HA.GL: Khi chuyên gia tấn công học phòng ngự!
MỘT ĐỘI BÓNG KHÔNG TRUNG VỆ
Nói như vậy cũng chẳng sai bởi 4/5 vòng đấu gần đây, HA.GL không có 1 trung vệ đúng nghĩa. Nếu Morec Mitja phải nghỉ thi đấu vì nghi ngờ bị bệnh tim, thì Trần Hữu Đông Triều phải vắng mặt do chấn thương tái phát. Còn Cosmin Goia (được đăng ký từ vòng 3) lại không đủ “pin” để vào sân. HA.GL còn có Ksor Úc, Nguyễn Văn Quý và A Sân nhưng 3 cầu thủ này còn quá non kinh nghiệm.
Đấy là nguyên nhân khiến HLV Guillaume Graechen phải kéo 2 hậu vệ biên Bùi Văn Long và Lê Đức Lương vào chơi ở trung tâm hàng phòng ngự. Bộ đôi trung vệ “bất đắc dĩ” này đã chơi rất nỗ lực và phối hợp với nhau không hề tồi. Thế nhưng, các đối thủ đã khai thác triệt để 2 mắt xích này và kết quả: HA.GL đã để thua 3 trận liên tiếp trước ĐT.LA, Thanh Hóa và Hải Phòng.
Tuy nhiên, công việc phòng ngự của HA.GL đã bắt đầu có những sự thay đổi trong trận đấu với SHB.ĐN. Cụ thể, với sự xuất hiện trong khung gỗ của Nguyễn Minh Nhựt, chỉ số an toàn trong vòng 16m50 của HA.GL đã tăng lên đáng kể. Các cầu thủ HA.GL cũng đã hỗ trợ phòng ngự nhiều hơn bằng cách vây bắt, chơi áp sát nhằm ngăn chặn những cú phản đòn từ khu vực giữa sân và đặc biệt là những cú “rót dầu” từ 2 biên. Đương nhiên, HA.GL cũng cần phải nói lời cám ơn tới đối thủ SHB.ĐN, bởi các tiền đạo của HLV Huỳnh Đức bỗng nhiên trở thành những “chân gỗ” một cách rất khó hiểu. Đó là SHB.ĐN còn đối thủ Than.QN ở vòng 6 thì chẳng hiền lành như vậy.
TẤN CÔNG PHẢI ĐI ĐÔI VỚI PHÒNG NGỰ
Thực tế, đã có nhiều tranh luận xung quanh việc HA.GL lấy tấn công làm triết lí chủ đạo. Nhìn phương pháp đào tạo của Học viện JMG toàn cầu và HA.GL – Arsenal JMG, có thể thấy, “lò” này không đào tạo hậu vệ, hoặc nếu có thì anh ta phải có những tố chất bẩm sinh của một thủ lĩnh phòng ngự. Kolo Toure là một trong những cầu thủ hiếm hoi của lò JMG khẳng định được tên tuổi ở vị trí trung vệ. Nói như thế để thấy, HA.GL gần như đang (phải) sử dụng các cầu thủ chơi bóng có xu hướng tấn công. Đức Lương ở vị trí trung vệ, hay 2 cầu thủ bám biên là Hồng Duy và Văn Sơn đều là những người tấn công giỏi hơn là phòng ngự.
Vì thế, HLV Guillaume Graehen không sai khi sử dụng chiến thuật lấy tấn công làm phòng ngự. Nhưng HA.GL buộc phải thay đổi vì ở V-League rất nhiều HLV sử dụng chung một chiến thuật, đó là bố trí số đông cầu thủ trước vòng 16m50, rồi phóng những đường bóng dài cho các ngoại binh phía trên tự xử. Chính HLV Vũ Quang Bảo thừa nhận rằng: “Công thức chiến thắng của Thanh Hóa trước HA.GL (vòng 3) là phòng ngự chặt, rồi thực hiện những cú treo bóng vào trong, việc các hậu vệ Việt Nam bật nhảy liên tiếp luôn khiến cho họ xuống sức nhanh nhất và chúng tôi chỉ chờ đợi có thế”. Cũng với công thức ấy, Hải Phòng và ĐT.LA đã có 3 điểm trước HA.GL.
Đối đầu với Than.QN, đội bóng đã thắng cả 3 trận trên sân khách là không hề đơn giản. Đặc biệt, HLV Đinh Cao Nghĩa không những có “ngoại” hay mà “nội” cũng giỏi để thực hiện nhiều phương án tấn công. Do vậy, HA.GL cần phải cải thiện khả năng phòng ngự. Rất có thể Cosmin sẽ được sử dụng ngay từ đầu, nhưng trước khi trông chờ vào trung vệ này, ở khu trung tuyến, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hoàng Thiên, Thanh Tùng cần phải ngăn chặn được Kizito, Hoàng Max, Minh Tuấn, Hải Huy vốn là bệ phóng, cũng là ngòi nổ cho các đợt tấn công của đội bóng đất Mỏ.
CHÂN SÚT HÀNG ĐẦU:
5 bàn: Abass (B.BD), Quang Hải (Than.QN), Stevens (Hải Phòng), Patiyo (QNK.QN)
4 bàn: Souleymane (ĐT.LA), Văn Thắng (XSKT.CT), Tăng Tuấn (B.BD), Samson (HN.T&T)
DANH SÁCH TREO GIÒ:
Lê Đức Lộc (Đồng Tháp), Nguyễn Quốc Long(HN.T&T), Oloya Moses (B.BD)Trần Trọng Bình (Sanna.KH), Hoàng Văn Khánh (SLNA), Hoàng Đình Tùng, Cao Sỹ Cường (Thanh Hoá)