Bong da

bong-da-trong-nuoc

Bình luận: Phản ứng dây chuyền

Cập nhật: 13/12/2011 08:15 | 0

Mùa này, những cuộc bán mua đã bớt nóng và bớt ảo đi rất nhiều. Giờ là lúc các ông bầu vốn tiêu những đồng tiền mà phải rất khó khăn mới có được phải nghĩ đến chuyện căn cơ.




Đã có lúc người ta nhầm tưởng rằng bóng đá là một ốc đảo trước những tác động của nền kinh tế. Ở đó, bất chấp kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao, thắt chặt đầu tư công, doanh nghiệp thua lỗ thì người ta vẫn có thật nhiều tiền để vung vãi. Giờ thì không nói ai cũng biết, không ít đội bóng đã chịu ảnh hưởng do những tác động từ nền kinh tế. Dòng tiền chảy vào bóng đá hoặc bị chậm lại, hoặc bị tắc nghẽn và thị trường chuyển nhượng cùng các hoạt động khác vì thế mà bớt sôi động.

1. Các cầu thủ là những người đầu tiên bị ảnh hưởng khi các ông chủ bớt hoặc không còn điều kiện để thể hiện sự hào phóng. Tình trạng chậm thưởng, chậm lương diễn ra thường xuyên hơn. Trớ trêu ở chỗ, không phải các đội bóng nghèo nợ tiền cầu thủ, mà đó đều là các đại gia vốn trước nay rất khoái đốt tiền.
Nhiều cầu thủ thắc mắc, “không hiểu vì sao tiền chậm thế”? Thắc mắc thì thắc mắc thế thôi chứ chẳng ai viết lên bảng đòi tiền như các cầu thủ Thanh Hóa đã làm cách đây vài mùa giải. Họ đành bớt chi tiêu và cố gắng chờ đợi ngày “thóc lúa sẽ về”. Bởi nói cho cùng, đã ngồi trên một chiếc thuyền thì đôi lúc các cầu thủ phải biết chia sẻ khó khăn với ông chủ trong thời buổi cả xã hội thắt chặt chi tiêu.

2. Lương chậm, thưởng bị đình trệ, nhưng đó chưa phải là những hệ lụy tiêu cực nhất mà nền bóng đá đang phải đối diện. Có đến 3 doanh nghiệp thoái lui khỏi bóng đá là Bảo hiểm Thái Sơn, Tập đoàn Xuân Thành và Hòa Phát. Đây đều là những doanh nghiệp từng tạo ra sự ồn ã trên TTCN. Thậm chí, Hòa Phát còn được đánh giá cao về tâm huyết và sự bài bản trong đầu tư bóng đá.

Ai đó bảo, chỉ có một lý do để yêu nhau nhưng lại có một ngàn lý do để người ta chia tay nhau. Và trong những lý do mà các doanh nghiệp kể trên đưa ra tuyệt nhiên không liên quan đến yếu tố tài chính. Nhưng có điều, quyết định thoái lui đó đã tác động mạnh đến đời sống bóng đá, đặc biệt là TTCN. Chỉ riêng với trường hợp của HP.HN đã có ít nhất 20 cầu thủ bị ảnh hưởng. Họ đã thống nhất được phí lót tay, lương, thưởng, nhưng cuối cùng, bầu Long rút lui và mọi kế hoạch lập tức bị phá sản. Đến giờ, thậm chí một cầu thủ được bầu Long coi là cục cưng, muốn biến thành linh hồn đội bóng là tiền vệ đội trưởng Thanh Trung thì lại rơi vào hoàn cảnh dở khóc, dở cười khi về với bầu Kiên. Số là ông Kiên chỉ trả cho tuyển thủ này 1 tỷ đồng/mùa. Trung sốc, vì không bao giờ nghĩ mình lại rớt giá đến vậy!

3. Cùng chung cảnh ngộ với Thanh Trung là không ít cầu thủ khác hoặc chấp nhận rớt giá, hoặc tiếp tục chờ thời, thậm chí là thất nghiệp. Họ không tìm được một bến đỗ lý tưởng. Tham vọng của đội bóng là yếu tố đầu tiên các cầu thủ nghĩ đến khi lựa chọn bến đỗ mới. Nhưng yếu tố quyết định sự thành bại của một thương vụ phải là tiền. Nhưng, rất nhiều cầu thủ nhận được đề nghị chuyển nhượng với mức phí lót tay bằng, hoặc thấp hơn đội bóng cũ đang trả. Có cầu thủ còn phải móc tiền túi để tự giải phóng cho mình trước khi đến với đội bóng mới.

Tất nhiên, TTCN vẫn ghi nhận những bản hợp đồng thuộc diện “bom tấn”. Nhưng, với cục diện chung, có thể khẳng định rằng, mùa này, những cuộc bán mua đã bớt nóng và ảo đi rất nhiều. Giờ là lúc các ông bầu vốn tiêu những đồng tiền mà phải rất khó khăn mới có được phải nghĩ đến chuyện căn cơ.

Bongdaplus.vn