World Cup diễn ra vào giữa trưa là “vô nhân tính”
Lần cuối cùng một kỳ World Cup được tổ chức ở Nam Mỹ là vào năm 1978 (Argentina). Từ đó tới nay, thế giới đã chứng kiến quá nhiều thay đổi. Bây giờ, nói theo kiểu tâm lý học, thì khoảng cách giữa các quốc gia đã bị thu hẹp đáng kể. Và bây giờ, vượt Đại Tây Dương không còn là một hành trình marathon như thời điểm cách đây mấy chục năm nữa.
Tuy nhiên, nói về khí hậu, đây sẽ là kỳ World Cup khắc nghiệt nhất với các vị khách châu Âu. Tháng 6 và tháng 7 ở Nam Mỹ rơi vào mùa Đông, nên khi World Cup diễn ra, thời tiết ở Uruguay (1930), Chile (1962) và Argentina (1978) là rất mát mẻ, thậm chí lạnh. Thời tiết ở Rio de Janeiro và Sao Paulo, hai thành phố đăng cai phần lớn các trận đấu ở World Cup 1950, cũng rất dễ chịu.
Nhưng 64 năm sau, Rio và Sao Paulo, đều thuộc khu vực Đông Nam, không còn là sân khấu chính nữa. Một phần ba số trận đấu sẽ diễn ra ở Đông Bắc, tại các thành phố Salvador, Fortaleza, Natal và Recife. Đây là khu vực không bị ảnh hưởng bởi mùa Đông, tương tự như Manaus ở phía Bắc và Cuiaba ở phía Tây (hai thành phố đăng cai khác). Nhiệt độ khi diễn ra các trận đấu ở đây sẽ tương tự ở Mexico (1970, 1986) và Mỹ (1994). Nghĩa là đá bóng mà giống như đi... xông hơi!
Để cho vấn đề thêm tồi tệ, FIFA còn quyết định các trận đấu phải diễn ra trên 3 mốc giờ khác nhau, và cả 3 mốc giờ này đều phải phù hợp với lịch sinh hoạt của khán giả truyền hình châu Âu. Cách duy nhất để đáp ứng được các yêu cầu này là phải đẩy giờ các trận đấu lên sớm hơn. Điều này dẫn tới việc có tới 24 trận đấu ở World Cup lần này diễn ra vào lúc 13h giờ địa phương.
ĐT Đức phải đá 2 trận vào giữa trưa
Ở các SVĐ thuộc khu vực phía Nam và Đông Nam, đây không phải là vấn đề. Nhưng ở phía Đông Bắc, thì giờ thi đấu này lại trở thành một nỗi ám ảnh. Ngay cả người địa phương cũng không tin nổi là người ta có thể đá bóng vào lúc 13h. Khi tôi hỏi các cầu thủ và HLV bản địa về việc các trận đấu diễn ra vào giờ ăn trưa ở Đông Bắc, hầu như tất cả đều có chung câu trả lời: Vô nhân tính.
Đức và Italia sẽ là những đội chịu nhiều thiệt thòi nhất từ hành động “vô nhân tính” này. Cả hai đều phải chơi tới 2 trận vào lúc 13h trưa ở vùng Đông Bắc; với Đức là 2 trận đấu ở Salvador và Recife, còn với Italia là 2 trận đấu ở Recife và Natal. Với lịch thi đấu này, kể cả khi vào được vòng knock-out, cả Đức và Italia cũng khó mà thể hiện được hết khả năng. Thể lực của các cầu thủ chắc chắn sẽ bị bào mòn bởi điều kiện khắc nghiệt như thế.
Italia hiểu điều này hơn ai hết. Trong trận chung kết với Brazil ở World Cup 1994, tiền vệ Donadoni thậm chí còn tuyên bố với tình trạng thể lực và điều kiện thời tiết lúc ấy, nếu các cầu thủ phải di chuyển sang phần sân của đối phương, họ sẽ không có sức mà chạy về. Trận ấy, người chơi hay nhất là đội trưởng Baresi, nhờ được nghỉ phần lớn thời gian trước đó vì... chấn thương!
Argentina may mắn với thời tiết
Không chỉ rơi vào bảng đấu tương đối dễ với 3 đối thủ Bosnia, Iran và Nigeria, ĐT Argentina được xem là “ông lớn” gặp may nhất với lễ bốc thăm bởi họ không phải đối mặt với khí hậu khắc nghiệt vùng Đông Bắc Brazil. Đây sẽ là thuận lợi rất lớn cho Lionel Messi và đồng đội kể từ vòng 1/8 trở đi.