Bong da

bong-da-trong-nuoc

Bạo lực sân cỏ - biết rồi, khổ lắm, vẫn phải nói!

Cập nhật: 02/02/2012 13:15 | 0

Lại là một câu chuyện không mới nhưng người ta cứ phải nói hoài, đó là nạn bạo lực trên các sân cỏ Việt Nam. Vấn đề trở nên nóng bỏng hơn khi tứ kết Cúp Quốc gia vừa qua, có ít nhất 2 trận đấu trở thành điểm nóng với những chiếc thẻ đỏ và những màn loạn đả.





GIẢI MÃ?
Ở trên sân Vinh, SLNA đã vào cuộc với thái độ cực kỳ căng thẳng, đá sống mái khi gặp Vissai Ninh Bình. Chẳng phải tự nhiên mà trận đấu ấy lại nóng như vậy. Và cũng không vội tin ngay lý do mà HLV Hữu Thắng đưa ra: “Cúp Quốc gia càng lúc càng trở nên có giá hơn” để lý giải việc hai đội nhập cuộc với thái độ quyết liệt còn hơn cả đá ở Super League. Lãnh đạo hai đội bóng này khá thân nhau và khi mối thâm giao bị vỡ thì xua quân “chiến đấu”.

Trên sân Thống Nhất, mọi việc diễn ra theo một mô típ khác. Trận đấu chỉ trở nên căng thẳng khi Thanh Hóa bị lật ngược thế cờ. Vở kịch nóng nẩy ấy được giới thạo tin rỉ tai nhau (tất nhiên là tính chính xác của thông tin bên lề này vẫn là dấu hỏi): “Vài cầu thủ Thanh Hóa mượn đối phương làm nền cho những bất mãn âm ỉ từ chính trong lòng đội bóng”.

Tuy nhiên, có một điều phải khẳng định là vì lý do nào chăng nữa thì sự việc đã diễn ra theo cái cách bạo lực mà chẳng khán giả hâm mộ bóng đá chân chính nào mong muốn. Và lúc này chưa hẳn đã cần giải mã vấn đề bạo lực (vốn đã mổ xẻ nhiều) mà cần phải lên án nó.

VẤN NẠN BÙNG PHÁT
Xin được trở lại thời điểm cách đây khoảng 10 năm. Đến bây giờ tôi còn nhớ như in những hình ảnh mà mình xem trực tiếp trên sân khi SLNA đến sân Thống Nhất gặp CA TPHCM. Bên kia sân, Huy Hoàng, Văn Lưu làm chùn chân các tiền đạo CA TPHCM với những pha đeo bám rất rát thì bên này sân Hồng Hải, Ngọc Đài biểu diễn những màn cắt kéo khủng bố tinh thần 2 cầu thủ ngoại được xem là đáng gờm nhất của SLNA khi ấy là Enock Kyembe và Iddi Batambuze.

Xét về tính chất quyết liệt của một trận cầu căng thẳng, đỉnh cao khi ấy so với bây giờ, người ta thấy có nhiều điểm tương đồng. Cái sự tương đồng rất chán và đáng bị lên án, bởi, khi xã hội đã đầu tư rất nhiều tiền, bóng đá đã lên chuyên, trình độ đã cải thiện rất nhiều thì người ta trông chờ vào thứ bóng đá giàu mỹ cảm và nhân văn hơn. Không ai muốn chạy một vòng, bóng đá lại trở về với thói quen rất cũ, rất xấu và làm biến dạng sự cao cả của môn thể thao Vua.

Có một thực tế rằng, tốc độ, tính chất các trận đấu hiện tại nhanh hơn, quyết liệt hơn và được các phương tiện truyền thống chú ý hơn. Như một lẽ đương nhiên, nhanh hơn cũng kéo theo va chạm dễ chấn thương hơn. Các pha vào bóng hiện tại gây cho người ta có cảm giác các đội đá rát, đá “gấu” hơn. Quyết liệt hơn và được các phương tiện truyền thống chú ý hơn nên bất kỳ sự kiện căng thẳng nào là lập tức được phản ánh kịp thời… Nhưng nói thế không có nghĩa là đồng cảm, thậm chí coi bạo lực sân cỏ là một phần tất yếu của bóng đá.  Hay nói cách khác, vấn đề ở đây chính là khi bóng đá đi lên chuyên nghiệp theo hướng chuyên môn tốt hơn thì cũng đòi hỏi nạn bạo lực sân cỏ cần phải giảm để đảm bảo chất lượng thưởng thức trận đấu nâng lên theo.

NHỮNG ĐỘI BÓNG NHẬN NHIỀU THẺ PHẠT NHẤT
V.League 2009: QK4: 84 thẻ vàng - 9 thẻ đỏ
V.League 2010:  
   Nhiều thẻ vàng nhất: V.HP: 82 thẻ vàng
   Nhiều thẻ đỏ nhất: M.NĐ: 7 thẻ đỏ
V.League 2011:
   Nhiều thẻ đỏ nhất: HP.HN: 9 thẻ đỏ
   Nhiều thẻ vàng nhất: K.KH: 67 thẻ vàng

NGƯỜI TRONG CUỘC NÓI VỀ TÌNH TRẠNG BẠO LỰC LEO THANG:

HLV TRIỆU QUANG HÀ (THANH HÓA): SLNA vốn nổi tiếng với lối đá rắn. Thời tôi còn là cầu thủ cũng đã từng đối đầu với đội bóng này. Tôi cũng chưa thể quên tình huống Phi Hùng vào bóng với tôi, có thể nói là hệt như Huy Hoàng vào bóng với Samson. Mỗi đội bóng luôn chọn cho mình lối chơi riêng và SLNA luôn thể hiện được sự quyết tâm, nỗ lực trong từng trận đấu. Đó là điểm đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát, lối đá ấy sẽ trở nên phi thể thao, mang tính triệt hạ. Đôi chân chính là tài sản lớn nhất của đời cầu thủ nên cần phải được bảo vệ.

HLV NGUYỄN VĂN SỸ (V.NB):
Tôi không phản đối lối chơi máu lửa và quyết liệt. Thậm chí, tôi còn mong các cầu thủ của mình luôn ra sân với tinh thần ấy. Tuy nhiên, giữa lối chơi quyết liệt và thô bạo có một ranh giới khá mong manh. Nếu các cầu thủ vào sân quá “say” và không tỉnh táo sẽ dẫn tới những pha bóng thô bạo.  SLNA là một trong số những đội bóng có lối chơi quyết liệt nhưng một số cầu thủ vẫn chưa kiểm soát được mình. Bóng đá đang ngày một chuyên nghiệp và chúng ta cần phải quyết liệt loại bỏ những pha bóng mang tính bạo lực, triệt hạ đối phương. Tôi nghĩ, không chỉ riêng tôi mà còn rất nhiều người lên án lối chơi phi thể thao.

HLV PHAN THANH HÙNG (HN.T&T): Tôi không lạ gì SLNA và lối đá rắn, chặt chẽ của đội bóng này. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với lối đá có phần thô bạo đó. Điển hình như trận đấu mới đây giữa SLNA và HN.T&T trên sân Vinh. Đây chỉ là một trận đấu bình thường nhưng các cầu thủ SLNA lại chơi quá rắn, hệt như một trận “chung kết”. Ý của tôi ở đây là nói đến tính chất của trận đấu. Đời cầu thủ rất ngắn và chúng ta cần phải bảo vệ đôi chân của họ. Đừng để những cái đầu nóng phá hỏng sân chơi đang ngày một chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam.

* Xem thêm








Bongdaplus.vn