Bong da

bong-da-trong-nuoc

Bình luận: Phải biết rõ luật chơi

Cập nhật: 09/12/2011 14:15 | 0

Từ Samson đến Sunday là những câu chuyện liên quan đến sự zích zắc trên TTCN. Nó phản ánh sự thiếu chuyên nghiệp của một số cầu thủ ngoại. Đi liền với nó, người ta thấy những toan tính, mánh lới của một số nhà môi giới.




Ngày Samson vừa là người của HN T&T, người ta loáng thoáng nghe thông tin anh sẽ đến Tây Ban Nha thi đấu. Nhiều người bảo, đó là “chuyện cá tháng Tư”. Đùng một cái, anh này được CLB nổi tiếng Atletico Madrid ký hợp đồng rồi sau đem cho CLB Sporting Braga mượn.

Khi hay tin ấy, dư luận Việt Nam đã thực sự nổi sóng. Người thì cả mừng cho tầm vóc của V.League. Rằng, giải đấu của chúng ta đã trở thành bệ phóng cho những cầu thủ có đủ phẩm chất thi đấu ở châu Au. Mừng lắm chứ! Sự kiện này phải được coi là một cột lịch sử quan trọng trong hành trình hội nhập của bóng đá Việt Nam.

Người khác lại bảo, việc đăng ký Samson trong màu áo Atletico Madrid rồi được cho mượn thực chất là một chuỗi “đánh bóng mặt hàng” mà thôi. Cái đích cuối cùng mà “một tổ hợp người” mong muốn chính là túi tiền của bầu Hiển. Muốn giữ chân hảo thủ, ông Hiển phải chơi đẹp. Bản chất vấn đề chính là tiền.

Kịch bản và những chiêu thức cũ lại được áp dụng vào trường hợp của chân sút Sunday, người đang thuộc quyền sở hữu của CLB Thanh Hóa. Đáng nói hơn, những người đạo diễn cho vụ “lật kèo” của Samson dường như cũng đứng sau Sunday.

Sẽ rất mừng nếu tiền đạo Sunday đủ sức thi đấu tại Bồ Đào Nha, dưới trướng của HLV Calisto. Càng mừng hơn nếu anh tỏa sáng, bởi khi ấy, người ta sẽ phải tìm hiểu xem V.League là giải đấu như thế nào? Thế nhưng, cái niềm vui chung ấy lại khiến lãnh đạo CLB Thanh Hóa như ngồi trên lửa. Họ luôn tin Sunday sẽ đồng hành với mình trong mùa giải được dự báo rất nhiều khó khăn. Nếu anh ra đi, Thanh Hóa vừa mất người giỏi, lại mất tiếng. Bởi khi ấy, dư luận sẽ tự hỏi rằng, phải chăng những người có trách nhiệm ở đội bóng đã được “cái gì đó” nên mới để Sunday ra đi mà không cần quan tâm đến vận mệnh đội bóng.

Đằng sau những ồn ào và toan tính kể trên là nỗi thất vọng về thái độ ứng xử của những cầu thủ tưởng chừng là hình mẫu của sự chuyên nghiệp. Dường như, họ không hề quan tâm đến những gì đã cam kết và bằng mọi cách để lấy được thật nhiều tiền từ các đội bóng. Và cả những nhà môi giới nữa, họ coi chuyện làm ăn “hai mang” là điều hết sức bình thường trong bóng đá.

Thực ra, từ khi tiếp cận với những yếu tố ngoại, bóng đá Việt Nam luôn trông đợi ở họ phẩm chất chuyên nghiệp. Thậm chí, nhiều người còn hy vọng, các cầu thủ ngoại bằng những phẩm chất đặc biệt của mình sẽ trở thành tấm gương để các cầu thủ nội soi vào. Thế nhưng, không ít cầu thủ ngoại cùng các nhà môi giới vốn có thừa sự lọc lõi và toan tính đang làm cho TTCN ngày càng trở nên phức tạp.

Thật khó để kêu gọi các nhà môi giới phải tôn trọng những gì mình đã cam kết, bởi thực tế, họ coi TTCN là cơ hội để kiếm càng nhiều tiền càng tốt. Muốn tự bảo vệ mình, không còn cách nào khác, các đội bóng phải tự trang bị cho mình những vũ khí cần thiết. Họ phải nắm chắc luật và có đủ sự tỉnh táo để bảo vệ quyền lợi của mình chứ đừng vội vàng nghiêng ngả trước đòn gió của các nhà môi giới. Bởi xét cho cùng, nếu các đội bóng đúng và biết sử dụng luật thì không việc gì phải sợ mất người!

Bongdaplus.vn