Bong da

Việt Nam

Câu chuyện bóng đá: Cuộc sống mới của Nguyễn Mạnh Cường

Cập nhật: 10/09/2012 10:02 | 0

  Lại một lần nữa tôi ngồi với HLV Mạnh Cường ở trung tâm Thành Long (TP.HCM). Vẫn điệu cười và phong cách phớt Ang-lê, người đội trưởng của tuyển Việt Nam ngày nào đang hài lòng với công việc gõ đầu trẻ ở trung tâm đào tạo PVF.

Câu chuyện bóng đá: Cuộc sống mới của Nguyễn Mạnh Cường
Câu chuyện bóng đá: Cuộc sống mới của Nguyễn Mạnh Cường
Bẵng đi khá lâu kể từ cái lần Mạnh Cường thăng hoa với thành tích đưa đội U20 QG vô địch Đông Nam Á hồi năm 2007, tôi mới có dịp được ngồi hàn huyên với anh.

Thời gian đã 5 năm qua, tất cả đều chớp nhoáng, đôi khi chỉ là cái bắt tay, một nụ cười thay lời chào. Như lần gặp trên sân Chi Lăng theo dõi trận đấu play-off giữa Hoà Phát Hà Nội và An Giang, anh gọi giật tôi từ khán đài và cũng chỉ có vài lời trao đổi. Năm 2001, khi đến Tam Kỳ xem trận Quảng Nam đá với Sài Gòn Xuân Thành, trước trận đấu tôi có dịp xuống khu kỹ thuật để trao đổi với anh về tình hình đội. Giọng Mạnh Cường thiết tha lắm. Tôi nhớ hôm ấy, anh còn mời tôi buổi tối ghé qua thăm đội, nhưng rồi công việc bận bịu nên cuộc hẹn bị tuột mất. 

Dẫu sao nói đến Mạnh Cường cũng phải nhắc thời anh ở Thể Công. Chia tay sự nghiệp cầu thủ, Mạnh Cường luôn nằm trong số những nhân vật chú ý, được quy hoạch nhưng rồi anh cũng chỉ có duy nhất 1 năm làm thuyền trưởng của đội lớn Thể Công ở mùa giải 2004. Số phận dường như không mở cửa với anh ở cấp độ đội lớn. Năm 2009, Mạnh Cường làm trợ lý cho HLV Lê Thụy Hải ở đội Thể Công. Khi ông Thụy Hải chia tay đội, ai cũng nghĩ anh sẽ thay thế thì đội được chuyển nhượng cho Thanh Hoá.

Anh ở lại quân đội cho đến năm 2011. Chờ nhận sổ hưu anh xin vào Quảng Nam làm việc. Thời gian ấy, Quảng Nam ở hạng Nhất, đầu tư nhỏ giọt, lương thưởng hạn chế. Không có bột làm sao gột nên hồ? Mạnh Cường nỗ lực lắm nhưng trong tay toàn những cầu thủ nằm ở nhóm quá đát nên không tài nào thổi vào đó thành tích cao được. Chia tay Quảng Nam, nhưng anh không chịu cảnh thất nghiệp. Cái máu bóng đá nó ngấm sâu vào anh quá rồi. Sau Tết Nguyên đán 2012, Mạnh Cường chính thức nhận sổ hưu sau 31 năm phục vụ trong quân ngũ và bất ngờ chuyển vào Nam làm việc ở trung tâm đào tạo trẻ PVF. Anh đã quay lại cái xuất phát điểm trước đó hàng chục năm để làm HLV đội trẻ.

Tôi nhìn gương mặt có vẻ thản nhiên của anh khi nói về công việc mới và từ đâu đó một ý nghĩ lại xuất hiện: “Từ chỗ là một HLV với bao nhiêu cơ hội rộng mở, bây giờ chỉ là vị HLV gõ đầu trẻ. Một người lúc nào cũng hừng hực khí thế, sẵn sàng tranh đấu như Mạnh Cường sẽ nghĩ sao nhỉ?”. Thật bất ngờ khi nghe anh trả lời với một vẻ hài lòng về cuộc sống mới.

Không làm quan thì làm lính, miễn là được làm việc mà mình yêu thích, việc mà mình có thể cống hiến hết năng lực. Đó chính là suy nghĩ của Mạnh Cường hiện tại. Chí ít đấy là những gì tôi cảm nhận trong cuộc nói chuyện với anh. Còn thẳm sâu trong Mạnh Cường cũng có thể là những day dứt, trăn trở về ngày trở lại. Bây giờ thì anh quan niệm rất đơn giản: “làm ở đội trẻ có cái hay của đội trẻ. Đầu óc nhẹ nhàng, thảnh thơi, ăn ngon và ngủ yên”.

Tất nhiên, điều gì cũng có cái giá của nó. Làm việc với lứa trẻ thì không thể được lương cao bằng đội lớn. Công việc tưởng đơn giản nhưng lại đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, sự tỉ mỉ và tâm huyết thật sự của người HLV. Lũ trẻ học hỏi rất nhanh, cả thói quen tốt lẫn xấu nên người thày phải giữ được sự chuẩn mực, tính sư phạm.

Ngoài ra, riêng với Mạnh Cường còn có một khó khăn lớn nhất đó là việc phải xa gia đình. Xa người vợ đảm đang, đứa con 11 tuổi, cùng những thói quen của người Thủ đô để đến Thành Long - huyện Bình Chánh (TP.HCM) hẳn anh sẽ nhiều lúc rất buồn. Đấy là tôi nghĩ thế nhưng Mạnh Cường thì vẫn cười phớ lớ. Anh vẫn đều đều gọi điện tám chuyện với vợ con mỗi ngày. Dân bóng đá lại là quân nhân lâu năm, vất vả trăm bề còn lao vào trận được chứ xá chi giây phút ủy mị!

Số 15 huyền thoại một thời!
Mạnh Cường sinh năm 1965, trưởng thành từ lò Thể Công và chơi cho đội bóng quân đội suốt sự nghiệp cầu thủ. Anh nổi tiếng ở Thể Công và cả ĐTQG với số áo 15 và lối chơi điềm tĩnh, quyết liệt nhưng không thô bạo. Nhắc đến Mạnh Cường, người ta nhớ đến thời anh làm đội trưởng ĐTVN tham dự SEA Games 1995 tại Chiang Mai – Thái Lan. Đó là kỳ SEA Games đã làm thay đổi cách nhìn nhận của các đối thủ khu vực về bóng đá Việt Nam.

Giải nghệ năm 1997, Mạnh Cường đã theo học Đại học TDTT Từ Sơn, tham gia đầy đủ các lớp HLV. Mạnh Cường lừng lẫy trên sân cỏ và được xem là có tố chất để trở thành HLV từ rất sớm. Thế nhưng, sự nghiệp HLV của anh vẫn còn rất nhiều lận đận. Anh từng được trao nhiệm vụ HLV trưởng Thể Công (2004), Quảng Nam (2011) thi đấu ở giải hạng Nhất. Tuy nhiên, thành tích lớn nhất của Mạnh Cường ở cấp độ HLV chính là khi dẫn dắt đội tuyển U20 VN giành chức vô địch Đông Nam Á hồi năm 2007.

Nguồn bongdaplus.vn