Bong da

Quốc tế

Trên đỉnh phù du

Cập nhật: 16/10/2014 06:57 | 0

Tuyển Đức thi đấu như những kẻ mộng du ở vòng loại EURO 2016, nên mới bẽ mặt trước các đội đàn em như Ba Lan hay CH Ireland. Bao giờ, Mannschaft mới hết trò “đu dây điện”?

Trên đỉnh phù du
Trên đỉnh phù du
Tất nhiên, sẽ không ai xem việc tuyển Đức vượt qua vòng loại EURO là thành quả, dù hiện tại đây là mục tiêu nghiêm túc và không hẳn dễ dàng như thầy trò Joachim Loew đã nghĩ. Đức không được phép “đùa giỡn” với chính mình và với các đối thủ, vì phía trước qua mỗi trận đấu sẽ là mỗi khó khăn nhiều hơn, thách thức lớn hơn. Khi chạm trán với đội ĐKVĐTG, không chỉ Scotland, Ba Lan hay CH Ireland mà mọi đội bóng khác đều sẽ thi đấu tự tin, quyết liệt, dùng khát vọng cùng nỗ lực và hy vọng may mắn sẽ giúp họ tạo ra cơn địa chấn trước một Mannschaft đầy kiêu hãnh nhưng dễ tổn thương.

Khi kém may mắn, Đức thủng lưới 4 bàn trước Scotland, Ba Lan, Ireland trong hoàn cảnh khó tin: 3 đội kể trên đạt hiệu suất bàn thắng/số pha dứt điểm trúng mục tiêu là hơn 50%! Trong khi đó, một đội tầm cỡ đứng đầu thế giới như Đức chỉ đạt tỷ lệ bàn thắng/cú sút là 3,89%. Vận rủi rõ ràng đang “kết mô đen” Mannschaft, nhưng không thể nói là kém may mắn khi toàn bộ 9 bàn thua gần nhất của Đức ở các trận chính thức đều diễn ra trong hiệp 2. Nghĩa là, gần như Mannschaft chỉ đá nửa trận, nửa còn lại coi như vứt. Muốn thành công, Đức phải giải quyết trận đấu từ 45 phút đầu tiên.

Mọi chuyện không đơn giản như thế, khi CH Ireland vừa giành 1 điểm quý báu trên sân của Đức nhờ bàn thắng của John O’Shea ở phút bù giờ cuối trận. Đức cũng không phải là đội bóng như thế trong quá khứ, khi cả thế giới nhớ lại và ngưỡng mộ Mannschaft với truyền thống lội ngược dòng đầy ngoạn mục thay vì bị “gậy ông đập lưng ông” như hiện tại. Đức bị Hungary dẫn 2-0, thắng ngược 3-2 ở chung kết World Cup 1954. Ở chung kết cúp thế giới 1986, Đức cũng gỡ 2-2 sau khi bị Argentina dẫn 2-0 đến tận phút 74.


Có vẻ người Đức thích hợp với vai trò của kẻ đi săn hơn là kẻ bị săn đuổi. Lý do rất đơn giản là khi không chịu áp lực lớn sẽ dễ thành công hơn. Chính vì vậy, cần xem lại khái niệm tuyển Đức thần kinh thép, bản lĩnh kiên cường nhất là trong những trận đánh lớn nhất. 

Nên nhớ, Đức là đội thất bại nhiều lần nhất ở chung kết World Cup (4 lần) và EURO (3 lần). Khi lọt vào chung kết EURO hay World Cup, tỷ lệ thất bại của Mannschaft không dưới 50%! Italia, Brazil và Đức là 3 đội tuyển giàu thành tích nhất trong bóng đá, nếu so sánh với Selecao và Squadra Azzurri thì Mannschaft phải thẹn thùng. Italia 6 lần vào chung kết World Cup thì thắng 4, tỷ lệ thất bại chỉ 33%. Brazil thậm chí còn xuất sắc hơn, vào chung kết World Cup 6 lần và thắng đến 5! 

Đức 7 lần vô địch giải lớn nhưng chỉ 1 lần vô địch liên tiếp 2 giải lớn, là EURO 1972 và World Cup 1974. Thành công tột đỉnh trong bóng đá cũng phù du như kiếp người, nghĩa là chóng qua khó trở lại. Đừng quên sau 18 năm, Đức mới vô địch giải lớn. Trước thành công ở World Cup 2014, Mannschaft đã nếm trải cay đắng ở các giải lớn từ World Cup 1998 đến EURO 2012. 

Đó là lý do vì sao mọi người xem Tây Ban Nha (vô địch 3 giải lớn liên tiếp từ 2008 đến 2012) là đội tuyển vĩ đại nhất trong lịch sử. Thành công kéo dài không chỉ cần thực lực, may mắn mà còn cần nỗ lực, khát vọng, sự kiên định, lòng dũng cảm và quyết tâm cao độ. Vào lúc này, Mannschaft chưa chứng tỏ được những phẩm chất quan trọng ấy. 


(báo bóng đá)