Bong da

Việt Nam

Càng ít thay tên, càng dễ... vô địch

Cập nhật: 10/07/2015 00:15 | 0

Như đã nói, tính đến mùa giải thứ 15 của V.League, đã có tổng cộng gần 30 CLB tham dự đã và đều theo theo mô hình chuyên nghiệp hóa. Tức là họ chuyển đổi từ một đội bóng thuộc quyền sở hữu của địa phương hoặc của ngành sang đội bóng có vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân.

Càng ít thay tên,  càng dễ... vô địch
Càng ít thay tên, càng dễ... vô địch
Đổi lại việc được rót tiền làm bóng đá, phát triển hạ tầng cơ sở vật chất, những đội bóng này phải chấp nhận gắn tên của đội bóng với tên của nhà tài trợ. Khi “kết duyên”, các đội bóng mong gặp được những ông chủ có đức tính kiên nhẫn, tầm nhìn chiến lược, chấp nhận bỏ vốn lớn và đầu tư dài hơi thực sự. 
 
Điều đó hẳn nhiên cũng sẽ mang lại thành công cho đội bóng, khi họ được phát triển toàn diện từ con người, vật chất, tinh thần, chuyên môn, chuyển nhượng, để từ đó xây dựng sức mạnh đủ để chinh phục những mục tiêu vinh quang.
 
Nhìn lại lịch sử gần 15 năm của V.League, người ta nhìn thấy một điểm trùng hợp đáng thú vị. Đó là những đội bóng ít khi thay tên như Sông Lam Nghệ An, Becamex Bình Dương, Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An, SHB Đà Nẵng hay Hà Nội T&T đã và đang thay nhau thống trị V.League trong 14 mùa giải vừa qua. Thậm chí, càng ít thay tên thì càng đoạt nhiều cúp vô địch. Ở V.League, những “đội bóng một chủ” (doanh nghiệp đầu tư lâu dài, ít thay chủ đổi tên) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có thể kể ra như Hoàng Anh Gia Lai (dưới sự tài trợ của tập đoàn HA.GL), SHB Đà Nẵng (dưới sự tài trợ của ngân hàng SHB), Becamex Bình Dương (dưới sự tài trợ của công ty Becamex), Hà Nội T&T (dưới sự tài trợ của tập đoàn T&T) và Đồng Tâm Long An (dưới sự tài trợ của công ty cổ phần Đồng Tâm). Và những đội bóng này đã và đang lần lượt thay nhau giành ngôi vương V.League kể từ suốt năm 2003 cho tới nay. Bên cạnh vinh quang V.League, các đội bóng này cũng dần trình làng các tài năng trẻ cho bóng đá Việt Nam. Với HA.GL là lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Thanh Hậu; với HN.T&T là Duy Mạnh, Minh Long hay SHB.ĐN là Ngọc Thắng, Huy Toàn trong khi ĐT.LA cũng có Hoàng Lâm, Phước Thọ hay Tấn Tài,…
 
Sự thành công từ công tác đào tạo trẻ nhằm hướng đến tương lai hay những vinh quang đã và đang gặt hái của các đội bóng kể trên tại giải VĐQG càng khẳng định tầm quan trọng của sự đầu tư lâu dài, tiềm lực tài chính, sự kết hợp nhuần nhuyễn ở cấu trúc thượng tầng từ phía các CLB này.  Điều đó có nghĩa, các “Mạnh Thường Quân” càng tâm huyết, càng có nền tảng tài chính vững bền thì đội bóng được tài trợ càng thành công. Ngược lại, các CLB cũng cần lựa chọn những nhà tài trợ thực sự có tâm và có tầm. Có như vậy thì sức mạnh của đội bóng mới được tăng cường cả về nội dung lẫn hình thức, theo đúng định hướng chuyên nghiệp mà bóng đá Việt Nam theo đuổi. 
 
Những đội bóng vô địch V.League trong 14 mùa giải vừa qua: 
- Sông Lam Nghệ An (2001, 2011)
- Cảng Sài Gòn (2002)
- Hoàng Anh Gia Lai (2003, 2004)
- Đồng Tâm Long An (2005, 2006)
- Becamex Bình Dương (2007, 2008, 2014).
- SHB Đà Nẵng (2009, 2012)
- Hà Nội T&T (2010, 2013)

 

 



(báo bóng đá)