, hay Timothy.

Thế nhưng, lối suy nghĩ của lãnh đạo Thể Công vài năm trước đã trở nên lỗi thời bởi ngày càng có nhiều cầu thủ nội nhận số tiền lót tay lên đến vài tỷ đồng/năm. Họ được định giá cao hơn các cầu thủ ngoại. Cá biệt như trường hợp của Công Vinh, anh đến ACB Hà Nội với số tiền tương đương số tiền của một ngôi sao ngoại đã được “Việt hóa” là Huỳnh Kesley (khoảng 16 tỷ đồng).

Nhiều người bảo, hiện tượng các cầu thủ nội được định giá cao hơn ngoại binh là sự bất hợp lý của nền bóng đá. Ai cũng biết, giá trị sử dụng và tầm ảnh hưởng của cầu thủ ngoại cao hơn các đồng nghiệp người bản địa. Thế nhưng, có một thực tế là khoảng cách về trình độ ngoại binh giữa các đội bóng đã được san bằng nhờ sự chống lưng của những ông bầu giầu có. Bây giờ, đội bóng nào cũng có tiền thuê ngoại binh chất lượng cao nên muốn thành công, họ phải nâng cao sức mạnh chiến đấu của nội binh bằng việc chiêu mộ thật nhiều ngôi sao. Vì lý do đó mà cầu thủ nội ngày càng đắt giá.

Quan trọng, hay thiếu?
Việc các đội bóng hướng sự quan tâm vào cầu thủ nội là tất yếu. Nó sẽ giúp họ có được một đội hình cân bằng và ổn định. Nhưng câu hỏi đặt ra, vì sao các ông bầu phải tự biến mình thành con thiêu thân trong cuộc chạy đua giành chữ ký của các ngôi sao nội?

Đầu tiên phải nhấn mạnh rằng, cầu thủ nội chính là cái nền để đội bóng phát triển. SLNA chưa bao giờ là đội bóng yếu vì họ có được bộ khung nội binh ổn định. Bên cạnh đó, những cầu thủ có tầm ảnh hưởng nhất trong đội bóng thường là nội binh. Dấu ấn bản địa, khả năng ảnh hưởng đến số đông đồng đội khiến các ngôi sao nội có vai trò vô cùng quan trọng. Chẳng thế mà ở nhiều đội bóng, có những cầu thủ không phải để bán như: Huy Hoàng (SLNA), Minh Châu (V.HP), Thành Lương (ACB Hà Nội)… Và để giữ chân những thủ lĩnh này, các đội bóng sẵn sàng sử dụng “đòn bẩy tài chính”.

Trong một nền bóng đá mở, các cầu thủ nội đã thực sự thích ứng với môi trường khắc nghiệt. Họ tôi luyện được bản lĩnh trận mạc và không hề kém cạnh các cầu thủ ngoại về khả năng chuyên môn. Sự thay đổi về căn bản đó là một trong những nguyên nhân quyết định giá trị cầu thủ nội.

Còn một nguyên nhân khác khiến cầu thủ nội ngày càng lên ngôi, đó là các trung tâm đào tạo chưa hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Họ không cung cấp đủ những cầu thủ thực sự có chất lượng. Thậm chí, nhiều CLB thiếu đội trẻ, hoặc hoạt động èo uột, không thể trở thành đội ngũ kế cận cho tuyến trên. Để có lực lượng hùng hậu tham gia cuộc chạy đua khốc liệt, các ông bầu buộc lòng phải dốc hầu bao lên chợ chuyển nhượng tranh mua.

Tại sao bầu Kiên “kết” Thành Lương?
Thành Lương luôn là “cục cưng” của bầu Kiên và ông chủ ACB Hà Nội sẽ không để tuyển thủ ĐT U23 QG này ra đi dù với cái giá nào. Không phải vị trí của Thành Lương là bất khả thay thế hoặc thương hiệu của anh lớn đến mức nếu chuyển sang đội bóng khác thì ACB Hà Nội sẽ chịu tổn thất nặng nề. Điều khiến ông Kiên bằng mọi giá phải giữ Thành Lương là do anh là một trong số rất ít những ngôi sao mà hệ thống đào tạo trẻ của ACB Hà Nội đã cho ra lò. Mất Thành Lương, lòng tự tôn của bầu Kiên sẽ bị tổn thương, bởi lúc ấy, chẳng còn gì để tự hào về sự nghiệp trồng người của ACB Hà Nội.

Bongdaplus.vn