Bình luận: Cơm, áo, gạo, tiền và… bóng đá
Các cụ ta cũng có câu “gái có công thì chồng không phụ”! Hiểu nôm na và giải thích rộng ra là “cứ cống hiến, làm việc hết mình đi, bạn sẽ được đền đáp!”.
Mấy ngày nay, người ta đôn đáo đi tìm chiếc vé xem trận bán kết lượt về AFF Suzuki Cup 2014 trên sân Mỹ Đình vào ngày 11/12. Cũng có ý kiến ra vào về giá vé, nhưng tựu trung ai cũng muốn có chỗ ngồi tử tế, xem thoải mái và “giá cả lúc này không quá quan trọng!”. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng sự thật lại như vậy.
Đúng là nếu phải bỏ 3-4 trăm ngàn ra để mua chiếc vé xem một trận bóng đá trong thời buổi kinh tế khó khăn thật không đơn giản. Thế nhưng, cách đây không lâu cơn sốt “U19 Việt Nam” và nay là ĐT Việt Nam trên sân Mỹ Đình khiến những người làm nghề “có dính tý bóng đá” liêu xiêu. Nào là người thân muốn xem “trận cầu lịch sử”, nào là bạn bè “nhờ vả tý mà”… Có muôn vàn lý do để không thể từ chối nổi.
Phải nói thật, những người làm nghề “dính tý bóng đá” không phải lúc nào cũng rơi vào hoàn cảnh được “nhờ vả tý mà” như vậy, nếu không nói là hãn hữu lắm! Tại sao? Câu trả lời đơn giản là bóng đá nước nhà từng gieo vào NHM những nỗi sầu không nhỏ và để kéo họ trở lại với sân bóng là một sự kỳ công.
Nay thì nhiều người đã gọi điện nhờ mua vé hộ trước cả chục ngày! Người chọn loại mệnh giá cao nhất không nhiều, nhưng “cứ 2 trăm rưởi, 3 trăm ngàn/1 vé là OK!”.
Hỡi các tuyển thủ nói riêng và các cầu thủ Việt Nam nói chung, cứ đá bóng hết mình vì màu cờ sắc áo đi, người hâm mộ không phụ các bạn đâu!