Bong da

Việt Nam

HLV Miura & triết lý giữ sạch lưới rồi mới ghi bàn

Cập nhật: 04/03/2015 07:19 | 0

Một trong những triết lý giúp HLV Toshiya Miura có được thành công ban đầu với bóng đá Việt Nam, đó là “giữ sạch lưới rồi mới ghi bàn”. Vì thế, việc nhà cầm quân người Nhật Bản chú trọng đến khâu tổ chức phòng ngự của ĐT Olympic Việt Nam là điều rất dễ hiểu.

HLV Miura & triết lý giữ sạch lưới rồi mới ghi bàn
HLV Miura & triết lý giữ sạch lưới rồi mới ghi bàn
PHÒNG NGỰ TỪ… TIỀN ĐẠO
Trong cách vận hành chiến thuật của ĐTQG tại AFF Suzuki Cup 2014 đến ĐT Olympic Việt Nam tại Asiad 17, điều mà HLV Toshiya Miura quan tâm nhất đó là công tác tổ chức phòng ngự và nó sẽ bắt đầu từ hàng tiền đạo. Thường mỗi khi mất bóng (hoặc đối phương tổ chức tấn công), nhà cầm quân người Nhật Bản yêu cầu các cầu thủ phải lùi thật nhanh về phần sân nhà; hoặc phải tổ chức vây bắt từ bên phần sân đối phương một cách quyết liệt, nhằm giảm tải áp lực cho hàng tiền vệ và hàng phòng ngự. 

Thực tế, những bài tập, hay những chỉ đạo của HLV Miura đã giúp các cầu thủ tạo phản xạ có điều kiện. Để hoàn thành những yêu cầu này, các cầu thủ cần có một nền tảng thể lực sung mãn. Do vậy, dễ hiểu tại sao những ngày qua các học trò của ông ở ĐT Olympic Việt Nam lại phải tập luyện với một khối lượng vận động rất lớn, thậm chí những ngày đầu một số cầu thủ đã thổ lộ rằng: Họ không nuốt nổi cơm vì mệt nhoài.

Cho đến bây giờ, nhà cầm quân Nhật Bản đang đi đúng hướng khi các tuyển thủ đã bắt đầu thích nghi với giáo án của ông. Nếu quan sát vài buổi tập gần đây, có thể thấy ông Miura đã bắt đầu đưa ra những thử nghiệm chiến thuật và con người. Và như đã đề cập, với triết lý và quan điểm của mình, trong các trận đấu tới đây, nếu Công Phượng, Văn Toàn, Phúc Tịnh… vốn là những cầu thủ chơi tấn công, được yêu cầu phải lùi về sân nhà phòng ngự thì cũng không có gì là lạ.


Các cầu thủ tấn công cũng phải tích cực tham gia phòng ngự - Ảnh: Đức Cường

XÂY CAO HÀNG THỦ
Trước đây, các ĐTQG của Việt Nam thường rất e ngại phải đụng độ với các đối thủ có thể hình và chiều cao vượt trội, bởi các hàng phòng ngự của chúng ta thường thất thế về tầm vóc và hay để thủng lưới trước các đội bóng có lối chơi lật cánh đánh đầu, hoặc thực hiện những quả “rót dầu” vào trung lộ… 

Nhưng đến triều đại của HLV Miura những sai số từ phòng ngự, đặc biệt là khâu chống bóng bổng đã được hạn chế đến mức tối đa. Để làm được điều đó, nhà cầm quân người Nhật đã “xây cao hàng thủ” với những cầu thủ có chiều cao được lựa chọn rất kỹ càng từ V-League. Chẳng hạn như Quế Ngọc Hải (1m80), Phạm Hoàng Lâm (1m86), Phạm Mạnh Hùng (1m76), Bùi Tiến Dũng (1m75), Nguyễn Thanh Hiền (1m77)…

Có một điều đáng chú ý, ông Miura sẵn sàng tăng cường chất thép (lẫn chiều cao) cho hàng phòng ngự với những đổi thay bất ngờ. Tại AFF Suzuki Cup 2014 người ta thấy một Quế Ngọc Hải, vốn có sở trường là trung vệ tỏa sáng trong vai trò của một cầu thủ leo biên tạt cánh, hay trước đó ở Asiad 17, ông đẩy trung vệ Nguyễn Minh Tùng ra đá hậu vệ biên với nhiệm vụ đứng ở sân nhà và phòng ngự.

