Có thể tạm chia những ứng viên cho 2 vị trí quan trọng này ở VPF thành 2 nhóm, nhóm thứ nhất là các nhà quản lý bóng đá xuất thân từ VFF, đang làm việc ở VFF hoặc đã về hưu nhưng còn khả năng công tác, còn nhóm thứ hai thì thành phần đa dạng hơn, quan chức bóng đá của CLB cũng có (nhưng trưởng thành từ thực tế làm việc chứ không phải được đào tạo qua trường lớp sách vở như các quan chức VFF), mà chuyên gia kinh tế cũng có, và việc các CLB chọn ứng viên nào để ngồi vào ghế TGĐ hoặc trưởng BTC giải sẽ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với chính vận mệnh của họ.
Lựa chọn của các CLB lại càng khó khăn hơn nữa khi chính các ông bầu thuộc nhóm "cách mạng" khởi xướng ý tưởng thành lập VPF, mà tiêu biểu là bầu Kiên, lại đề xuất Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn, thuộc nhóm ứng viên thứ nhất, cho chiếc ghế TGĐ, trong khi một số nhân vật giấu mặt lại tìm cách vận động để bổ nhiệm một chuyên gia kinh tế và tiếp thị thể thao thực thụ cho vai trò này và thậm chí còn gợi ý đưa trụ sở VPF ra khỏi Hà Nội để tiện bề làm ăn kinh tế.
Tuy nhiên, như trao đổi giữa với đại diện một số CLB một ngày trước khi diễn ra Đại hội cổ đông và cả quan điểm chủ đạo của các ông bầu khởi xướng ý tưởng thành lập VPF, mục đích cao nhất của các CLB khi nhất trí giơ tay biểu quyết cho sự ra đời của VPF là muốn được làm bóng đá trong một môi trường lành mạnh, trong sáng và công bằng, còn về mục đích kinh tế thì phát biểu "không nên quá chú trọng vào chuyện lỗ lãi của VPF ở thời điểm này" của GĐĐH CLB V.Ninh Bình có thể nói thay cho tất cả.
Rõ ràng VPF chưa chính thức đi vào hoạt động, nhưng ngay từ bây giờ đã có thể nhìn thấy ít nhất 2 nhóm lợi ích ở Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN, trong đó đa số là nhắm tới mục đích xây dựng một giải đấu trong sạch, còn số không nhỏ khác lại muốn thông qua VPF để gặt hái lợi nhuận.
Bởi thế, không phải ngẫu nhiên khi có người đặt ra câu hỏi rằng đâu mới là cái cớ thực sự để đại diện 28 CLB và VFF ngồi lại với nhau để VPF được khai sinh chào đời? Nếu VPF xuất hiện như là nhu cầu tất yếu vì sự phát triển vững chắc và lâu dài của bóng đá VN ở cấp độ CLB thì nên giải thích như thế nào về hàng loạt thông tin bất lợi được tung ra nhắm vào những hạn chế (dự kiến) của VPF trong suốt thời gian vừa qua?
Còn nếu để làm lợi về kinh tế nhờ VPF thì liệu sự kết hợp giữa các ông bầu với nhau cũng như với VFF sẽ kéo dài được trong bao lâu, khi mà chỉ số niềm tin mà dư luận dành cho bóng đá VN đã xuống tới mức rất thấp, đặc biệt là sau kỳ SEA Games 26 thất bại nặng nề vừa qua, và chỉ để khôi phục sự quan tâm của người hâm mộ với sân cỏ nội địa cũng đã là một việc không hề đơn giản chứ chưa nói tới chuyện biến VPF thành "con gà đẻ trứng vàng" như mong muốn của không ít người.
Do đó, lá phiếu hôm nay của đại diện các CLB sẽ nói lên rất nhiều điều về tương lai của VPF cũng như tương lai của bóng đá VN.
Hoàng Huy
Thethaovanhoa.vn