Fabrice Muamba gục ngã trên sân. Lại một trường hợp đột quỵ ngay trên sân bóng. Lỗi tại ai, hay đó chỉ là sự định đoạt nghiệt ngã của số mệnh?
1. Tháng 11/1986, nữ nghệ sĩ nhạc kịch Edith Webster trình diễn bài hát Thiên nga trong vở “The Drunkard”, có đoạn “Xin đừng nói về tôi khi tôi chết!”. Theo đúng kịch bản, đến đoạn đó thì người nghệ sĩ sẽ gục xuống. Sự thật là Edith Webster đã ngã xuống. Im lặng. Khán phòng rộ lên tiếng vỗ tay. Nhưng không ai thấy cô đứng dậy. Edith Webster đã đột quỵ. Cô chết cả trong vở kịch lẫn cuộc sống thực.
Tháng 5/1984, John Eric Bartholomew, diễn viên hài nổi tiếng của Anh gục ngã ngay trên sân khấu sau buổi biểu diễn tại nhà hát Hoa hồng (Tewkesbury). Câu nói cuối cùng của ông: “Cảm ơn Chúa, mọi chuyện đã kết thúc!”.
Tháng 4/1984, Tommy Cooper, ảo thuật gia người Anh tham gia chương trình truyền hình tạp kỹ trực tiếp “Live from her Majesty’s”. Đang khoác chiếc áo choàng đạo cụ, Cooper bất thần ngồi phịch xuống sàn. Các trợ lý và khán giả cười lớn cho rằng đó là một trò đùa. Đến khi Cooper ngã nằm hẳn xuống, người ta mới biết ông đã qua đời vì nhồi máu cơ tim…
Dường như những nghệ sĩ lớn trở nên vĩ đại hơn khi họ chết ngay khi đang trình diễn. Nhưng chắc chắn sẽ chẳng ai muốn chọn cho mình cái chết bất ngờ và nghiệt ngã như thế!
2. Tháng 4/1889, James Tattershall, hậu vệ của CLB Leyland (Anh) tranh cãi gay gắt với ông trọng tài Mark Wallsell vì công nhận một bàn thắng vào lưới đội nhà. Chỉ sau vài cái gắt gỏng của Tattershall, ông trọng tài ngã xuống và qua đời 1 ngày sau đó. Tattershall bị buộc tội ngộ sát, nhưng sau đó được tha bổng vì các bác sĩ phát hiện ông trọng tài mắc bệnh tim và cao huyết áp từ trước đó.
Khi đó, tạp chí y khoa “The Lancet” đã có 3 bài nghiên cứu về những cái chết trên sân cỏ. Họ cho rằng những pha va chạm, quả bóng và giày quá nặng và sự chủ quan trong công tác y tế đã dẫn đến những cái chết không đáng có. Thời điểm đó, sự phát triển của y học còn hạn chế và những cái chết vẫn diễn ra với rất nhiều bi kịch.
3. Khi bóng đá phát triển đến kịch điểm, công nghệ y học là một phần không thể thiếu. Rồi quy định y tế được tuân thủ nghiêm ngặt khi tất cả các bản hợp đồng đều phải trải qua những cuộc kiểm tra sức khỏe. Đỉnh cao của công nghệ y khoa là sản phẩm kinh điển: Milan Lab của AC Milan. Hệ thống này lưu giữ mọi chỉ số của cầu thủ, từ cỡ giày, tỷ lệ oxy trong máu, khả năng vận động, sức bền cơ, nhịp thở… Milan Lab đã giúp các cầu thủ AC Milan kéo dài thời gian thi đấu đỉnh cao từ 4 đến 8 năm.
Nhiều người cho rằng, nếu với công nghệ y học hiện đại như bây giờ, trọng tài Mark Wallsell đã không phải chết trên sân cỏ sau những lời nạt nộ. Nhưng thực tế, những cái chết vẫn diễn ra ngày càng nhiều như một lời thách thức với công nghệ y học. Ngay Milan Lab cũng từng cho ra những kết quả oái oăm: phát hiện Aly Sissokho bị… viêm răng (Milan hủy bỏ hợp đồng), nhưng lại không thể phát hiện bệnh tim của Cassano!
4. Kể từ cái chết của Vivien Foe năm 2003 đến nay, năm nào cũng có những vụ đột quỵ đau lòng diễn ra ngay trên sân cỏ. Thậm chí nó còn nhiều hơn cả thời y học chưa phát triển như bây giờ. Người thì cho rằng bệnh tim của cầu thủ khó phát hiện ra khi nó đến một cách lặng lẽ, âm ỉ. Thế giới bóng đá không muốn có những bi kịch như thế. Y học cũng không bao giờ che giấu những hồ sơ bệnh tim để xảy ra những cái chết không đáng có. Foe, Puerta, Matsuda, Feher… càng không bao giờ muốn trở nên vĩ đại theo cách đó.
Nhưng khi chưa thể tìm ra nguyên nhân đích xác, cứ tạm đổ lỗi cho những gì rõ ràng nhất có thể buộc tội, đó là sự quá tải. Hoặc nhẹ nhàng hơn thì cứ cho rằng, đó là số mệnh dành cho những người “sinh nghề tử nghiệp”…
Bongdaplus.vn