Bong da

Việt Nam

Giải pháp để bóng đá Việt Nam vượt khó: Kiếm tiền thời khủng hoảng

Cập nhật: 11/10/2012 06:34 | 0

Những lời kêu gọi các đội bóng phải thắt lưng buộc bụng trong thời khủng hoảng đã được đưa ra. Thế nhưng, ít người nghĩ đến giải pháp là tăng cường nguồn thu cho các đội bóng trong cơn bĩ cực.

Giải pháp để bóng đá Việt Nam vượt khó: Kiếm tiền thời khủng hoảng
Giải pháp để bóng đá Việt Nam vượt khó: Kiếm tiền thời khủng hoảng
>>
>>
>>


Tiền tấn cho quảng cáo

Tại Đại hội thường niên VFF năm 2012, bầu Kiên của CLB TPHCM, một người có xuất thân từ ngành quảng cáo đã tiết lộ thông tin khiến nhiều người giật mình: “Nửa đầu năm 2012, theo một nghiên cứu của công ty Kantar Media, các doanh nghiệp đã chi gần 370 triệu USD cho quảng cáo trên truyền hình, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái”.

Số liệu trên khiến nhiều người sửng sốt, bởi ai cũng nghĩ, trong thời khủng hoảng, các doanh nghiệp sẽ thắt chặt chi tiêu. Thế nhưng, theo lý giải của ông Kiên, “theo tôi được biết, doanh thu quảng cáo của truyền hình không hề giảm, mà còn tăng cao trong năm nay. Tuy nhiên, doanh thu quảng cáo từ phương tiện khác như phát thanh, nhật báo và tuần báo, theo kết quả khảo sát của Kantar, đều giảm”.

Có lần phóng viên báo Bóng đá đã đặt câu hỏi với ông Nguyễn Anh Sáng, Giám đốc công ty truyền thông Veba, đơn vị đại diện truyền thông của thương hiệu nổi tiếng Yamaha rằng: “Tại sao trong hoàn cảnh việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn mà Yamaha vẫn dành rất nhiều tiền cho các sự kiện bóng đá?” Ông Sáng trả lời rằng: “Càng khó khăn thì càng phải quảng bá hình ảnh để thúc đẩy doanh số bán hàng. Bên cạnh đó, các thương hiệu lớn luôn phải chứng tỏ rằng mình vững vàng trong mọi hoàn cảnh và luôn thực hiện những gì đã cam kết với cộng đồng”.

Phải biết nắn dòng tiền
Trao đổi với phóng viên báo Bóng đá, ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF và cũng là Chủ tịch HĐQT ngân hàng Eximbank cho biết: “Trong khủng hoảng, bản thân mỗi người, mỗi doanh nghiệp thường có xu thế phòng thủ. Người ta phải giữ chặt tiền bên mình vì không ai biết ngày mai sẽ thế nào? Với các doanh nghiệp, người ta phải tính toán một cách hợp lý các khoản chi, đặc biệt là về truyền thông. Doanh nghiệp chỉ bỏ tiền cho những kênh quảng bá thực sự hiệu quả. Đã qua rồi cái thời cứ hứng lên và có quan hệ tốt là tài trợ cho một sự kiện”.

Theo ông Dũng, muốn các doanh nghiệp không bỏ rơi bóng đá thì bản thân nền bóng đá phải chứng tỏ được những lợi thế đặc biệt của mình trong quảng bá hình ảnh. Điều quan trọng nhất chính là tạo dựng được lòng tin với NHM về một giải đấu trong sạch, chất lượng và chuyên nghiệp. Mà điều này thì chỉ các ông bầu bóng đá bằng sự quyết tâm của mình mới làm được.

Còn theo cách lý giải của ông Nguyễn Anh Sáng: “Cần phải biết nắn dòng tiền quảng cáo để nó chảy vào bóng đá. Ngoài việc nâng cao chất lượng giải đấu thì cần phải đặc biệt quan tâm đến quảng bá hình ảnh nhà tài trợ. Đơn cử như công ty Veba của chúng tôi (đang tổ chức giải U11, U13 QG Cúp Yamaha) thì yếu tố quyết định sự thành bại trong kinh doanh chính là việc, phải mang đến cho nhà tài trợ những sản phẩm tốt, đẹp và rẻ nhất. Anh phải chứng minh được, nếu bỏ ra một đồng tài trợ cho bóng đá thì doanh nghiệp sẽ được những gì? Có bao nhiêu bài báo, phóng sự, có bao nhiêu trận truyền hình trực tiếp và quan trọng hơn, phải cho doanh nghiệp thấy, quảng bá ở bóng đá rẻ và hiệu quả hơn rất nhiều so với các kênh truyền thông khác”.

“Bỏ tiền túi cũng phải tổ chức giải”

Đó là khẳng định của ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch VFF. Ông Dũng cho biết: “Eximbank không tiếp tục tài trợ cho VFF Cup vì những lý do khác nhau. Nếu không tìm được nhà tài trợ xứng tầm, dù có phải bỏ “tiền túi” ra thì VFF cũng tổ chức giải. Điều này thể hiện trách nhiệm với các nhà tài trợ của ĐTQG”.

Theo hợp đồng đã ký với đối tác Dentsu, mỗi năm, ĐTQG sẽ có 6 trận thi đấu quốc tế. Vì thế, ngay cả khi không có nhà tài trợ cho VFF Cup thì giải đấu vẫn sẽ diễn ra, bởi VFF phải hoàn thành cam kết với nhà tài trợ. Theo ông Dũng, “càng khó khăn thì càng phải trân trọng những đối tác đã gắn bó với ĐTQG. Quan điểm của VFF là phải đem đến những gì tốt nhất cho nhà tài trợ, thậm chí, chúng tôi chấp nhận chịu thiệt một chút về tài chính để có được mối quan hệ bền vững”.

Nguồn bongdaplus.vn