Bong da

bong-da-trong-nuoc

HLV Hữu Thắng: U23 Việt Nam thiếu tự tin quá!

Cập nhật: 18/11/2011 20:15 | 0

Muốn giành được tấm HCV sau 52 năm chờ đợi, theo HLV Nguyễn Hữu Thắng, các tuyển thủ cần phải vượt qua nỗi ám ảnh từ các kỳ SEA Games trước để lại.

Ký ức vàng son 1997

* Từng tham dự SEA Games, kỷ niệm nào ấn tượng nhất với anh tới thời điểm này?

- Kỳ SEA Games năm 1997, diễn ra tại Indonesia để lại cho tôi những khoảnh khắc đẹp trong đời cầu thủ. Tôi còn nhớ rõ đội tuyển Việt Nam để thua Malaysia ở trận mở màn, nên cánh cửa vào bán kết rất hẹp. May mắn lúc ấy, Lào đã bất ngờ thắng Malaysia ở trận cuối, còn đội tuyển Việt Nam thủ hòa với đội chủ nhà. Trước giờ ra sân, cổ động viên Indonesia biến Senayan thành “chảo lửa” để lung lạc tinh thần cầu thủ Việt Nam. Chúng tôi bị thua trước hai bàn, nhưng chắt chiu từng cơ hội để có được một điểm quý giá. Tiền đạo Văn Sỹ Hùng có phút giây thăng hoa với cú đúp tuyệt vời cho đội tuyển Việt Nam. Một trận hòa mà tôi nghĩ còn hơn một chiến thắng. Dù năm đó, bóng đá Việt Nam chỉ giành HCĐ, nhưng tất cả đều coi là chiếc “HCV về niềm tin, ý chí”.

* Dường như lúc này, cơn sốt bóng đá ở mỗi kỳ SEA Games không còn lớn như trước...

- Tôi nghĩ rằng điều kiện 10 năm trước khác hẳn so với lúc này. Đời sống giải trí không có nhiều lựa chọn, người hâm mộ dành trọn tình yêu cho bóng đá. Chưa kể các trận đấu tại SEA Games luôn góp mặt các đội tuyển quốc gia, tập trung những cầu thủ xuất sắc nhất trong khu vực. Các trận đấu thời ấy máu lửa, khiến cổ động viên được sống trong những khoảnh khắc hồi hộp, chờ đợi nhất. Lúc này, cuộc sống thay đổi, khiến người hâm mộ thay đổi thói quen lẫn sự mong mỏi. Chưa kể việc giới hạn cầu thủ U23 tham dự làm chất lượng SEA Games giảm sút, mất đi tính cuốn hút. SEA Games giờ đây không còn tạo ra được những khoảnh khắc “lên đồng”.


HLV Nguyễn Hữu Thắng - Ảnh CTV

* Tính tới SEA Games 2011, anh có nghĩ thế hệ cầu thủ Việt Nam lúc này đã có sự thay đổi về chiến thuật, lối chơi so với thời của anh?

- Thật khó so sánh thời chúng tôi hơn gì, thua gì với các cầu thủ lúc này. Tôi chỉ nghĩ chất lượng cầu thủ cũng tốt hơn so với thời của chúng tôi. Họ được đào tạo bài bản, có trường lớp và mang dáng dấp bóng đá hiện đại. Chưa kể việc các huấn luyện viên tài năng và kinh nghiệm ở bóng đá châu Âu, như huấn luyện viên Falko Goetz của U23 Việt Nam, càng giúp cầu thủ làm quen với bóng đá đỉnh cao. Xét về chế độ, sự ưu đãi, thời điểm này bóng đá Việt Nam khác hẳn 10 năm trước quá nhiều. Chỉ có điều, các cầu thủ còn chưa làm chủ được tâm lý, kỹ năng xử lý, lẫn thiếu kinh nghiệm ở sân chơi quốc tế. Cho nên, U23 Việt Nam vẫn khiến dư luận chưa thực sự tin tưởng.

Xem xét việc sử dụng cầu thủ nước ngoài

* Anh có bất ngờ khi U23 Thái Lan tiếp tục bị loại ở vòng bảng SEA Games. Có lẽ “ông kẹ” một thời của bóng đá Đông Nam Á đang sa sút ở sân chơi họ từng nhiều năm thống trị?

- Tôi không bất ngờ lắm với việc U23 Thái Lan bị loại sớm ở vòng bảng. Năm nay, huấn luyện viên Prapol Pongpanich và các học trò chuẩn bị không thực sự kỹ lưỡng. Trong một bảng đấu khắc nghiệt và đòi hỏi sự tập trung, Malaysia và Indonesia lại có được sự đầu tư tốt hơn hẳn về mặt thời gian lẫn con người.

Thế độc tôn không còn thuộc về bóng đá Thái Lan khi các đối thủ trong khu vực đều vươn lên mạnh mẽ. Ngoài U23 Việt Nam, Malaysia, Indonesia cũng trở lại với hình ảnh những đội bóng mạnh. Sự sa sút của bóng đá Thái ở sân chơi Đông Nam Á bắt nguồn từ việc họ hướng mọi sự chú ý cho vòng loại thứ ba World Cup 2014. Mục tiêu của người Thái đặt ra là có mặt ở sân chơi thế giới. Dù chưa thể tiệm cận được đẳng cấp Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia... nhưng khát vọng của người Thái cũng giống bóng đá Việt Nam trong việc bơi ra biển lớn. Trong khi người Thái ý thức việc đó rất sớm, chúng ta vẫn còn quẩn quanh giấc mơ vô địch SEA Games mà thôi.