Ở thời điểm hiện tại, HLV Miura đang có những thử nghiệm, chẳng hạn như ông bố trí trung vệ Phạm Mạnh Hùng chơi hậu vệ trái. Cái lý của Miura khi sử dụng trung vệ SLNA ở vị trí trái sở trường này là vì anh có cái chân trái rất khéo và có thể thực hiện những cú phất bóng tấn công với độ chính xác khá cao. Vì vậy, nếu được đào tạo và thích nghi tốt, rất có thể cầu thủ giầu kinh nghiệm Mạnh Hùng sẽ trở thành một cầu thủ tấn công lẫn phòng ngự cừ khôi.

Cần phải khẳng định lại, ĐT Olympic đang trong quá trình thử nghiệm, ai đóng vai kép chính, kép phụ còn phải chờ đợi. Nhưng có thể tin triết lý “chiến thắng bắt đầu từ phòng ngự” của HLV Toshiya Miura sẽ khó đổi thay, bởi nó chính là thứ “vũ khí” phù hợp với bóng đá Việt Nam hiện tại.

Cơ hội nào cho các cầu thủ có xu thế tấn công?
Lê Văn Sơn, Lê Đức Lương, hay cả Nguyễn Phong Hồng Duy là những hậu vệ biên chơi tấn công rất hay trong màu áo U19 Việt Nam và HA.GL. Nhưng ở cấp độ ĐT Olympic, họ buộc phải thay đổi tư duy bởi với HLV Miura, hậu vệ phải giỏi phòng ngự rồi mới đến nhiệm vụ tấn công.

HỒ SƠ HÀNG PHÒNG NGỰ

Lê Đức Lương


Hậu vệ trái, cao 1m71
Điểm mạnh: Tốc độ, tấn công tốt.
Hạn chế: Tranh chấp tay đôi chưa tốt.

Lê Văn Sơn 


Hậu vệ phải, cao 1m68
Điểm mạnh: Tốc độ, kỹ thuật, tấn công tốt. 
Hạn chế: Thể hình thấp.

Trần Phước Thọ


Hậu vệ trái, cao 1m71
Điểm mạnh: Đeo bám tốt, lỳ lợm. 
Hạn chế: Hỗ trợ tấn công chưa tốt.

Phạm Hoàng Lâm


Trung vệ, cao 1m86
Điểm mạnh: Không chiến, tranh chấp tay đôi tốt. 
Hạn chế: Xoay trở không tốt.

Phạm Mạnh Hùng


Trung vệ, cao 1m76
Điểm mạnh: Phát động tấn công tốt. 
Hạn chế: Phối hợp đồng đội chưa tốt.

Quế Ngọc Hải


Trung vệ, cao 1m80
Điểm mạnh: Thủ lĩnh tinh thần, không chiến, tấn công tốt. 
Hạn chế: Xoay trở không tốt.

Bùi Tiến Dũng


Trung vệ, cao 1m75
Điểm mạnh: Băng cắt, bọc lót, tấn công tốt. 
Hạn chế: Không mạnh trong tranh chấp tay đôi.

Lê Cao Hoài An


Trung vệ, cao 1m77
Điểm mạnh: Thể lực sung mãn. 
Hạn chế: Thiếu kinh nghiệm thi đấu quốc tế.

Nguyễn Thanh Hiền


Hậu vệ phải, cao 1m77
Điểm mạnh: Mạnh mẽ, va chạm tốt. 
Hạn chế: Phối hợp đồng đội chưa tốt.


(báo bóng đá)