KHÔNG ĐI THÌ MẤT TIẾNG
Do tình hình kinh tế khó khăn và những lo ngại về an ninh, tại SEA Games 26 không có nhiều CĐV Việt Nam có thể xung trận. Thế nên, phải là những người nhiệt huyết và… điên nhất mới đến Indonesia cổ vũ cho ĐT U23. Trước đây, nhóm CĐV tại Hà Nội đã họp lên họp xuống chỉ để tìm ra cách đến Indonesia sao cho rẻ nhất. Dù chỉ có độ chục người nhưng họ vẫn bầu ra Trưởng đoàn, Phó đoàn Thường trực, Phó đoàn phục trách hậu cần, Trưởng ban “khói lửa”, Trưởng ban đối ngoại… để đảm bảo rằng chuyến đi được suôn sẻ và thành công.
Có lẽ vì trách nhiệm với cái chức danh “Phó đoàn Thường trực” mà dù gia đình gặp nhiều chuyện, vợ không hài lòng nhưng Quê “râu” vẫn tìm mọi cách đến Indonesia. Giới CĐV Việt Nam đến giờ vẫn chưa quên câu chuyện cười ra nước mắt vào 2 năm trước. Tại vòng đấu bảng SEA Games 25, Quê “râu” đột ngột bay sang Lào xem U23 Việt Nam đá mà không nói tiếng nào với vợ. Vợ anh đã từng muốn ly dị vì việc này nhưng vì biết tính chồng không bỏ được niềm đam mê bóng đá nên chị cũng đành chịu thua.
Ai cũng nghĩ, CĐV ra nước ngoài cổ vũ cho đội nhà phải là những người giàu, thậm chí rất giàu. Thế nhưng, không phải ai cũng có điều kiện như doanh nhân Sáng “Củ Chi” để có thể đi cổ vũ ở mọi nơi, mọi lúc. Có rất nhiều CĐV nghèo, nhưng họ lại là tỷ phú tình yêu. Thậm chí, vắng họ, khán đài sẽ thiếu người lĩnh xướng. Nổi tiếng nhất trong số này phải kể đến: Sỹ “trọc”, Mạnh “béo”, Tuấn “đầu trâu”…
Khác với Mạnh “béo”, Tuấn “đầu trâu”, những người rất biết cách thể hiện hình ảnh của mình, Sỹ “trọc” lặng lẽ, khiêm nhường nên ít người biết đến. Thế nhưng, toát lên ở người đàn ông có cái dáng vẻ rất ngầu này là một tình yêu tuyệt đối với Thể Công và ĐTQG. Trong mọi trận đấu, Sỹ “trọc” luôn xông lên tuyến đầu, trở thành người bắt nhịp có những tiếng hô “Việt Nam! Việt Nam” vang dậy trên khán đài.
Tài sản lớn nhất và duy nhất của Sỹ “trọc” chỉ là tình yêu cháy bỏng với bóng đá. Đến giờ, vợ chồng anh vẫn phải ở trong một căn phòng thuê và sinh nhai bằng nghề xe ôm hàng ngày. Nghèo, nhưng Sỹ là người quân tử và đặc biệt khái tính. Vậy nên, đưa được anh đến Indonesia, rất nhiều bàn tay đã chìa ra cùng những lời động viên hết sức tế nhị.
Thực ra, trong nhiều năm qua, giới CĐV Việt Nam luôn phát huy được tinh thần “tương thân tương ái” để có được niềm vui và sức mạnh tập thể trên khán đài. Những người có điều kiện kinh tế như: Quê “râu”, thầy giáo Hiền, Sáng “Củ Chi”, Hoàn “pháo” luôn là những Mạnh Thường Quân cho các CĐV gặp khó khăn.
Tương tự như Sỹ “trọc” là Tuấn “đầu trâu”, người mà bất luận trời nóng bức hay giá rét đều lấy bụng mình làm “trang phục” cổ động cùng chiếc đầu trâu được thiết kế cách điệu. Đã lớn tuổi, lại đau yếu, kinh tế cũng không khá giả gì cho cam, nhưng người đàn ông đa cảm này vẫn gắng đi “SEA Games cuối cùng”. Mất cả ngày di chuyển mệt nhọc Tuấn “đầu trâu” mới đến được Indonesia.
Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu cho một hành trình khổ ải. Phải rất vất vả và tốn kém CĐV này mới tìm được chỗ tá túc “hợp với túi tiền”. Nhưng hiềm một nỗi, nơi Tuấn “đầu trâu” cùng chiến hữu ở lại cách sân hơn 30 km nên mỗi ngày mất không biết bao nhiêu tiền taxi. Chẳng dư dả, lại gặp khó khăn trong giao tiếp nên những ngày ở Indonesia của Tuấn “đầu trâu” vô cùng khổ ải. Thậm chí, ông còn phải gọi điện về Việt Nam để nhờ những người sang sau “chi viện” thêm tiền.
LẠC LỐI TRÊN CON ĐƯỜNG XA
Đường đến Jakarta xa mà lại không có chuyến bay thẳng nên với nhiều CĐV, việc di chuyển thực sự là một cực hình. Phần nhiều trong số họ không biết ngoại ngữ nên việc hỏi đường khó như bắc thang lên giời. Trớ trêu ở chỗ, để tiết kiệm chi phí, rất nhiều CĐV đã chọn phương án tự sang Indonesia thay vì chọn tour của các công ty lữ hành. Và những câu chuyện cười ra nước mắt đã đến với họ.
Trước trận bán kết, nhóm CĐV Hà Nội hồ hởi lên đường đến Indonesia. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ vài tiếng sau khi rời sân bay Nội Bài thì nội bộ đã “lục đục” vì lạc đường. Sau khi quá cảnh tại Kuala Lumpur (Malaysia), do không quen thông thổ, lại chẳng rành về ngoại ngữ nên các CĐV Việt Nam lấy hành lý đi ra ngoài. Tìm mãi không thấy cửa có máy bay đi tiếp, họ đánh liều hỏi đường bằng thứ ngôn ngữ hình thể. Không ai hiểu, không ai biết các CĐV Việt Nam nói gì mà giờ bay đã cận kề. Cả đoàn bắt đầu hoảng, một số người không giữ được bình tĩnh quay ra trách lẫn nhau không biết tìm đường.
Đang rối thì họ gặp nhà báo Quang Huy của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, tất cả như chết đuối vớ được cọc. Thế nhưng, ông Huy cũng bị rối và gặp hạn theo các CĐV. Đến khi tìm được đường thì bình luận viên này bị muộn chuyến bay và phải chịu phạt không ít tiền.
Đi đã vất vả, về còn khổ ải hơn với các CĐV. Đội nhà thua trận đã buồn nẫu ruột, rất nhiều CĐV phải thức trắng đêm để ra sân bay thật sớm vì sợ tắc đường. Cẩn thận là vậy, nhưng họ vẫn bị lạc lối trong hành trình trở về Việt Nam. Một số CĐV bị muộn chuyến phải ngủ lại sân bay với cái giá cắt cổ. Mệt mỏi, buồn bã, nhưng một điều đáng ngạc nhiên là các CĐV trở về từ Jakarta đã thể hiện được bản lĩnh trước nỗi đau. Họ không hề hối hận vì đã yêu, đã phiêu, đã chịu nhiều tốn kém và mệt mỏi khi đồng hành cùng ĐT U23 Việt Nam. Với họ, đã yêu là không thay đổi! Yêu có nghĩa là phải chấp nhận và biết tin vào tương lai.
Bongdaplus.vn