Chắc rằng, thay vì tức giận, đa phần sẽ ủng hộ Ngọc Anh. Hậu vệ này tự giải thoát cho mình, dù số tiền anh đền bù đội bóng cũ không hề nhỏ.
Trở về từ SEA Games 26, Ngọc Anh lẳng lặng lên CLB thu xếp đồ đạc. Anh cũng thông báo ngắn gọn với lãnh đạo CLB Nam Định rằng, mình sẽ ra đi. Sau những thủ tục pháp lý, Ngọc Anh chấp nhận đền bù 2,5 tỷ đồng. Một con số quá lớn nếu đem so với 1 năm hợp đồng còn lại của anh. Câu hỏi đặt ra: Vì sao Ngọc Anh lại sốt sắng ra đi đến thế, trong khi chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi thêm 1 năm nữa, anh sẽ trở thành người tự do?
Không phải Ngọc Anh không biết được điều đơn giản ấy, mà bởi lẽ, anh không còn lựa chọn nào… tốt hơn. Ra đi và chấp nhận bồi thường với giá cắt cổ, nhưng đổi lại Ngọc Anh được thi đấu trong môi trường giàu tính cạnh tranh. Đó cũng là cách anh hoàn thiện mình cũng như đảm bảo cho cuộc sống sau này. “Tôi đã có nhiều năm gắn bó, cống hiến cho đội bóng quê hương. Tôi biết ơn những người đào tạo để tôi được như ngày hôm nay. Nhưng cuộc sống bóng đá ngắn ngủi lắm, tôi cần phải lo cho tương lai của mình. Khát khao được thi đấu ở một môi trường chuyên nghiệp, giàu tính cạnh tranh luôn là mong ước của tôi”, Ngọc Anh chia sẻ.
Từ cuộc đào thoát của Ngọc Anh, có thêm lý do để nhìn lại thực trạng bóng đá thành Nam. Ở đó, vẫn còn đấy những cầu thủ giỏi, có tài năng và cũng không thiếu khát khao được thi đấu ở môi trường chuyên nghiệp.
Nhưng, không phải ai cũng có may mắn như Ngọc Anh. Bởi mỗi người mỗi cảnh và nó tạo nên bức tranh chung tối màu cho bóng đá Nam Định. Một thực tế đau lòng với nơi từng được xem là cái nôi sản sinh ra nhiều nhân tài cho bóng đá Việt Nam.
Bongdaplus.vn