Bong da

bong-da-trong-nuoc

“Hàng nội” liệu có lên ngôi?

Cập nhật: 19/12/2011 08:15 | 0

Mục đích ra đời cũng như tôn chỉ hành động của VPF là nhằm nâng tầm bóng đá VN. Nhưng nếu chỉ căn cứ vào những biện pháp mà nó vừa đưa ra, e hơi sớm nếu khẳng định đã đến thời “hàng nội” lên ngôi.

Tuấn Anh (phải) có thể trở thành ngôi sao ở giải hạng Nhất khi sân chơi này không có ngoại binh,

nhưng chưa chắc Tuấn Anh đã khẳng định được mình nếu lên chơi ở V-League hoặc ĐTQG. Ảnh: Quốc Khánh

Tiêu chí làm chiến thuật cấp CLB

Một thực tế mà khá nhiều ý kiến đã từng phân tích thời gian qua, sau thất bại của U23 VN tại SEA Games 26, là chúng ta không có những mẫu cầu thủ đủ khả năng đảm đương một “trục dọc” tính từ khu cấm của đối phương tới vạch 16m50 của đội nhà. Lý lẽ của điều đó khá đơn giản, bởi ở tất cả các đội bóng VN hiện giờ, nhiệm vụ vừa nhắc đều được giao phó cho “Tây”.

Nếu đồng ý rằng cầu thủ thi đấu tại V-League sẽ có nhiều cơ hội tham gia các ĐTQG hơn cầu thủ thi đấu tại hạng Nhất thì việc không sử dụng ngoại binh ở hạng Nhất có lẽ cũng không quá khác biệt so với cách các cầu thủ ngoại ở V-League, dù ít đi nhưng vẫn đảm đương những nhiệm vụ quan trọng nhất ở CLB của mình.

Nói một cách đơn giản hơn, với việc không sử dụng cầu thủ ngoại ở giải hạng Nhất, tiền đạo Tuấn Anh của Đồng Nai sẽ được chơi đúng vị trí trung phong của anh. Nhưng việc chỉ được cọ xát với “cây nhà lá vườn” hàng tuần có thể sẽ khiến Tuấn Anh khi lên tuyển rất khó cạnh tranh nổi với những Văn Quyết, Văn Thắng..., tuy không phải là những tiền đạo kiểu mẫu nhưng lại sở hữu kinh nghiệm phong phú hơn ở một sân chơi rõ ràng có chất lượng cao hơn giải hạng Nhất.

Một giả định khác, sang năm Đồng Nai giành quyền thăng hạng. Nhưng nếu điều đó xảy ra, lấy gì đảm bảo Tuấn Anh còn được chơi đúng vị trí sở trường khi việc anh phải dạt biên hoặc đóng vai phục vụ “Tây” là rất “sáng sủa”. Tuấn Anh có thể không hài lòng về điều đó (giống như người đàn anh Quang Hải tại N.SG), nhưng mọi sự rất rõ ràng: tiêu chí làm chiến thuật ở CLB là để phục vụ cho thành tích của đội bóng chứ không phục vụ cho ĐTQG.

Và những khó khăn khác

V-League qua các năm khác nhau chứng kiến cuộc đua tới ngôi vô địch hoặc cuộc chiến trụ hạng ngày càng trở nên căng thẳng, và tất nhiên đi kèm với nó là những biện pháp gia cố sức mạnh của đội bóng bằng mọi giá.

Sau 3 mùa trắng tay, những tín hiệu phát đi từ B.BD cho thấy nếu muốn HLV Đặng Trần Chỉnh có thể tung vào sân cùng lúc tới 7 “Tây” trong đội hình, bao gồm 3 suất ngoại binh và 4 cầu thủ nhập tịch. Những ngoại binh sáng giá như Samson, sau 5 năm sống tại VN cũng đã được HN.T&T lên kế hoạch nhập tịch với tên gọi Đỗ Quang Sơn.

Yếu trâu hơn khỏe bò, biến những cầu thủ ngoại quốc trở thành người Việt vẫn là phương án ăn sâu trong tiềm thức của rất nhiều đội bóng. Ngay cả những cầu thủ nước ngoài (nhưng có hộ chiếu VN) tưởng hết đát như Trần Lê Martin hay Phan Lê Issac mùa giải trước vẫn còn được HLV Nguyễn Thành Vinh trọng dụng tại HP.HN (cũ).

Cơ hội thi đấu của các cầu thủ VN sẽ còn bị thu hẹp lại rất nhiều nếu quy định những cầu thủ Việt kiều cũng được phép ra sân với tư cách cầu thủ nội của VPF trở thành hiện thực. Quy định này được đề ra với mục đích huy động nguồn lực của cộng đồng người VN xa xứ, nhưng khi khả năng góp mặt tại các ĐTQG của những cầu thủ Việt kiều là điều vẫn còn phải bàn, viễn cảnh bị biến thành “trâu buộc” tại CLB có lẽ cũng khiến cầu thủ nội cảm thấy không hài lòng.

Mục đích ra đời cũng như tôn chỉ hành động của VPF là nhằm nâng tầm bóng đá VN. Nhưng nếu chỉ căn cứ vào những biện pháp mà nó vừa đưa ra, e hơi sớm nếu khẳng định đã đến thời “hàng nội” lên ngôi.  

Hoàng Minh



Thethaovanhoa.vn