Bong da

Quốc tế

Owen Hargreaves & phóng sự 'tìm hiểu Bayern': Ám ảnh bởi sự kiểm soát

Cập nhật: 08/08/2015 10:57 | 0

Kênh BT Sports vừa có một phóng sự hết sức đặc biệt về Bayern Munich do Owen Hargreaves làm người dẫn chương trình. Trên vai trò là một cựu cầu thủ của Bayern, Hargreaves dẫn chúng ta đến gặp những nhân vật trọng yếu của CLB xứ Bavaria và tìm hiểu xem điều gì đã khiến đội bóng này trở nên đặc biệt.

Owen Hargreaves & phóng sự 'tìm hiểu Bayern': Ám ảnh bởi sự kiểm soát
Owen Hargreaves & phóng sự 'tìm hiểu Bayern': Ám ảnh bởi sự kiểm soát
Và càng dõi theo những cuộc trò chuyện, ta lại càng thấy việc Bayern chọn Pep Guardiola là có chiến lược rất rõ ràng. Không có chuyện Ban lãnh đạo đội bóng này đã chán Pep như mọi người vẫn nghĩ. Ngoài ra, sự ra đi của Bastian Schweinsteiger cũng là điều đã được báo trước từ trước khi mùa bóng kết thúc.

DẠY CẦU THỦ TRẺ CHUYÊN NGHIỆP NGAY TỪ NHỎ
Bây giờ, khi khâu tuyển chọn đã trở thành một ngành khoa học, xác suất một cầu thủ trẻ theo được con đường chuyên nghiệp trở nên lớn hơn rất nhiều. Paul Breitner, cựu tiền vệ của Bayern (giai đoạn 1970-1974 và 1978-1983), cũng là một thành viên trong bộ phận đào tạo tài năng trẻ của Bayern cho biết: “Trong vòng 18 năm qua, đã có 68 người xuất thân từ lò đào tạo của Bayern trở thành cầu thủ chuyên nghiệp và sống được với nghề, không ở Bundesliga thì ở giải hạng Nhì, không ở trong nước thì cũng ngoài nước”.

Đấy là một thực tế rất khác với thời của Hargreaves. Anh nhớ lại: “Thời của tôi, có rất nhiều cầu thủ từ các miền nước Đức đổ về Bayern nhưng nhiều người đã phải thất vọng  về quê. Để có thể trụ lại được Bayern, chúng tôi đã phải hy sinh và cực kỳ bền chí. Tôi từng cùng lứa với Berkant Goktan, mới 17 tuổi đã thi đấu tại Champions League, nhưng rồi anh ta cũng không trụ được với bóng đá đỉnh cao”.

Paul Breitner nói: “Bây giờ chúng tôi hạn chế đến mức tối thiểu những cầu thủ kiểu như vậy. Chúng tôi dạy cho cầu thủ trẻ cách hành xử chuyên nghiệp ngay từ nhỏ. Tuyến trẻ của Bayern đã cung cấp cho đội tuyển Đức 4 cầu thủ trong đội hình chính vô địch thế giới, đấy không phải là chuyện tình cờ”.

Vậy thì Bayern dạy gì cho các cầu thủ? Sự chuyên cần là quan trọng nhất. Hargreaves nói: “Hãy nhìn lại những Philipp (Lahm), Bastian (Schweinsteiger), Thomas (Mueller) hay Toni (Kroos). Họ có điểm chung là sự cầu thị và cần cù. Tài năng cũng cần, nhưng chiếm một phần nhỏ. Bayern cũng dạy cho cầu thủ cách chống chọi lại sức ép, cách chấp nhận nó. Ngày ấy tôi cứ tự đặt ra áp lực cho mình: phải trở thành cầu thủ giỏi nhất bởi tôi lúc nào cũng sợ là mình không đủ tài năng. Nhưng các cầu thủ trẻ của Bayern bây giờ được dạy: việc bạn được Bayern để ý và chiêu mộ đã chứng tỏ bạn có tài rồi. Phần việc còn lại chỉ là thoải mái thể hiện khả năng ấy trên sân tập và trong thi đấu mà thôi”.


LÒ ĐÀO TẠO HIỆU QUẢ
Khởi đầu phóng sự, Hargreaves hỏi thủ quân hiện tại của Bayern, Philipp Lahm:
- Khi còn là một cầu thủ trẻ, đã bao giờ anh tưởng tượng đến những thành tựu mà mình có hiện nay? Trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp, làm thủ quân, liên tục vô địch Bundesliga, giành chức vô địch Champions League và cùng đội tuyển Đức nâng cao chiếc Cúp Vàng Thế giới?

