Bong da

Việt Nam

ĐT Olympic Việt Nam: Màn chạy nước rút bắt đầu

Cập nhật: 28/02/2015 07:00 | 0

Chỉ còn 1 tháng nữa, Olympic Việt Nam sẽ bước vào vòng loại U23 châu Á 2016 (27/3). Thời gian không nhiều nên HLV Toshiya Miura đang tận dụng tối đa cơ hội để uốn nắn các học trò nhằm tạo nên bộ mặt tươi mới cho đội tuyển. Ngay từ lúc này, Olympic Việt Nam đã bước vào giai đoạn chạy nước rút với sự khẩn trương nhất.

ĐT Olympic Việt Nam: Màn chạy nước rút bắt đầu
ĐT Olympic Việt Nam: Màn chạy nước rút bắt đầu
ÔNG MIURA “MẠNH TAY”
Ngoài Ngọc Thắng, Huy Toàn, Ngọc Hải, Thanh Hiền thì 26 cầu thủ khác lên tập trung Olympic Việt Nam dịp này mới là lần đầu được làm việc với HLV Toshiya Miura. Thế nên họ không khỏi ngỡ ngàng trước giáo án tập nặng của nhà cầm quân người Nhật Bản. Ông Miura chú trọng rèn sức bền, tốc độ cho học trò bằng những bài tập đối kháng phải di chuyển nhiều. Cách tập luyện đó giúp các cầu thủ linh hoạt hơn và tăng sự nhuần nhuyễn trong phối hợp nhóm. 

Đây cũng là điều hợp lý bởi phần lớn các cầu thủ lên tuyển lần này còn rất lạ lẫm, chưa có sự ăn ý với nhau trên sân bóng. Bên cạnh đó, ông Miura luôn đẩy khối lượng tập luyện lên cao bằng những bài chạy sức bền quanh sân. Không để các học trò cảm thấy khó chịu, HLV người Nhật Bản cùng các trợ lý đã đồng hành cùng cầu thủ trong bài tập sức bền. Và khi thấy ban huấn luyện cũng “nuốt” hết các vòng chạy quanh sân thì các cầu thủ tự khắc ý thức rằng họ phải hoàn thành tốt giáo án. 


Đặc biệt, ông Miura luôn chạy cuối đoàn để quan sát toàn diện và có những đánh giá sát thực nhất về tinh thần cũng như sức chịu đựng của các học trò. Đan xen giữa những bài tập với cường độ cao, HLV Miura còn đưa bài tập nhảy qua các vòng tròn cho các cầu thủ để rèn sự tập trung, nhanh nhẹn, khéo léo trong phạm vi hẹp. Bài tập này là “cửa ải” khó khăn bởi nó đòi hỏi sự chính xác, tập trung cao ở tình huống dù là nhỏ nhất. 

KHỔ LUYỆN ĐỂ THÀNH TÀI
HLV Miura nói rằng ĐT Olympic Việt Nam phải đụng độ với những đối thủ có nền tảng thể lực, thể hình tốt như Olympic Nhật Bản, Malayisa và Macau (TQ) nên nhất thiết các cầu thủ phải có sự chuẩn bị kỹ càng để không bị lép vế. “Bóng đá hiện đại đòi hỏi nền tảng thể lực và thể hình tốt. Olympic Việt Nam hạn chế về thể hình nhưng nhất định thể lực không được phép yếu. Những bài tập ở cường độ cao sẽ giúp các cầu thủ không bị đuối sức khi bước vào giải đấu chính thức”, ông thày người Nhật Bản cho biết.


Đa phần các cầu thủ lên tuyển lần này đều ngỡ ngàng với khi phải tập luyện với giáo án nặng. Tiền vệ Duy Mạnh cho biết: “Tôi từng được HLV Guillaume Graechen dẫn dắt ở U19 Việt Nam nhưng khi lên ĐT Olympic thì thấy rằng thầy Miura có phương pháp huấn luyện khác nhiều. Những bài tập nặng được áp dụng ngay từ đầu đòi hỏi mỗi người phải có sự nỗ lực, kiên trì cao. Tuy nhiên, tôi rất hiểu dụng ý của thầy Miura khi tập nặng để có thể lực tốt, mà có khỏe thì thi đấu mới hiệu quả”.

Theo kế hoạch, trong 1/3 thời gian tập trung trước khi bước vào thi đấu chính thức, Olympic Việt Nam sẽ duy trì các bài tập ở cường độ cao sau đó ông Miura sẽ “nhả” dần khối lượng để các cầu thủ cảm thấy hưng phấn. Người ta vẫn nói “khổ trước sướng sau”, với việc ông Miura cho các cầu thủ tập nặng chính là sự chuẩn bị để bước tới thành công.

Hiệu quả như trợ lý Kubo Shinichi
Trong đợt tập trung này, HLV Miura đã có cộng sự đồng hương Kubo Shinichi. Ông Shinichi là bác sĩ vật lý trị liệu, sẽ chăm sóc sức khỏe và lên giáo án tập phục hồi cho các cầu thủ chấn thương. Sự có mặt của chuyên gia người Nhật Bản đã giúp tiền vệ Duy Mạnh trở lại tập luyện bình thường sau 2 ngày phải ngồi ngoài nhìn đồng đội quần thảo trên sân. Rõ ràng, ông Shinichi là sự bổ sung lý tưởng cho Olympic Việt Nam.


(báo bóng đá)