Robinho theo trào lưu sang Trung Quốc thi đấu: Sức mạnh đồng tiền
CHUYÊN MÔN & THƯƠNG MẠI
Sau khi Guangzhou Evergrande chiêu mộ được ngôi sao Paulinho của Tottenham với giá 15,7 triệu USD, họ lại đón thêm một gương mặt sáng giá khác. Theo tin từ báo South China Morning Post, Robinho sẽ nhận mức lương khủng cho hợp đồng nửa năm, vì HLV Luiz Felipe Scolari của Evergrande muốn có một “ngôi sao có thể tạo nên thương hiệu đẳng cấp cho Evergrande”. Bản thân Scolari cũng chính là một thương hiệu lớn, bởi ông từng giúp ĐT Brazil vô địch thế giới năm 2002 ở Nhật Bản. Danh tiếng của Big Phil ở châu Á đã được kiểm chứng từ lâu, nhưng Scolari còn muốn hơn thế. Những hợp đồng với Robinho và Paulinho nhằm giúp Evergrande hướng tới mục tiêu lần thứ 5 vô địch giải Super League của Trung Quốc. Hiện Evergrande là ĐKVĐ tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Robinho và Paulinho gia nhập một lực lượng Brazil hùng hậu ở Evergrande, trong đó có bản hợp đồng kỷ lục của CSL là cầu thủ 24 tuổi Ricardo Goulart (được mua từ Cruizero với giá 15 triệu euro vào đầu năm nay).
Asamoah Gyan (Shanghai SIPG)
Việc CSL thu hút được những cầu thủ đã hoặc đang khoác áo ĐT Brazil như Robinho, Goulart, Paulinho hay cả Diego Tardelli cho thấy sức hút đáng kể của giải đấu được mệnh danh là “thiên đường mới của bóng đá châu Á”. Marcello Lippi, HLV lừng danh từng dẫn dắt rất thành công Juventus và đã đưa ĐT Italia lên ngôi vô địch World Cup 2006, nói: “Xét về mặt chuyên môn cũng như thương mại, giải CSL đang có sức sống đáng nể”. Chính Lippi cũng từng góp phần làm rạng danh CSL, khi chỉ trong 3 năm (từ 2012 - 2014) ông đã giúp Evergrande 3 lần vô địch Trung Quốc, 1 lần đoạt Cúp QG Trung Quốc và đặc biệt là 1 lần vô địch Champions League châu Á năm 2003. Sau khi Lippi ra đi, Evergrande lập tức tìm cho mình một nhà VĐTG khác, là Scolari!
ĐỒNG TIỀN VẪY GỌI
CSL cũng như MLS (giải Nhà nghề Mỹ) đang thu hút được nhiều ngôi sao chủ yếu nhờ khả năng có thể trả những mức lương lớn. Steven Gerrard và Frank Lampard là 2 cái tên được chú ý hàng đầu ở MLS hiện nay, sau khi cùng chuyển đến từ Premier League. Trước đó và hiện tại, MLS đã có Thierry Henry, David Beckham, David Villa… Những cái tên này cùng với hai huyền thoại người Anh hoàn toàn đủ sức chơi cho những CLB hàng đầu châu Âu nếu muốn, nhưng họ đã quyết định chọn MLS.
Diego Tardelli (Shandong Luneng)
Sắp tới, Wayne Rooney cũng sẽ gia nhập giải đấu này như lời hứa của thủ quân M.U. Mức lương hậu hĩnh (tổng cộng 9 triệu euro trong 1 năm rưỡi, chưa kể khoản thưởng và lót tay) mà Gerrard nhận được ở tuổi 35 là điều mà các CLB hàng đầu châu Âu sẽ không chấp nhận. Nhưng MLS cần những cái tên như Gerrard hay Lampard để nâng tầm trình độ và đánh bóng thương hiệu.
Tương tự, CSL cũng cần những tên tuổi lớn của bóng đá thế giới như Lippi hay Scolari, hay Robinho (cựu ngôi sao của Santos, AC Milan, Real Madrid, Man City). Ngôi sao Tim Cahill đã từ MLS chuyển sang CSL, hợp cùng dàn sao có Paulinho, Robinho, Tardelli, Demba Ba, Mohamed Sissoko... Trước đó, CSL từng có Didier Drogba và Nicolas Anelka, hai trong số những tiền đạo hay nhất thế giới trong thập kỷ qua.
TƯƠNG LAI ĐI VỀ ĐÂU?
Bóng đá Mỹ vẫn chưa cất cánh như mong đợi, kể từ khi Mỹ tổ chức thành công VCK World Cup 1994 và ở giải đó đội tuyển nước này đã gây tiếng vang lớn khi lọt vào giai đoạn knock-out, chỉ thua sát nút 0-1 trước Brazil (đội sau đó trở thành nhà vô địch thế giới). Những nỗ lực của LĐBĐ Mỹ và BTC MLS trong hơn 2 thập kỷ qua rất đáng ghi nhận, nhưng MLS rõ ràng vẫn chưa thể cạnh tranh với các giải nhà nghề khác ở Mỹ như NBA (bóng rổ), NFL (bóng đá kiểu Mỹ), MLB (bóng chày)… Một cầu thủ bóng chày như Giancarlo Stanton có hợp đồng 10 năm trị giá… hơn 320 triệu USD, còn một cầu thủ bóng rổ như LeBron James nhận 25 triệu USD/mùa. Đó là vì thể thao Mỹ có quy định quỹ lương trần, nếu không James có thể nhận lương 75 triệu USD/năm vì các đội bóng rổ tại quốc gia này đủ sức chi trả mức lương cao như thế!
Còn ở giải CSL của Trung Quốc, cơn mưa tiền đổ vào giải đấu này chưa biết sẽ kéo dài bao lâu, bởi vẫn có những mối hoài nghi CSL (giải VĐQG thu hút đông khán giả nhất tại châu Á) sẽ trở lại hiện trạng như trước năm 2009 là tình trạng bán độ liên quan đến trọng tài, cầu thủ, quan chức, chất lượng chuyên môn giảm sút và tình trạng bạo lực gia tăng. Còn nữa, nếu chất lượng của các CLB không đồng đều (ví dụ Evergrande cứ liên tiếp vô địch) thì cũng sẽ dẫn đến sự nhàm chán và kém thu hút. Đây là bài toán khó đối với CSL và bóng đá Trung Quốc.
Guangzhou Evergrande lên như diều gặp gió
Tập đoàn bất động sản Evergrande mua lại Guangzhou Evergrande từ năm 2010, lập tức đưa đội này từ hạng Nhì lên giải VĐQG và thống trị CSL nhiều năm qua. Năm 2012, đội bóng này được rót 135 triệu euro để tăng cường lực lượng. Sở hữu CLB này gồm tập đoàn Evergrande (60% cổ phần) và tập đoàn Alibaba (40%) của tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Jack Ma, người có khối tài sản lên đến 29,7 tỷ USD.
Luật Beckham nâng chất MLS
Giải MLS có luật Cầu thủ đặc biệt hay còn gọi là Luật Beckham. Luật này ra đời sau sự kiện David Beckham đến Mỹ thi đấu cho L.A Galaxy năm 2007 nhằm giúp các CLB chiêu mộ những tên tuổi lớn. Dạng ngôi sao như Beckham (nhận 6,5 triệu euro/mùa trong 5 năm ở LA Galaxy) hay Henry, Gerrard và Lampard nhận mức lương riêng không bị bó buộc bởi quỹ lương trần của toàn đội.