ĐT Việt Nam dưới thời HLV Toshiya Miura: Làn gió ngoại toại nguyện học trò
KHÔNG CÓ “ĐẤT” CHO SỰ ƯU ÁI
Tháng 5 vừa qua, HLV Miura chính thức ký hợp đồng với VFF để trở thành HLV trưởng ĐT Việt Nam. Trải qua 2 lần tập trung kể từ tháng 6 đến nay, các cầu thủ Việt Nam đều cảm nhận rất rõ về cách dùng người của vị HLV 51 tuổi này.
Đầu tiên, khi lên danh sách triệu tập, HLV Miura bao giờ cũng chọn từ 2-3 cầu thủ có thể chơi cùng vị trí để tăng sức cạnh tranh cũng như đề phòng vấn đề chấn thương. Ông thầy người Nhật Bản nói thẳng trước toàn đội rằng mình sẽ không có sự ưu ái ở góc độ tình cảm trong việc lựa chọn cầu thủ đá chính hay đứng trong bộ khung của đội tuyển.
Chẳng thế mà những cầu thủ thuộc diện ngôi sao hay đã từng là “mỳ chính” dưới thời HLV Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc trước đây cũng chưa chắc có được suất ra sân ngay từ đầu. Quan điểm của HLV Miura rất rõ ràng đó là cầu thủ nào tập luyện tốt, thái độ chuyên nghiệp và đúng với ý đồ trong cách xây dựng lối chơi của mình thì sẽ được đá chính.
Các cầu thủ tập luyện trong không khí hăng hái và tràn ngập tiếng cười
Cách làm này của ông Miura luôn khiến cầu thủ phải có tư tưởng cầu tiến, chỉn chu trong tập luyện, sinh hoạt. Đấy là sự khác biệt của ông Miura so với các đời HLV trưởng trước đây, kể cả HLV Calisto, người từng nhẵn mặt và được nhiều cầu thủ nội yêu mến.
Việc ông Miura luôn tạo ra bất ngờ và đến phút chót, trước giờ ra sân thi đấu mới công bố đội hình đá chính thực sự tạo nên sự khác biệt và buộc các cầu thủ phải nỗ lực hết sức chứ không còn chuyện “ngủ dậy là biết mình đá chính”.
PHƯƠNG PHÁP TẬP LUYỆN, CÁCH CHƠI KHÁC BIỆT
Cho đến trước khi HLV Miura chính thức trở thành HLV trưởng ĐT Việt Nam, lối chơi của đội tuyển chịu ảnh hưởng mạnh từ cách đá phối hợp nhỏ, có hơi hướng theo kiểu Tiqui-Taca mà ĐT Tây Ban Nha từng làm mê hoặc biết bao trái tim NHM trên toàn thế giới.
Người có công lớn trong việc giúp ĐT Việt Nam “nhiễm” cách đá đó là HLV Calisto rồi sau đó đến HLV Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc. Tuy nhiên, cũng theo thời gian, sau chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, lối đá đó của ĐT Việt Nam bị các đối thủ bắt bài và cách chúng ta bất lực tại 2 kỳ AFF Suzuki Cup 2010, 2012 cũng như tại SEA Games 2013 là minh chứng rõ ràng nhất.
Các tuyển thủ thường có những ngày xả trại vui vẻ và nhiều ý nghĩa
Ở Nhật Bản, HLV Miura nổi tiếng về phương pháp sư phạm trên sân bóng. Vị HLV này thậm chí được rất nhiều đài truyền hình, các tờ báo chuyên về thể thao ở Nhật Bản “đặt hàng” cho các chương trình bình luận. Sở dĩ ông Miura “đắt show” là bởi cách đọc chiến thuật nhanh nhạy và sắc sảo trong lập luận.
Sang Việt Nam, ông Miura đã khiến các học trò bất ngờ khi thay đổi cơ bản cách chơi của đội tuyển. Chẳng hạn ông đã phá bỏ việc chỉ chơi với 1 tiền đạo cắm từng tồn tại suốt 6 năm qua ở đội tuyển mà thay vào đó là sử dụng 2 tiền đạo ở phía trên. “Chúng ta có con người để thực hiện ý đồ của tôi, các tiền đạo Việt Nam đủ điều kiện, yếu tố để cùng đá song song trên hàng công”, HLV Miura cho biết.
