Bong da

Việt Nam

Câu chuyện bóng đá: Nỗi niềm mồ côi

Cập nhật: 08/07/2015 12:19 | 0

Có một điều rất đặc biệt, khi cả 3 gương mặt trẻ nhận giải “Cầu thủ xuất sắc vượt khó” do báo Bóng đá trao tặng chiều qua (7/7) đều là những đứa trẻ mồ côi cha, và câu chuyện của những cậu bé mồ côi đều đong đầy những nỗi niềm…

Câu chuyện bóng đá: Nỗi niềm mồ côi
Câu chuyện bóng đá: Nỗi niềm mồ côi
*Lịch thi đấu U17 QG báo Bóng đá - cúp Thái Sơn Nam 2015

CON KHÔNG CHA NHƯ NHÀ KHÔNG NÓC
Đến thời điểm này, mỗi khi nhắc đến bố là đôi mắt của thủ môn Nguyễn Thanh Tùng của U17 Viettel như ngấn lệ và giọng nghẹn đi trong cảm xúc. Dù đã biết trước qua lời chia sẻ của HLV Thành Công, nhưng tôi vẫn không thể ngờ đã hơn 2 năm, nhưng sự ra đi đột ngột của bố vào tháng 4/2013 vẫn còn là cú sốc rất lớn với chàng thủ môn trẻ người Bắc Giang này. 

Thanh Tùng không kể, nhưng qua HLV Thành Công, tôi biết việc mồ côi cha đã khiến anh suy sụp suốt một thời gian dài, và nếu không có sự động viên của mẹ và các thầy, có lẽ Thanh Tùng khó vượt qua nỗi đau ấy.

Trong khi đó, hậu vệ Đinh Văn Biên của U17 Quảng Ngãi đã là trẻ mồ côi từ khi còn nằm nôi. Gia đình cậu bé người dân tộc Ca Dong này thời gian ấy khổ đến nỗi, mẹ của Biên phải gửi cậu vào trại mồ côi để nhờ nơi này nuôi giúp lúc 3 tuổi. Tuy nhiên, Biên chẳng hề trách mẹ, bởi: “Nhà nghèo quá, mẹ muốn tốt cho em nên buộc phải làm thế, chứ chẳng hề bỏ rơi em. Có lẽ đấy cũng là sự may mắn, bởi nhờ ở trại mồ côi nên em mới có cơ hội đến với bóng đá”.

Còn với trung vệ Lê Ngọc Bảo của U17 PVF, từ “cha” không hề có trong đầu từ khi cậu mới ra đời. Suốt 12 năm, hai mẹ con Bảo nương nhau sống tại quê nhà Phú Yên cho đến ngày Bảo trúng tuyển vào trung tâm đào tạo PVF. 

Thủ môn trẻ Thanh Tùng

MƠ ĐỔI ĐỜI NHỜ BÓNG ĐÁ
HLV Nguyễn Phúc Nguyên Chương của PVF đã kể: “Mẹ của Bảo làm ruộng, gia cảnh rất khó khăn. Vì thế, thằng nhỏ luôn chắt chiu tiền thưởng hoặc tiền ăn hàng tháng để gửi về phụ mẹ, thương lắm!”. Đồng thời, các quản sinh của trung tâm PVF còn cho biết Ngọc Bảo rất chăm học và học rất khá. Đấy là điều rất hiếm hoi với các VĐV chuyên nghiệp, bởi không dễ kiếm được một cầu thủ vừa đá bóng hay vừa học giỏi văn hóa.

Ngọc Bảo tâm sự: “Nhà có hai mẹ con, em vào đây học bóng đá nên mẹ ở nhà có một mình, thương mẹ lắm. Có những lúc tập luyện và thi đấu mệt mỏi muốn bỏ cuộc, em lại nghĩ đến mẹ là như có thêm sức mạnh để tiếp tục phấn đấu, vì mong muốn sau này thành cầu thủ chuyên nghiệp để hai mẹ con đỡ khổ hơn”.

Lời tâm sự của Ngọc Bảo cũng chính là nỗi lòng của hai đồng nghiệp trẻ Thanh Tùng và Văn Biên, đặc biệt là thủ môn trẻ Thanh Tùng, vì gương mặt trẻ này đã xác định: “Lúc bố mất, em đã thề trước vong linh của bố, rằng sẽ cố gắng thay bố lo cho mẹ và em trai có cuộc sống tốt hơn. Em đang cố gắng từng ngày để thực hiện điều ấy”.

Ngoài giấc mơ đổi đời từ bóng đá, Biên còn mơ một ngày nào đó đội bóng Quảng Ngãi quê anh sẽ có mặt trở lại ở sân chơi chuyên nghiệp, và Biên sẽ được khoác áo đội bóng quê nhà.

Có câu “bạn sẽ khó thành công nếu không có khát khao và sự nỗ lực”, mong rằng giấc mơ của các cầu thủ trẻ sẽ được chắp cánh từ sân chơi tuổi 17.

Thần tượng Quế Ngọc Hải
Có một điều khá thú vị là 2 cầu thủ Văn Biên và Ngọc Bảo đều rất mê tuyển thủ Quế Ngọc Hải bởi lối chơi máu lửa của hậu vệ người Nghệ An này. Cả Văn Biên và Ngọc Bảo đều nói rằng Quế Ngọc Hải chính là tấm gương để họ phấn đấu. 




(báo bóng đá)