Bong da

bong-da-trong-nuoc

Bóng đá Việt thời bão giá

Cập nhật: 13/12/2011 07:15 | 0

Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra. Người phải ngồi xe bus vượt quãng đường gần 800km, kẻ đi mây về gió như cơm bữa. Rõ ràng, trong thời bão giá, không phải đội bóng nào của V-League và giải hạng Nhất cũng chịu chơi và chịu chi.




Oằn mình lên núi
Để tổ chức Vietbank Cup 2011, một giải đấu được coi là “tiền V-League”, Hoàng Anh Gia Lai đã phải chào mời và thuyết phục rất nhiều đội bóng tham dự. Đầu tiên là giải thưởng lên đến 1 tỷ đồng từ Ngân hàng Vietbank. Kế đến là chuyện bao trọn gói chỗ ăn, ở… cho khoảng 300 người, gồm lãnh đạo, HLV, cầu thủ của 7 CLB, cũng như lực lượng trọng tài điều hành của giải. Chỉ có chi phí di duyển là các đội phải tự túc.

Nói đến chuyện di chuyển, không phải đội bóng nào cũng may mắn được lên phố Núi bằng máy bay. Chẳng hạn như SLNA, để tiết kiệm kinh phí, tất cả phải di chuyển bằng ô tô, từ Vinh lên Pleiku. Sau hơn nửa ngày trời trèo đèo, vượt núi, rất nhiều cầu thủ than rằng, mệt còn hơn… hành xác. Thậm chí, mất vài ngày sau, một số cầu thủ mới phục hồi được sức khỏe.

Tương tự, ĐT.LA cũng vượt gần 800 km từ Long An để lên Pleiku bằng xe buýt. Gần 10 tiếng ngồi xe, vào khách sạn nhận phòng mà nhiều người phờ phạc, thở không ra hơi. Một phần bị say xe, một phần không chịu nổi khí hậu vừa lạnh, vừa hanh của phố Núi.

Kết thúc giải, dù lọt vào đến bán kết, nhưng khi trở về, các cầu thủ ĐT.LA lại phải cất lên điệp khúc “nào mình cùng lên xe buýt”. Dĩ nhiên, cũng có một số cầu thủ được đặc cách cho về trước, nhưng với điều kiện là họ phải tự chi trả tiền vé máy bay.

Bức tranh tương phản
Chuyện di chuyển bằng xe buýt của SLNA hay ĐT.LA chỉ là những ví dụ trong chính sách “thắt lưng buộc bụng” ở V-League và giải hạng Nhất. Thực tế, có rất nhiều CLB lâm vào cảnh khốn khó vì tài chính. Thế nên, một số buộc phải cắt giảm ngân sách, hoặc chi tiêu dè xẻn như Cao Su Đồng Tháp, K.Kiên Giang…

Trái ngược là hình ảnh của những đại gia chịu chi, chịu chơi như B.BD, Sài Gòn FC, Navibank Sài Gòn…  Sau khi về tay chủ mới, Sài Gòn FC của bầu Lãm khiến người ta phải “choáng” với cách chi tiêu còn thoáng hơn bầu Thụy. Thời gian qua, Sài Gòn FC làm TTCN rung chuyển với những phi vụ… bom tấn. Đáng chú ý nhất là bản hợp đồng 10 tỷ đồng với hậu vệ cánh Huỳnh Quang Thanh. Bầu Lãm cũng cho thấy sự “dị biệt” của mình bằng cách làm hẳn một kênh truyền hình cho CLB.

N.SG lại khác, dù khá kín tiếng, nhưng chẳng ai dám nói đội bóng này không chịu chơi. Bằng chứng, sau khi mời về HLV Phạm Công Lộc, họ kéo luôn một loạt cầu thủ người Đồng Tháp về Sài Gòn (trong đó có bản hợp đồng đắt giá với Đoàn Việt Cường). N.SG cũng rất chịu chi cho việc tập luyện. Họ đi Thái Lan tập huấn vài ba tuần. Về Việt Nam lại lên Đà Lạt rèn thể lực. Để biết “công lực” đã tăng ra sao, Navibank bỏ tiền ra, tổ chức hẳn một giải đấu quốc tế mời các đội bóng trong và ngoài nước tham gia.

Những điều vừa nói trên đã chứng tỏ, giữa các đội bóng Việt Nam đang có sự “phân tầng” rõ rệt. Với bóng đá thế giới, đó cũng không phải là điều xa lạ. Thế nhưng, đôi khi “tiền” không phải là thước đo cho sự thành công của các đội bóng. Thành tích cuối cùng mới là câu trả lời chính xác nhất.

3 tỷ đồng cho một giải đấu
Theo ông Huỳnh Mau (GĐĐH CLB Hoàng Anh Gia Lai), để tổ chức Vietbank Cup 2011, HAGL và đối tác đã phải chi ra hơn 3 tỷ đồng. Trong đó, riêng suất ăn của ngoại binh tiêu chuẩn đã 180 nghìn/người/ngày. Còn cầu thủ nội là 160 nghìn/người/ngày. Phòng khách sạn tiêu chuẩn 800 nghìn/phòng/ngày.

Bongdaplus.vn