Bong da

Quốc tế

Vũng lầy của Brazil

Cập nhật: 30/06/2014 00:28 | 0

Brazil không có một chân sút cự phách, không có một hàng tiền vệ mạnh để làm sức bật cho Neymar, không có luôn phương án dự phòng khi trận đấu bế tắc. Nhưng rốt cục họ vẫn còn có một Julio Cesar tài ba trong khung gỗ, một cầu thủ còn sót lại của triều đại Carlos Dunga.

 

Vì quá chán nản với lối chơi quá ư thực dụng của Brazil thời Dunga, LĐBĐ Brazil (CBF) sa thải nhà cầm quân này và mời về Mano Menezes với hy vọng vực dậy lối đá sexy. Menezes thất bại thê thảm từ Olympic cho đến Copa America. Không còn cách nào khác, CBF phải sa thải Menezes và thuê Filipe Scolari, cũng là một người theo trường phái thực dụng.

 

Trợ lý của Scolari chính là Carlos Alberto Parreira, người từng giúp Brazil vô địch World Cup 1994 với lối chơi thậm chí còn... thực dụng hơn cả Scolari. Dunga chính là thủ quân của đội hình Brazil vô địch World Cup năm ấy. Nghĩa là CBF sa thải Dunga chỉ để thuê lại những... sư phụ thực dụng còn hơn cả Dunga.

 

Nhưng nếu như World Cup 1994 Brazil có bộ đôi Romario - Bebeto siêu quần, World Cup 2002 Brazil có một Ronaldo hay hơn tất cả thì bây giờ, Brazil chỉ có một Fred quá ư tầm thường trên tuyến đầu. Với trình độ ấy thậm chí Fred còn khó lòng khoác áo đội tuyển Anh, Croatia chứ đừng nói là đội tuyển Brazil. Ấy vậy mà Scolari vẫn không còn cách nào khác ngoài việc phải đánh cược với Fred.

 

Vũng lầy của Brazil - 1

Đường đến Maracana còn xa

 

Đến khi thấy Fred hoàn toàn không có triển vọng ghi bàn, Scolari tung Jo vào sân, một cái tên cũng tệ không kém. Trong gần 1 giờ đồng hồ có mặt trên sân, đóng góp của Jo cho tuyến tấn công của Brazil là con số 0.

 

Tuyến tiền vệ của Brazil trận này cũng chơi quá tồi. Oscar tắt điện hoàn toàn trong khi bộ đôi Luiz Gustavo - Fernandinho gần như không giúp ích được gì cho tuyến tấn công. Tỷ lệ chuyền bóng chính xác của Brazil trận này là chưa đến 70%, thấp nhất trong số các trận đấu của họ kể từ World Cup 1966, một con số thống kê thảm hại.

 

Bàn thắng của Brazil trong hiệp chính đến từ một pha phản lưới nhà, xà ngang cứu thua cho họ trong một tình huống cuối hiệp phụ thứ 2. Nghĩa là trong một trận đấu mà Brazil đã thua sút đối phương về mọi mặt thì họ vẫn còn may mắn song hành cùng mình. Đến loạt sút luân lưu thì họ có thêm vị thần hộ mệnh Julio Cesar nữa.

 

Một mình Cesar cản phá 2 quả phạt đền trong bối cảnh chính các đồng đội của anh đã run rẩy khi đứng trước chấm 11 mét. Ở đây cần phải nói là Brazil cũng mất chất ngay trong cách sút luân lưu, vốn được xem là thế mạnh của họ so với các đội tuyển quốc gia khác.

 

Hulk và Willian đá hỏng trong khi cú sút của Marcelo suýt nữa bị Claudio Bravo đẩy được. Không có Cesar xuất thần, Brazil đã phải nhận một thảm kịch khủng khiếp.

 

Nhìn Brazil đá, có lẽ chính các CĐV đang cảm thấy nhớ Dunga. Trước khi bất ngờ bị Hà Lan loại ở tứ kết World Cup 2010, một tai nạn mà các nhà chuyên môn không tài nào giải thích nổi, Brazil của Dunga chơi thực dụng nhưng hiệu quả vô cùng, chứ không hề phập phù và vô hồn như điệu samba lỗi nhịp của Scolari. Đây có thể xem là vũng lầy của bóng đá Brazil, họ sa thải Dunga để rồi quay lại chính vũng lầy mà mình vừa thoát ra.

Với cách chơi này, mỗi trận đấu tiếp theo của Brazil tại giải có thể sẽ là một màn “tra tấn” về mặt tinh thần cho các CĐV của họ. Đường đến chức vô địch của đội chủ nhà vẫn còn rất mịt mù.

 

 

 

(bóng đá 24h)