Thực tế, với việc sử dụng Công Vinh – Hải Anh (hoặc Anh Đức), hàng công ĐT Việt Nam đã gây nên áp lực lớn và có sức “tàn phá” hàng thủ đối phương. Hai trận đấu gặp ĐT Myanmar và Hong Kong (TQ), ĐT Việt Nam đều sử dụng sơ đồ chiến thuật 4-4-2 và cặp tiền đạo Công Vinh – Hải Anh đều lần lượt lên tiếng, thậm chí họ đã ghi đến 8 bàn thắng cho đội tuyển.
“Tôi cảm thấy rất sung khi đá cặp cùng với Hải Anh, được đá đúng vị trí sở trường thay vì phải dạt biên giúp tôi có nhiều cơ hội tiếp cận cầu môn đối phương”, Công Vinh cho biết. Thay đổi triệt để cách vận hành lối chơi với sơ đồ chủ đạo 4-4-2 thay vì 4-5-1 hay 4-2-3-1 như thời HLV Calisto, Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, HLV Miura đã làm thay đổi căn bản sức sống của đội tuyển.
Không những vậy, tại Asiad 17 vừa qua, ĐT Olympic Việt Nam dưới thời HLV Miura cũng trình làng bộ mặt sáng sủa với sự nhạy bén trong chiến thuật của ông thầy Nhật Bản khi tùy từng đối thủ mạnh – yếu khác nhau chúng ta đều có sự điều chỉnh để hợp lý, gặt hái được kết quả khả quan.
TÂM LÝ NHƯ HLV MIURA
Đợt tập huấn hơn 20 ngày tại Nhật Bản lần này, ĐT Việt Nam chú trọng vấn đề nâng cao thể lực. Với các cầu thủ, những đợt rèn thể lực luôn là thử thách cực lớn và đi kèm với đó là tâm lý chán nản vì khối lượng tập nặng rất cao. Thế nhưng, HLV Miura đã biết cách thay đổi cách nghĩ đó của các học trò trong đợt tập huấn này.
Sau mỗi buổi tập nặng, ông Miura đều yêu cầu các cầu thủ phải thường xuyên sang phòng bác sĩ hay trợ lý Fujimoto Heroo để được massage, vật lý trị liệu nhằm giảm bớt sự căng cứng cơ thể. Hay việc ông Miura không triển khai các buổi tập thể lực sát nhau mà đan xen với đó là những buổi được nghỉ để phục hồi trạng thái cơ thể.
HLV Miura (ngoài cùng bên phải) dẫn các học trò đi ăn một bữa tiệc đồ nướng
Thậm chí, để tạo nên sự hưng phấn cho cầu thủ thì ông Miura dẫn đội vào trung tâm thành phố Osaka để shopping, thăm quan. Những đợt “dã ngoại” ngắn đó kích thích tinh thần rất lớn cho cầu thủ. Đặc biệt, ông thầy người Nhật Bản còn tạo nên sự thoải mái cho toàn đội bằng việc đưa cả đội đi ăn nhà hàng, “đổi gió” cho các học trò. “Những bữa ăn cùng HLV Miura giúp chúng tôi vô cùng thoải mái về tư tưởng và luôn có thiện cảm rất tốt với người thầy của mình”, hậu vệ Văn Long chia sẻ.
Phía trước ĐT Việt Nam vẫn còn hành trình dài với cái đích AFF Suzuki Cup 2014 nhưng với những gì đang làm ở ĐT Việt Nam, HLV Miura thực sự đem đến sự khác biệt. Quan trọng hơn, việc không chỉ giỏi về chuyên môn, xây dựng lối chơi hay mà ông Miura đang chiếm được nhiều thiện cảm của cầu thủ. Đó là những cơ sở để chúng ta tin rằng, ĐT Việt Nam dưới thời HLV Miura sẽ đem đến những bữa tiệc cảm xúc tại AFF Suzuki Cup 2014!
“Đội tuyển không phải trại lính”
Năm 2011, HLV Falko Goetz đã đưa ra những quy định vô cùng hà khắc đối với ĐT Việt Nam. Theo đó, sau mỗi buổi tập hay thi đấu xong, tất cả cầu thủ đều bị cấm trại, thậm chí không được ra ngoài mua sắm những vật dụng cá nhân. Điều đó gây nên tâm lý ức chế và sự căng cứng trong suy nghĩ của cầu thủ. Nhưng đến thời HLV Miura, mọi chuyện đã thay đổi rất nhiều. Ông thầy 51 tuổi này không bắt cầu thủ phải thế này, thế kia trong sinh hoạt bởi với ông “đội tuyển không phải trại lính”. Chính điều đó tạo nên sự nể phục lớn dành cho ông từ các học trò.