* Còn nguyên nhân nào khác giải thích sự sa sút của các cầu thủ Thái Lan so với các thế hệ từng giúp họ 8 lần liên tiếp giành HCV SEA Games?

- Một nguyên nhân quan trọng khác khiến bóng đá Thái Lan sa sút chính là việc Thai League đang sử dụng tràn lan cầu thủ nước ngoài. Tôi từng học với 3 huấn luyện viên người Thái trong thời gian ở Đức vừa qua và cả 3 người này cho biết Thai League đang cho tới năm cầu thủ nước ngoài vào sân. Như thế là mất đi mảnh đất cho các cầu thủ nội phát triển. Tôi nghĩ bóng đá Việt Nam cần nhìn vào bài học của Thái Lan và xiết chặt lại quy chế dùng ngoại binh tại V-League. Ngay cả giải hạng Nhất đôi khi không nên dùng ngoại binh.

Bóng đá Malaysia đang gặt hái quả ngọt sau khi đóng cửa với cầu thủ nước ngoài. Các đội bóng tại M-League chỉ sử dụng các cầu thủ nội, mà giải đấu vẫn giàu tính cạnh tranh. Kết quả, họ giành chức vô địch SEA Games 25 rồi AFF Cup 2010. Bản thân những cầu thủ U23 Malaysia lúc này cũng trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm, dù mới tầm 21-23 tuổi.

U23 Việt Nam thiếu sự tự tin

* Malaysia đang chơi ấn tượng tại vòng bảng vừa qua. Anh có thể “giải mã” đối thủ này?

- U23 Malaysia luôn thể hiện lối chơi công thủ toàn diện trong mọi trận đấu. Điều tôi thấy đáng chú ý nhất là các cầu thủ Malaysia luôn mạnh dạn cầm bóng và thể hiện kỹ năng điều khiển trái bóng theo ý mình, chứ không chơi kiểu đá bậy, đá láo như Myanmar, Timor Leste. Không chỉ các tiền vệ, mà ngay cả các hậu vệ như Jasuli, Asarusdin cũng sẵn sàng đột phá như những tiền đạo thực thụ. Đặc biệt nền tảng thể lực của họ vô cùng sung mãn. Tôi thấy trận đấu với Thái Lan, các cầu thủ Malaysia còn nhỉnh hơn hẳn về tranh chấp tay đôi. Lối chơi của họ khá đa dạng biến hóa, với 2 tiền đạo sắc bén, cũng như khả năng điều chỉnh nhân sự tốt của huấn luyện viên Ong Kim Swee. Điều tôi thích nhất ở đội bóng này là họ chơi bóng tự tin, bình tĩnh và rất kinh nghiệm trong xử lý các tình huống.

* Còn U23 Indonesia, họ có gì đặc biệt ở giải đấu năm nay?

- Đá với đội chủ nhà thường rất khó khăn, khi họ luôn đá với “cầu thủ thứ 12” ngồi trên khán đài. Tôi từng thi đấu ở Indonesia nên nhớ rất rõ. Các cổ động viên xứ vạn đảo luôn cháy hết mình trên sân và cổ vũ liên tục từ các khán đài. Đá với sự cổ vũ như thế, các cầu thủ Indonesia càng chạy khỏe trên sân. Đá với một đội bóng giàu thể lực, sức mạnh lại có sức ép đè nặng từ khán đài, rất khó để đội khách có thể thi đấu tốt nhất. Tôi đánh giá rất cao hàng tấn công của họ, với những chân sút giỏi chớp cơ hội như Titus Bonai, Patrick Wangai.

* Ở giải năm nay, tiền vệ Trọng Hoàng chưa bùng nổ như thời điểm đá ở Sông Lam Nghệ An? Điều đó thật phí phạm khi Trọng Hoàng được coi là một trong những cầu thủ tốt nhất mà bóng đá Việt Nam đang có lúc này?

- Tại CLB, Hoàng thường đá ở biên phải và cầm bóng đột phá vào vòng cấm, để chuyền bóng hoặc ghi bàn. Đó là phong cách và lối chơi định hình của Trọng Hoàng từ trước. Nhưng khi lên U23, Hoàng đóng vai trò tiền vệ trung tâm, đôi khi hộ công cho 2 tiền đạo. Đá vị trí mới, bất cứ cầu thủ nào cũng cần thời gian thích nghi, chứ không riêng gì Trọng Hoàng. Bản thân Hoàng cũng giống đồng đội trong việc thoát sức ì tâm lý, nên chơi chưa đạt phong độ tốt nhất. Chỉ còn cách chiếc HCV lịch sử vỏn vẹn hai trận đấu, U23 Việt Nam cần giữ “trái tim nóng, cái đầu lạnh” trước khi ra sân. Cứ đá với tư tưởng thoải mái nhất, U23 Việt Nam sẽ làm nên chuyện ở SEA Games lần này!

* Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi!

Mộc Miên(thực hiện)

Thethaovanhoa.vn