Bong da

Việt Nam

Góc chiến thuật: Công Phượng đá ra sao trong vị trí tiền đạo lùi?

Cập nhật: 11/03/2015 17:19 | 0

HLV Toshiya Miura quyết định kéo Nguyễn Công Phượng xuống đá tiền đạo lùi trong cả hai trận giao hữu vừa qua. Vậy chân sút 20 tuổi đã thể hiện như thế nào trong vai trò đó?

Góc chiến thuật: Công Phượng đá ra sao trong vị trí tiền đạo lùi?
Góc chiến thuật: Công Phượng đá ra sao trong vị trí tiền đạo lùi?
Biến thể 4-4-2 với Công Phượng
Cách đây gần 10 ngày, trong lần đầu tiên trả lời phỏng vấn báo giới (kể từ khi tập trung ĐT Olympic Việt Nam hôm 24/2), HLV Toshiya Miura đã nói rằng: “Sơ đồ chiến thuật của tôi vẫn sẽ là 4-4-2 nhằm giúp các cầu thủ sớm thích nghi nhanh chóng khi lên tuyển. Với riêng Công Phượng, tôi tin cậu ấy sẽ hiểu triết lý huấn luyện của tôi”.

Câu nói lấp lửng về cách sử dụng chân sút của HA.GL đã được chiến lược gia Nhật Bản làm rõ trong quá trình tập luyện và thi đấu thời gian qua. Quan sát trong một số lần thực hiện bài tập đối kháng hay ở 2 trận đấu giao hữu với Hà Nội T&T và Olympic Indonesia,
Công Phượng đá thấp hơn so với Thanh Bình và Huy Toàn 

Đáng chú ý, sự xuất hiện của chân sút 20 tuổi giúp sơ đồ 4-4-2 trở nên đa năng hơn, khi thì chuyển biến thành 4-5-1 (hiệp 2 trận Hà Nội T&T), lúc lại hoán đổi thành 4-1-2-1-2 (hay còn gọi là sơ đồ 4-4-2 kim cương) ở hiệp 2 trận gặp Olympic Indonesia.

“Cày ải” tuyến giữa
Đầu hiệp 2 trận đấu giao hữu với Olympic Indonesia, Công Phượng được tung vào sân thay cho Văn Toàn. Thay vì đá trung phong, cầu thủ trẻ này hầu như “nóng máy” ở khu vực tuyến giữa cùng như 2 hành lang cánh. Anh chơi thấp hơn so với bộ đôi tiền đạo Văn Thành và Thanh Bình. Thậm chí, tiền vệ phải Võ Huy Toàn còn xuất hiện trong vòng cấm đối phương nhiều hơn cả Công Phượng. 

Cần phải nói thêm, sở dĩ HLV Miura sử dụng anh ở vị trí này là bởi Công Phượng sở hữu kỹ thuật cá nhân tốt. Việc có một cầu thủ xử lý bóng gọn cũng như quấy rối được hàng phòng ngự đối phương sẽ buộc các tiền vệ Olympic Indonesia phải lui về, giảm áp lực cho hàng thủ Olympic Việt Nam. Thêm vào đó, bổ sung Công Phượng cũng là tiếp thêm một mũi nhọn cho hàng công đội chủ nhà. 

Biểu đồ nhiệt hoạt động của Công Phượng ở trận đấu với Olympic Indonesia - Ảnh: Trí Công 

Dấu ấn của cầu thủ xứ Nghệ đã phần nào được thể hiện kể từ khi được tung vào sân. Anh góp phần giúp lối chơi của Olympic Việt Nam trở nên cởi mở và có tính đột biến hơn. Thống kê cho thấy, số đường chuyền bóng của Công Phượng cho đồng đội là 21 lần. Trong đó, đáng kể có 2 đường bóng được coi là tạo cơ hội ngon ăn cho Olympic Việt Nam (nỗ lực vượt qua hậu vệ đối phương rồi chọc khe cho Thanh Bình ở phút 50; phất bóng dài chính xác cho Văn Thành trong tư thế không bị ai kèm ở phút 70). 

Số cơ hội nguy hiểm được Công Phượng tạo ra cho đồng đội - Ảnh: Trí Công 

Công Phượng chuyền bóng kỹ thuật bằng má ngoài chân phải cho Thanh Bình băng xuống đối mặt với thủ môn 

Dù không ghi được bàn thắng song việc hoạt động năng nổ trong vai trò tiền đạo lùi của Công Phượng cũng gián tiếp giúp Olympic Việt Nam có được chiến thắng tối thiểu. Sau trận đấu, HLV Aja Santoso của Olympic Indonesia cũng phải dành lời khen cho màn trình diễn của tiền đạo xứ Nghệ: “Tôi ngạc nhiên khi cậu ấy không đá chính. Nếu Phượng ra sân từ đầu thì Olympic Việt Nam hẳn sẽ có nhiều cơ hội”. 

Vẫn cần thêm thời gian thích nghi
Đây không phải là lần đầu tiên Công Phượng chơi cách xa khung thành đối thủ. Trong thời kỳ đào tạo tại Học viện trẻ Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG hay trong màu áo U19 Việt Nam hoặc HA.GL tại V.League 2015, cầu thủ này cũng không ít lần đảm nhiệm vị trí tiền vệ hoặc tiền đạo lùi. Tuy vậy tại Olympic Việt Nam, Công Phượng vẫn cần có thêm thời gian để làm quen với nhiều thứ. So sánh với quãng thời gian 7 năm tại học viện, 2 năm ở U19 Việt Nam thì thực sự 20 ngày tập trung đội tuyển là chưa đủ để cầu thủ vẫn được người hâm mộ gọi yêu là “Messi Việt Nam” có thể ăn khớp với lối chơi của người thầy mới hay gần gũi với những người đồng đội mới của mình. 









(báo bóng đá)