Bong da

Việt Nam

ĐT Việt Nam: Cần phải biết điều chỉnh nhịp độ

Cập nhật: 07/12/2014 13:38 | 0

Cả hai lần dẫn điểm trước đối thủ quan trọng Indonesia, đội tuyển Việt Nam đều bị gỡ hòa một cách đáng tiếc. Một mặt, sự rủi ro trong các bàn thua (vì sai lầm cá nhân) là quá rõ ràng. Nhưng mặt khác, còn có nguyên nhân thuộc về cách chơi của đội tuyển. Tất cả vẫn hăng say lao lên tấn công, vẫn đá nhanh, với nhịp độ không đổi.

ĐT Việt Nam: Cần phải biết điều chỉnh nhịp độ
ĐT Việt Nam: Cần phải biết điều chỉnh nhịp độ
rong bóng đá đỉnh cao, nhất là trong các trận đấu quan trọng mà sự thắng thua được xem là ưu tiên một, sự thay đổi nhịp độ là rất quan trọng. Đấy lại là chi tiết mà chúng ta chưa thấy nơi đội tuyển Việt Nam qua 3 trận vòng bảng. 

Có hai khả năng: HLV Miura không điều chỉnh ngay trong trận đấu, hoặc ông có yêu cầu nhưng khâu truyền đạt đến các cầu thủ trên sân lại không được như mong muốn. Trong mọi trường hợp, nếu có một thủ lĩnh đích thực trong đội hình (mẫu “trợ lý HLV ngay trên sân”, như người ta vẫn nói), vấn đề sẽ khác. Hồng Sơn, Hoàng Bửu trong “thế hệ vàng” hoặc Minh Phương trong đội hình vô địch AFF Cup 2008 là những ví dụ. Chính họ, khi nhận bóng, sẽ chủ động điều tiết nhịp độ cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đội trưởng Tấn Tài chưa chứng tỏ được khả năng này. Với thể lực không còn sung mãn như trước đây, phạm vi hoạt động của Tấn Tài đã bị thu hẹp đáng kể. Đáng lo ngại nhất chính là việc Tấn Tài không thể kịp về hỗ trợ hàng phòng ngự, đặt khung thành ĐTVN rơi vào những tình huống sóng gió. 

Hơn nữa với lối chơi hiện nay của HLV Miura đề cao tốc độ và sự mạnh mẽ thì 1 cầu thủ thiên về kỹ thuật như Tấn Tài khó có thể so đọ với các đồng nghiệp trẻ khỏe hơn như Huy Hùng và Hoàng Thịnh. Tuy vậy 2 cầu thủ này lại chưa đủ tầm để làm chỗ dựa cho cả đội.


Văn Quyết và Thành Lương thì chủ yếu chỉ có giá trị xông xáo, tuy hoạt động rộng và gây ảnh hưởng quan trọng đến những vị trí xung quanh, nhưng vẫn chưa phải là “ông chủ trên sân”. 

Tất nhiên, đội bóng mà HLV Miura xây dựng vẫn có cái hay ở sự đồng đều giữa các vị trí. Nhưng mặt trái của sự đồng đều này chính là việc không có một thủ lĩnh đích thực, dẫn đến hệ quả là không có người chủ động dẫn dắt đồng đội trên sân.

Mọi người đều biết, không phải bao giờ sự chỉ đạo từ HLV bên ngoài cũng được thực thi trọn vẹn (trong bất cứ môn thể thao nào). Khả năng tự điều chỉnh của các cầu thủ trên sân trở nên vô cùng quan trọng là vì vậy, nhất là trong các thời điểm cần điều chỉnh để thay đổi cục diện, tình thế. 

Ở trận gặp Lào, chúng ta bị đối thủ (yếu hơn) bắt bài trong suốt một khoảng thời gian dài cũng vì nguyên nhân vừa nêu. Ngay cả trận thắng Philippines 3-1 (có thể xem là trận đấu hay nhất tại vòng bảng), đội tuyển Việt Nam cũng không cho thấy khả năng điều tiết nhịp độ một cách hợp lý.

Chưa biết tình thế sẽ như thế nào khi Việt Nam gặp Malaysia trong 2 lượt đấu bán kết. Nhưng nhiều khả năng, sẽ xuất hiện yêu cầu thay đổi nhịp độ trong những thời điểm quan trọng. Những lúc như thế, hãy chờ xem, ai sẽ là người khởi xướng?


“Đội tuyển Việt Nam có lợi thế đá trận bán kết lượt về tại Mỹ Đình nên cơ hội vào chung kết của chúng ta vẫn rất sáng sủa, dẫu vậy nhưng tôi mong các học trò Miura tiết chế cảm xúc của mình, để chơi bóng một cách có toan tính trước Malaysia. Nhiều lần đối đầu với Malaysia, tôi có cảm giác chúng ta thường chơi bằng trái tim, ít sự khôn ngoan nên thường nhận những thất bại đáng tiếc. Tất nhiên, các chiến thắng của đội bạn trước chúng ta thường không thuyết phục, chúng ta có cảm giác bứt rứt, song nên nhớ trong bóng đá kẻ thắng là kẻ nắm chân lý” 

Cựu tuyển thủ Nguyễn Minh Phương.
    


(báo bóng đá)