Lahm trả lời:
- Không, tất nhiên là tôi không dám mơ đến tất cả những việc ấy rồi. Tôi gia nhập đội trẻ của Bayern vào năm 1995, khi ấy mới 12 tuổi và mọi thứ đã diễn ra như một giấc mơ vậy. Trở thành cầu thủ chuyên nghiệp là một giấc mơ, lần đầu giành đĩa bạc là một giấc mơ khác, rồi Champions League, rồi làm đội trưởng, rồi vô địch World Cup. Tất cả những điều đó đều không phải là thứ mà tôi có thể lên kế hoạch. 

Nhân vật quan trọng tiếp theo của Bayern là Bjorn Andersson, một cựu cầu thủ Bayern (1974-1977) và là tuyển trạch viên của CLB xứ Bavaria gần 3 thập kỷ qua. Hargreaves hỏi: “Vì sao ông lại chiêu mộ tôi khi tôi mới có 15 tuổi? Ông phát hiện ra điều gì ở tôi ư?” và Bjorn trả lời:

- Rõ ràng là như vậy. Tôi nghĩ cậu là một cầu thủ thú vị, tôi đặc biệt chú ý ở sự điềm tĩnh, tinh thần chiến đấu và tốc độ xử lý bóng của cậu. Lúc ấy tôi nghĩ: “Tại sao không cho cậu nhóc này một cơ hội nhỉ?”. Thế là tôi đề nghị cậu gia nhập Bayern, còn chuyện Owen Hargreaves sau đó đã có một sự nghiệp cầu thủ đáng nhớ thì tôi hoàn toàn không ngờ đến. Lúc ấy chỉ nghĩ: “Ừ thì cho cậu ấy thử xem sao”.

“Sếp” của Bojron Andersson là Michael Tarnat, giám đốc trung tâm đào tạo trẻ của Bayern, cũng là một cựu cầu thủ Bayern giai đoạn 1997-2003. Vị này dắt Hargreaves vào văn phòng của trung tâm đào tạo Bayern, nơi có một “bức tường danh vọng” lưu trữ áo đấu của những cầu thủ từng trưởng thành từ “lò Bayern” như Holger Badstuber, Toni Kroos hay... Hargreaves. Văn phòng này có mô hình giống như một khách sạn với 15 phòng đơn, dành cho các cầu thủ không có nơi ở riêng ở lại. 

Tarnat nói: “David Alaba là người mới nhất từng sống ở nơi này. Anh ta lên đội một khoảng 3 hay 4 năm về trước. Ngoài ra Schweinsteiger cũng từng ở đây. Thật vui khi được quản lý một nơi từng là chốn nghỉ của một nhà vô địch thế giới”. 

Rồi Tarnat gõ cửa một căn phòng. Một người trẻ tuổi ra mở cửa. Tarnat nói với Hargreaves:
- Đây là Yousef Enghames, vừa gia nhập đội trẻ Bayern cách đây 2 năm. 

Rồi ông quay sang Yousef và hỏi chàng trai trẻ:
- Thế cậu có biết anh ta là ai không? 

Yousef hô lên thích thú “Owen” và cả 2 trò chuyện cùng nhau. Chàng cầu thủ 17 tuổi giới thiệu mình gia nhập Bayern từ lò đào tạo của Hertha. Được Bayern quan tâm, cậu đã vượt quãng đường xa 600 km để đến Munich với hy vọng được trở thành cầu thủ của “Hùm xám” trong tương lai.

THUA BARCA, HỌC THEO BARCA
Bayern cho biết họ đang xây dựng lối chơi của mình dựa trên triết lý kiểm soát bóng của Barcelona dưới thời Pep Guardiola. Bayern muốn kiểm soát mọi thứ và họ thích cái cách mà Barca của Pep kiểm soát bóng, kiểm soát trận đấu. 

