Bong da

bong-da-trong-nuoc

Chuyện V-League: Nghịch lý vua phá lưới nội

Cập nhật: 20/04/2012 19:15 | 0

Trong lịch sử V-League, chỉ 2 lần chân sút nội đoạt danh hiệu Vua phá lưới V-League, còn lại đều đãi vàng cho ngoại binh.

Bạn cũng có thể bình luận về bài viết này trên

Đoạn trường Vua phá lưới nội

Nhìn lại 12 năm V-League ra đời, 2 tiền đạo nội  vinh dự đứng ở bục nhận giải là Đặng Đạo (Khánh Hòa) và Hồ Văn Lợi (Cảng Sài Gòn). 2 chân sút này không có thể hình to cao. Bù vào đó, Đạo và Lợi đều thuộc diện “quái kiệt”, nhất là khả năng lựa chọn vị trí và chớp cơ hội nhanh như cắt. Cũng phải kể đến bối cảnh buổi đầu chuyên nghiệp, ngoại binh không nhiều, nhất là những chân sút đẳng cấp. Càng về sau, khi giải chuyên của ta là thiên đường đúng nghĩa về tiền bạc và cuộc sống, làn sóng ngoại binh  đổ vào V-League ào ạt, dĩ nhiên chất lượng đã tăng lên. Đã xuất hiện nhiều chân sút đẳng cấp cao, họ lại có lợi thế về thể trạng khiến cho cơ hội đoạt danh hiệu Vua phá lưới càng mù khơi với “sát thủ” nội.

Số phận quay quanh danh hiệu Vua phá lưới của 2 tiền đạo nội cũng thật nghiệt ngã. Năm 2001, Đặng Đạo ghi đến 11 bàn cho đội nhà, nhưng cuối mùa vẫn không thể giúp Khánh Hòa thoát khỏi vị trí cuối bảng, rớt hạng và Đạo mất tăm khỏi bóng đá từ  thời điểm đó. Còn Hồ Văn Lợi lại có mùa giải thành công kép khi cùng Cảng Sài Gòn vô địch quốc gia năm 2002. Chỉ một năm sau đó, Cảng Sài Gòn của Lợi rớt hạng.

Điều đáng lưu ý, thời điểm đăng quang, Đặng Đạo hay Hồ Văn Lợi đều đã bên kia sườn dốc phong độ. Kỳ lạ thay 10 năm qua, dường như cái vận của 2 người đàn anh cũng như đeo bám những người đàn em, những chân sút được gắn danh hiệu Vua phá lưới nội.

Minh Hải là chân sút nội số một, nổi đình đám ở V-League 2004 rồi sau đó mất tích. Ai cũng biết, Hải sẽ không thể trở thành tiền đạo cừ, nếu xung quanh anh vắng Kiatisuk cùng nhiều vệ tinh giỏi.

Chân sút Hoàng Ngọc Linh (M.Nam Định) từng là Vua phá lưới nội vào mùa giải 2005 với 9 bàn thắng. Tưởng chừng sự nghiệp sớm lên hương từ thành công năm ấy, Linh “ma” lại sa sút không phanh và trôi nổi qua hàng loạt đội bóng trong suốt 7 năm qua.

Đến lúc ngồi nhớ lại một thời hoàng kim của mình, Ngọc Linh cho rằng mình bị thành công tạm thời bị che mắt. Khi những thú vui giữa rượu mạnh, vũ trường… rồi những chấn thương đổ ập đến, tiền đạo thành Nam trượt dài từ chính thành công mình đã từng có được.

Ngoài ra không ít những chân sút nội cũng chỉ vụt sáng trong một mùa giải, rồi lặng lẽ bước xuống phía sau hậu trường một cách im hơi lặng tiếng. Dường như cái danh Vua phá lưới nội tạo ra sức ép lớn, khiến những người từng được vinh dự nêu tên, lại biến mất một cách khó hiểu chỉ sau một mùa giải.

Ngay như tiền đạo Lê Công Vinh từng nhiều lần là Vua phá lưới nội, cũng trải qua những năm khó khăn do chấn thương đeo đuổi, rồi áp lực trong màu áo đội bóng mới. Mùa này, dù Vinh đã có 6 bàn cho CLB BĐ Hà Nội, song người ta vẫn chưa nhận thấy sự bùng nổ mạnh mẽ như xưa của anh.

Số phận các Vua phá lưới nội còn lại cũng bi kịch không kém. Tiền đạo Hoàng Đinh Tùng (đồng Vua phá lưới nội 2011) đang trải qua thời khắc sóng gió cùng đội bóng mới V.HP. Tùng đang cho thấy dấu hiệu bị stress, đánh mất bản năng ghi bàn.


Vua phá lưới nội V-League 2011 Đình Tùng (phải) đang đánh mất mình một cách nghiêm trọng ở V.HP

Với Tùng lúc này, mỗi bàn thắng không còn ý nghĩa đua tranh, mà là để giải phóng ức chế. Sự vô duyên kỳ lạ của Tùng “con” ở Hải Phòng, chắc chắn không nằm ở đẳng cấp, ở bản năng, mà ở trạng thái tâm lý thiếu ổn định thì đúng hơn.

