Vào một ngày đầu tháng 7 năm 2010, tôi bất ngờ nhận được cú điện thoại từ một số lạ. Ở đầu dây bên kia là một người đàn ông nói tiếng Nghệ An. Tôi chưa kịp hỏi, thì đã được nhận câu trả lời: “Dũng “Danh” QK4 đây”. Hóa ra là Thái Văn Dũng, tiền vệ mang áo số 7 một thời của QK4.
Dũng "Danh" và bóng đá
Thái Văn Dũng sinh năm 1983, tại xã Tân Thắng, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. Cũng như bao cậu bé khác, Dũng mê bóng đá từ cái thuở chăn bò cắt cỏ với chúng bạn. Bước vào tuổi thiếu niên, cậu quyết định xuống “lò” sông Lam thử một phen, nhưng rồi đã không trụ được lâu vì xứ Nghệ có quá nhiều nhân tài bóng đá.
Thất bại đầu đời, Dũng trở về với nghiệp đèn sách, nhưng cậu cũng chỉ tốt nghiệp được cấp 3. Năm 2002, Dũng khăn gói xuống Vinh tham gia một giải U18 do QK4 tổ chức. Và Dũng đã được chọn, cũng từ đó cậu nên duyên với đội bóng những người lính.
Năm 2008, QK4 thi đấu thành công, lên hạng và trụ lại được sân chơi V.League. Thái Văn Dũng cũng có công không nhỏ. Cũng nhờ những chiến công ấy mà Dũng được tưởng thưởng bằng việc đề nghị tăng cấp quân hàm thiếu úy. Nghĩa là, lương của Thái Văn Dũng đã tăng lên gần 2,5 triệu đồng/tháng.
Thế rồi, QK4 chuyển vào Sài Gòn với phiên hiệu Navibank Sài Gòn. Cuộc sống chốn phồn hoa đô hội, cộng chế độ lương thưởng cao như mơ. Dũng và những đồng đội mừng không kể xiết. Vậy mà quyết chia tay màu áo lính để đến với những đỉnh cao khác chưa đi đến đâu, thì sự nghiệp của Dũng đã “ba chìm, bảy nổi”…
Những ngã rẽ éo le
Một năm sau khi chuyển hộ khẩu vào Sài Gòn, sau HLV Vũ Quang Bảo, một loạt học trò của ông cũng buộc phải ra đi. Dũng nằm trong số đó. Tuy nhiên, bản hợp đồng 2 năm đưa anh đến Xuân Thành Hà Tĩnh, rồi sau đó chuyển vào định cư ở Sài Gòn với cái tên Xuân Thành Sài Gòn. Như ý nguyện, Dũng được cho Hà Tĩnh mượn. Và đáng ra anh là một ngôi sao của giải hạng Nhì. Cũng chẳng ai ngờ, từ đây Dũng đã có những ngã rẽ éo le trong đời mình.
8 tháng khoác áo Hà Tĩnh, Dũng không được chơi bóng, cũng không được nhận lương. Anh chán nản. Nhiều lần hỏi lãnh đạo XT.SG thì nhận được câu trả lời “lên mà hỏi cấp trên”. Cứ thế, rồi chìm trong những cơn say.
Và khi bóng đá trở nên đáng ghét, anh trở về với vợ và con. Tiếc thay, trong khoảng thời gian ấy, hạnh phúc gia đình đổ vỡ, vợ chồng chia tay, cậu con trai 3 tuổi rưỡi về ở với mẹ. Và đấy chính là thời điểm, tôi nhận được cú điện thoại chia sẻ của Dũng.
Bi kịch ập đến khiến Dũng suy sụp. Cũng may, người đàn ông trong anh cũng kịp trỗi dậy. Nhưng thật oái ăm, khi bản ngã đã được đánh thức, thì Dũng lại bị vướng vào thủ tục pháp lí liên quan đến hợp đồng với SG.XT. Ngày qua ngày, anh gõ cửa khắp nơi nhưng mọi câu hỏi của Dũng đều rơi vào thinh không.
May mắn thay, anh chợt nhớ ra bản hợp đồng đã ký với N.SG vẫn còn nằm trong hồ sơ lưu trữ của đội bóng Ngân hàng. Thế là sau những chờ đợi, Dũng cũng trở thành người tự do. Và đó cũng là lúc Thái Văn Dũng bắt đầu làm lại sự nghiệp từ con số 0.
Số phận một con người
Thái Văn Dũng đã thử việc ở Kiên Giang, rồi vài ba đội bóng nữa nhưng tất cả đều bất thành. Đến một ngày, anh nhận được cú điện thoại của HLV Phạm Anh Tuấn. Sau những ngày tập luyện chăm chỉ, cuối cùng đội hạng Nhất Tây Ninh cũng ký hợp đồng có thời hạn 1 năm với Dũng.
Dũng bảo, anh nhận lương 10 triệu đồng. Và đội bóng thương nên cho thêm vài chục triệu đồng nữa gọi là lót tay, nhưng như thế đã là hạnh phúc lắm rồi. Dũng hạnh phúc bởi anh cảm thấy mình như vừa trở về từ địa ngục, như được hồi sinh sau những ngày đoạn trường, trắc trở với cái nghiệp quần đùi áo số mà anh nói sẽ sống chết với nó.
Câu chuyện của Thái Văn Dũng chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện xuất hiện trong bóng đá thời lên chuyên nghiệp. Đâu đó còn những góc khuất của cầu thủ mà không phải ai cũng biết.
Thôi thì, chúc Dũng và những người như anh sẽ tìm được bến đậu bình yên!
Bongdaplus.vn