Matthias Sammer nói tiếp: “Động lực của tôi? Nghe có vẻ nhàm chán nhưng động lực của tôi chính là thành công. Khi ai đó hỏi về công việc, tôi sẽ nói: “Tôi đang làm công việc quan trọng nhất tại CLB lớn nhất và tôi có quyền làm những gì tôi muốn, nhưng kỳ thực cầu thủ luôn giữ quyền ưu tiên. Cầu thủ của chúng tôi, đội bóng của chúng tôi mới là điều quan trọng nhất. Công việc hàng ngày của chúng tôi là giữ cho mọi thứ trong tầm kiểm soát vì trong bóng đá hiện tại, bạn rất dễ phạm sai lầm

Mỗi ngày thức dậy, tôi đều nhìn cầu thủ của mình, cố đảm bảo họ vẫn đang đoàn kết và chúng tôi đang kiểm soát mọi thứ. Tôi không muốn phức tạp hóa vấn đề, nhưng với mỗi mô hình, trong mọi ngành nghề bạn đều phải có được sự kiểm soát mà tôi đang nói. 

Nếu anh là một nhà báo, anh cũng phải chắc là mình đang kiểm soát nhân vật của mình không trả lời lan man, máy ghi âm không hết pin, kiểu thế đúng không? Bạn không được phép có suy nghĩ hôm nay chúng ta làm quá tốt, ngày mai thì sao cũng được. Chúng ta phải kiểm soát mọi thứ vào mọi thời điểm. Vì thế trách nhiệm của một người quản lý là phải nhìn vào mọi chi tiết để đảm bảo là chúng vẫn ở đúng vị trí của nó”.

Hargreaves đặt ra một câu hỏi xác đáng: “Ngày xưa, Bayern nổi tiếng là có những cầu thủ cực kỳ bản lĩnh. Những Stefan Effenberg, Oliver Kahn, Samuel Kuffour... đều biểu trưng cho cái gọi là DNA của Bayern. Bây giờ, Bayern có vẻ như đánh mất thứ bản lĩnh ấy cho dù họ đã chơi thứ bóng đá đẹp hơn. Đây có phải là một sự đánh đổi không?”

Rummenigge trả lời: “Tứ kết Champions League 2008/09, chúng tôi bị Barcelona loại ở tứ kết với tỷ số 1-5 sau 2 lượt trận. Khi ấy tôi nói với chính mình: tôi muốn có một đội bóng như Barcelona. Kể từ sau đó, chúng tôi đã vào chung kết Champions League 3 lần, trong đó có 1 lần vô địch. Tôi nghĩ đấy là một sự chuyển hướng đúng đắn. 

Bây giờ nếu nhìn lại đội hình Bayern, chúng ta thấy họ đâu thua gì thế hệ đàn anh. Manuel Neuer đâu thua gì Oliver Kahn. Xabi Alonso đâu kém gì Effenberg. Chúng tôi cũng kết hợp được những cầu thủ kinh nghiệm và những cầu thủ trẻ. Những người như Mueller tuy đã thi đấu đỉnh cao từ lâu vẫn chỉ 25 tuổi. Sự kết hợp ấy đảm bảo tương lai cho Bayern”.

Các cầu thủ trong đội hình hiện tại cũng dành cho Pep sự tôn trọng, thậm chí là thần tượng, tuyệt đối. Lahm nói: “Hiểu biết về chiến thuật của Guardiola thật sự rất phi thường. Ông ta luôn có giải pháp cho bất kỳ tình huống nào. Ông ấy chuẩn bị những chiến thuật khác nhau cho những đối thủ khác nhau. Với Guardiola, Bayern rất linh hoạt, chúng tôi có thể chuyển từ hàng thủ 3 người thành 5 người, thậm chí 4 người. Từ ngày có Guardiola tôi mới vỡ lẽ ra hóa ra có nhiều sơ đồ đến thế cơ đấy (cười). 

Ông ấy chuẩn bị cho đội bóng rất tốt, tôi không nghĩ mình từng trải nghiệm điều gì tương tự như thế trước đây. Giành cú ăn 3 với Heynckes là một kỷ niệm không thể nào quên. Chỉ mới 1 năm trước (2012) chúng tôi về nhì ở mọi đấu trường, vậy mà năm sau chúng tôi vô địch ở cả 3 giải. Thật phi thường. 


Nhưng bây giờ chúng tôi chơi hoàn toàn khác. Trong những trận đấu lớn năm 2013, chúng tôi gần như chỉ đá phòng ngự và chờ cơ hội phản công. Bây giờ thì Pep kiểm soát toàn bộ trận đấu. Chúng tôi tạo ra số cơ hội ghi bàn nhiều hơn hẳn trước đó. Mục tiêu là tiến lên, kiểm soát bóng, tạo ra cơ hội, giành lại bóng thật nhanh”.

