1. Chẳng lo lắng khi một ngày trở thành thất nghiệp, không ít HLV tự biến mình thành những Lã Vọng kiên nhẫn chờ thời. Họ chờ một ngày được phục vụ dưới trướng của “minh quân”. Họ sẽ có môi trường làm việc tốt nhất, chế độ đãi ngộ hậu hĩnh sau khi các đội bóng “trảm tướng” và buộc lòng phải thỏa hiệp với người mới.
Có lẽ vì điều đó mà bóng đá Việt Nam đã xuất hiện khái niệm “người thất nghiệp vĩ đại”. Gọi là vĩ đại là bởi, dù ngồi chơi xơi nước nhưng một số nhà cầm quân không hề cảm thấy lo lắng. Thậm chí, họ còn coi đó là cơ hội để quảng bá và nâng cao giá trị bản thân. Một số nhà cầm quân còn biến mình thành những “thợ săn” lão luyện. Khi ấy, chính các ông chủ, những người thường tự hào về sự lạnh lùng và hào phóng của mình bỗng chốc bị biến thành “con mồi”. Thậm chí, nhiều ông chủ bị dẫn dụ đến một cuộc đấu mà nhà quan sát không ai khác chính là vị HLV đang thất nghiệp.
2. Cách đây vài ngày, có thông tin HLV Lê Thụy Hải đã đạt được những thỏa thuận ban đầu với V.HP. Thế nhưng, chỉ một ngày sau khi thông tin đó được nội bộ đội bóng đất Cảng phát đi, người ta đã thấy “lão thợ săn” Lê Thụy Hải đăng đàn phủ nhận. Chợt nhận ra, thông điệp mà ông Hải muốn chuyển tải không gì khác là loan báo rằng, “giá của tôi không hề rẻ”. Thì đúng là ông Hải luôn đắt hàng. Khi các HLV vẫn đang hưởng mức lương 20-30 triệu đồng/tháng thì ông đã đòi Thể Công đến tận 5.000 USD/tháng. Không lâu sau đó, dù thất sủng tại Ninh Bình song nhà cầm quân này vẫn yêu cầu Thanh Hóa trả số tiền lót tay lên tới 2 tỷ đồng cho 2 năm hợp đồng cùng mức lương 100 triệu đồng/tháng. Và, trước một V.HP vốn đang khát “tướng tài” thì hiển nhiên, giá của ông Hải không hề rẻ, không muốn nói là rất… chát. Chẳng thế mà khi nghe xong ý kiến của bộ phận tham mưu, lãnh đạo đội bóng đã giật đùng đùng và cho rằng, “đòi hỏi như thế là quá đáng”.
Có thể, V.HP hay một số đội bóng sẽ choáng khi nhận được những yêu cầu về chế độ đãi ngộ của HLV. Thậm chí, họ có thể từ chối vì cho rằng, bạo chi lúc này là bất hợp lý. Nhưng có một điều, người bị từ chối chẳng lấy làm buồn, bởi họ tin rằng, “vắng mợ thì chợ vẫn đông”, không có ông chủ này thì ắt có ông bầu khác hào phóng hơn. 3. Vòng quay khắc nghiệt của bóng đá và cả cung cách quản lý đôi khi thiếu kiên nhẫn của các ông bầu đã đẩy những HLV có năng lực vào thế “được lựa chọn”. Họ hiểu giá trị của mình. Họ biết một ngày không xa, các ông chủ sẽ phải cần đến mình, và đó là cơ hội để các HLV có dịp được đòi hỏi quyền lợi.
Tất nhiên, trong một môi trường đầy áp lực, các HLV có quyền được lựa chọn, được sống cho bản thân mình. Thực tế là trong một số trường hợp, một số HLV còn tiếp xúc với nhiều đội bóng, đưa các ông chủ lên bàn cân nhằm tìm ra phương án tốt nhất cho mình. Thậm chí, chế độ đãi ngộ mà đội bóng này đề nghị lại được coi là chiêu bài để nắn gân đội bóng khác. Quyết định cuối cùng chỉ có khi các HLV được đáp ứng một cách tối đa về điều kiện tài chính cũng như môi trường làm việc.
Bongdaplus.vn