Chân sút Nguyễn Quang Hải (Vua phá lưới nội 2010), Nguyễn Đức Dương (Vua phá lưới nội 2008) dính chấn thương liên tiếp nên chưa thể hiện được gì nhiều ở N.SG và HA.GL.

Mùa giải này, các chân sút nội vẫn lép vế hoàn toàn trước các đồng nghiệp nước ngoài. Cứ nhìn phong độ và khả năng ghi bàn của Gaston Merlo (SHB.ĐN), cửa gây bất ngờ của các chân sút nội là quá nhỏ. Hay nói cách khác, các chân sút nội không thể bắt kịp Merlo trong việc làm tung lưới đối phương. Bản thân số phận các chân sút nội lúc này cũng gặp phải những thách thức ghê gớm để giữ được vị trí của mình.

Trong bối cảnh đó, thật ngạc nhiên thay, Nguyễn Văn Quyết (HN.T&T) đang là chân sút nội ổn định nhất và cùng cạnh tranh vị trí dẫn đầu với Công Vinh ở nhóm Vua phá lưới nội mùa này. Nhưng thành tích của Văn Quyết, Công Vinh quá choáng ngợp trước Merlo Gaston (12 bàn).

Thiếu ý chí và lòng tự trọng?

Nhìn qua hiệu suất ghi bàn của các chân sút nội, rất khó có chuyện tiền đạo ta sẽ đứng bục nhân danh hiệu Vua phá lưới vào cuối mùa giải này. Phải nhìn nhận đẳng cấp, năng lực và sự cầu tiến các chân sút ngoại luôn cao hơn hẳn so với tiền đạo Việt.

Thử nhìn Huỳnh Kesley (SG.FC) hay Merlo (SHB.ĐN) luôn ra sân với quyết tâm cao nhất và chiến đấu máu lửa hệt như đang cầm súng ra trận. Phong cách ấy được cả 2 thể hiện rõ, bên cạnh bản năng ghi bàn thính nhạy. Bản thân sự nỗ lực cả 2 được đánh giá cao, đồng nghĩa mức lương, thưởng cực lớn mà CLB sẵn sàng bỏ ra để có cả 2 chân sút lợi hại này. Có cảm giác như Merlo sẽ không thể hạnh phúc, nếu như anh không ghi bàn trong một trận đấu. Nhiều trận, SHB.ĐN đã no nê bàn thắng, thì vẫn không thấy khát khao ghi bàn của Merlo suy giảm.

Không phải bóng đá VN thiếu đi những “sát thủ” trong vòng cấm. Nhưng đáng lo ngại sự cầu tiến, nỗ lực để duy trì sự ổn định trong thời gian dài, các chân sút Việt lại chưa có được. Ngay sự bùng nổ của các chân sút nội cũng chỉ thời gian ngắn và liên quan đến chuyện đi hay ở, về chỉ số cao hay thấp của thị trường chuyển nhượng. Dễ nhận ra thời điểm các chân sút Việt bùng nổ cũng là lúc thị trường chuyển nhượng sắp mở, nên các sao thi nhau cắn răng đã hết sức để đánh bóng “thương hiệu” cho bản thân, thay vì hình ảnh nhạt nhòa trước đó. Trong những chân sút, có lẽ Thanh Bình và Sỹ Mạnh là nhạt nhất. Mạnh là sản phẩm của PR chính hiệu!

Đấy là suy nghĩ có phần phiến diện, khiến khoảng cách giữa các chân sút nội với ngoại binh càng trở nên lớn hơn. Ngoài điều kiện ấy, có những cản lực khiến chân sút nội chưa thực sự đạt độ ổn định, dẫn đến sự thua sút rất xa các tiền đạo ngoại.

Một chân sút giỏi thì anh ta phải tỏa sáng CLB, lẫn ở cấp độ ĐT. Tiếc rằng, chưa tiền đạo nào ở ta có khả năng duy trì được phong độ ổn định một cách tương đối. Ở cả 2 ĐTQG, chúng ta đã quá khát một mẫu trung phong thực thự, những “sát thủ” đủ sức gây khiếp đảm các hàng thủ trong khu vực. Trong những nguyên nhân thất bại có hệ thống của bóng đá VN trong mấy năm qua, một “thủ phạm” thường trực đấy là năng lực ghi bàn quá kém cỏi của các tiền đạo.

Tiền đạo nội không hẳn không có những lợi thế để có thể khẳng định thương hiệu của mình.  Trên cả, là danh dự, lòng tự trọng, tự tôn phải được đánh động, biết xấu hổ trước sự bê bết của mình. Ai mà chấp nhận được khi thấy cảnh các đội bỏ ra cả đống tiền chuyển nhượng, nhưng giá trị các chân sút mang lại không tương xứng.

Khi cả nền bóng đá khát tiền đạo giỏi, đến lúc không ai khác những người đang đá ở vị trí này  cần phải thay đổi suy nghĩ, khi ấy mới nói đến chuyện bằng vai, phải lứa với các đồng nghiệp ngoại cho được.

NGỌC HÒA

Thethaovanhoa.vn