MỘT MÔ HÌNH ĐẶC BIỆT
Ai cũng biết Bayern có một mô hình rất đặc biệt là mời những cựu tuyển thủ về làm quan chức. Theo các thành viên trong Ban lãnh đạo, chính điều ấy giúp Bayern đặc biệt và có cơ cấu vững mạnh. Vì không ai hiểu cầu thủ muốn gì hơn những hững người từng xỏ giày thi đấu.

Chủ tịch Karl-Heinz Rummenigge kể lại một ký ức ở mùa bóng 2000/01 mà Bayern đã vô địch Champions League. Đối thủ của Bayern ở bán kết là Real Madrid, một Real với lực lượng vô cùng hùng hậu. Rummenigge nói: “Tôi nhớ cậu (Hargreaves) đã có 2 trận đấu thật tuyệt vời và ngay hôm sau trận lượt về, tôi đã gọi cậu đến và đề nghị một bản hợp đồng mới ngay lập tức. Đấy là phần thưởng xứng đáng cho những gì cậu đã thể hiện trong 2 trận bán kết cũng như trong mùa bóng ấy. Đấy cũng là tấm gương cho tất cả những cầu thủ trẻ. Hãy cống hiến, hãy thi đấu thật tốt, luôn có người ghi nhận những điều ấy. Chúng tôi luôn hiểu rõ cầu thủ muốn gì”.

Giám đốc thể thao Matthias Sammer tiếp lời: “Tôi nghĩ việc có được những cựu cầu thủ trong Ban lãnh đạo là một lợi thế. Với những cựu cầu thủ, tài năng của họ là điều không phải bàn cãi. Nhưng có những tài năng khác ngoài bóng đá mà chúng ta có thể chưa biết ở họ. Có người giỏi về quản lý, có người giỏi về tài chính. 

Hãy tưởng tượng bóng đá như một cây đàn dương cầm vậy. Khi là cầu thủ anh ta có thể là một nhạc công giỏi, nhưng khi đã giải nghệ thì anh ta biết rõ cách một cây dương cầm vận hành thế nào, phát ra tiếng đàn ra sao. Vì thế việc có những cựu cầu thủ trong đội có ý nghĩa quan trọng, nhưng tất nhiên là những người ấy cũng phải sẵn sàng học hỏi những điều mới mẻ dù đó là cầm quân, quản lý hay bất kỳ vai trò nào mà CLB cảm thấy cần thiết. 

Vừa có kiến thức bóng đá lại vừa giỏi về chuyên môn mà mình tham gia, đấy sẽ là một sự kết hợp tuyệt vời. Vì sao ư? Vì danh tiếng, trái tim và huyết quản của bạn thuộc về đội bóng. Điều ấy sẽ giúp cho đội bóng có thêm sức mạnh nội tại”.

Trong bộ phận lãnh đạo ấy thời gian tới rất có thể sẽ có thêm Philipp Lahm và tương lai xa hơn là Thomas Mueller. Lahm nói: “Với tôi Bayern chính là gia đình. Tôi sinh ra ở Munich, tôi lớn lên ở đây. Tôi đến trung tâm đào tạo cầu thủ trẻ của Bayern khi mới 12, tôi trải qua cả sự nghiệp ở đây trừ 2 năm ở Stuttgart. 

Và vì Bayern là nhà nên tôi cảm thấy rất khó để có thể từ bỏ đội bóng, để sang một nơi khác rồi nhìn thấy Bayern thành công mà không có mình. Trong những năm tháng Bayern khó khăn, tôi có thể vô địch Champions League nếu chuyển sang một CLB khác, nhưng chức vô địch với Bayern quý giá và thiêng liêng hơn nhiều. Tôi còn hợp đồng đến 2018 và vẫn muốn tiếp tục chơi cho Bayern. 

Có thể tôi sẽ chơi bóng trong thời gian rảnh rỗi cho một đội khác, nhưng sẽ không đời nào tôi khoác một màu áo khác Bayern trong sự nghiệp của mình. Và được nghe mọi người bán tán về vị trí mà tôi sẽ giữ tại Bayern sau khi giải nghệ cũng thú vị. Hãy cùng chờ xem việc gì sẽ diễn ra sau 3 năm nữa, nhưng rõ ràng là tôi muốn được giữ lại CLB để làm một việc gì đó sau khi giải nghệ”.




(báo bóng đá)