Rooney sắp cán mốc 100 trận cho Tam Sư: Sự bất công với một tượng đài
TƯỢNG ĐÀI KHÔNG ĐƯỢC CÔNG NHẬN
Ngày 12/02/2003, Wayne Rooney ngồi dự bị trong trận giao hữu giữa ĐT Anh và Australia tại London. Trước trận đấu đó, Australia đã 15 tháng không đá trận nào. Trước đối thủ yếu như vậy mà 11 cầu thủ đội A của Sven Goran Eriksson chơi như những kẻ mất hồn. Họ để thua 2 bàn trong hiệp 1 bởi các pha lập công của Popovic và Kewell. Quá tức giận, Eriksson thay cả 11 cầu thủ sau giờ nghỉ. Trong đó, Rooney được tung vào sân thay Michael Owen. Đó là ngày Rooney ra mắt Tam sư. “Tôi nhớ cậu ấy có gương mặt búng ra sữa nhưng có sự tự tin khủng khiếp”, cựu tuyển thủ Danny Mills, người cũng được vào sân hiệp 2 ở trận gặp Australia nhớ lại.
Thế nhưng trận đầu tiên của Rooney với tuyển Anh lại kết thúc với thất bại 1-3. Đó như tín hiệu báo hiệu một sự nghiệp quốc tế không mấy suôn sẻ cho chân sút khi ấy đang khoác áo Everton. Ngoại trừ EURO 2004 tỏa sáng rực rỡ, Rooney mất tích ở tất cả những giải đấu lớn cùng Tam sư. Anh nhận thẻ đỏ ở World Cup 2006 và bị cho là tội đồ khiến Anh bị loại ở tứ kết. Anh vắng mặt ở EURO 2008, mờ nhạt ở World Cup 2010, không được dự 2 trận đầu vòng bảng EURO 2012 và gần nhất là tiếp tục chơi kém ở World Cup 2014. Kể từ sau khi ghi 4 bàn ở EURO 2004, Rooney chỉ ghi được thêm đúng 2 bàn nữa ở VCK các giải đấu lớn (1 bàn vào lưới Ukraine ở EURO 2012 và 1 bàn trước Uruguay ở World Cup 2014).
Người ta cũng tính được rằng trong 43 bàn của Rooney cho Tam sư, chỉ có 5 bàn mang về chiến thắng, 4 bàn mang lại một kết quả hòa và có tới… 34 bàn chẳng mang ý nghĩa gì.
Rooney thường xuyên mờ nhạt khi Tam sư cần anh nhất. Và đó là lý do trước cột mốc thứ 100 của anh, rất nhiều chuyên gia, trong đó có Alan Shearer cho rằng Rooney chỉ hay, chứ không xứng đáng là huyền thoại. Theo họ, đặt Wayne Rooney bên cạnh Bobby Charlton, người giúp Anh vô địch World Cup 1966, hay cạnh Gary Lineker, người là Vua phá lưới Mexico 1986, đều thực sự là điều lố bịch.
CÁNH ÉN LẺ LOI
Nhưng sẽ là bất công nếu vì thế mà coi Rooney không xứng đáng là tượng đài, ít nhất là trong lịch sử ĐT Anh. Vì sao?
Đầu tiên là vì sự bền bỉ đáng kinh ngạc của Rooney. Thông thường, một cầu thủ chỉ chơi bóng với phong độ đỉnh cao 4-5 năm liên tiếp. Với Rooney, anh luôn ở đẳng cấp cao nhất từ gần 1 thập kỷ nay. Sẽ cực kỳ khó khăn để duy trì được sự bền bỉ như Rooney. Đó là phẩm chất chỉ có ở những cầu thủ lớn. Nên nhớ, Theo Walcott, Jack Wilshere cũng nổi lên từ rất sớm. Nhưng đến giờ vẫn chỉ được coi là “tài năng trẻ”. Cả hai đều không trưởng thành và có được sự bền bỉ như Rooney.
Kế đến, việc Rooney chơi kém ở những giải đấu lớn không phải tại mình anh. Để tỏa sáng ở sân chơi EURO hay World Cup, Rooney cần sự hỗ trợ của những đồng đội giỏi. Bobby Charlton không thể một mình đưa ĐT Anh tới chức vô địch World Cup 1966, mà xung quanh huyền thoại này còn có những siêu sao như Gordon Banks, Bobby Moore, Jimmy Greaves và Geoff Hurst. Để trở thành Vua phá lưới World Cup 1986, Gary Lineker cần những vệ tinh xuất sắc như Glenn Hoddle hay Bryan Robson. Còn Rooney có ai? Frank Lampard, Steven Gerrard và Ashley Cole vẫn bị người Anh coi là “thế hệ mất tích”. Và khi những cái tên ấy sa sút, gần như một mình Rooney gánh cả Tam sư. Bởi vậy, đừng hỏi vì sao anh không tỏa sáng?
Cuối cùng, hãy nói đến hiệu suất ghi bàn của Rooney. Charlton cần 193 phút để ghi 1 bàn cho Tam sư. Trong khi con số tương tự của Rooney là 172 phút/bàn. Mà rõ ràng, ghi bàn bây giờ khó hơn 50 năm trước rất nhiều.
Vì tất cả, nếu những ai còn nghi ngờ sự vĩ đại của Rooney, thì đó là sự bất công khủng khiếp đối với anh! Vì tất cả, Rooney xứng đáng là một tượng đài của Tam sư!