Đơn cử như trường hợp của Fernando Torres. Ở Liverpool, anh là số 1. Nhưng khi sang đến Chelsea, Torres chỉ là một cá thể trong tập thể. Song do có quá ít va chạm với những cuộc chiến cạnh tranh vị trí khốc liệt cùng những màn dằn mặt trong phòng thay đồ, El Nino thời gian đầu “nhũn như chi chi” trước mặt những đàn anh cỡ Terry, Lampard hay Drogba.
Anh không dám cất tiếng nói, không dám thể hiện cái tôi của mình. Đến ngay cả cái quyền than vãn, khóc lóc vốn dĩ là điều tự nhiên của loài người, Torres cũng không dám. Anh quá lành. Lành đến mức bị nhật báo lá cải The Sun vu cho cái tội đỗ xe bừa bãi (Torres thực chất đi chỉ ngang qua chiếc xe đang đỗ sai, đúng lúc máy ảnh nháy), anh cũng chẳng dám thanh minh.
Ở Arsenal ngày trước, Nicklas Bendtner cũng bị đánh giá là mẫu cầu thủ yểu điệu quá mức. Bendtner lúc nào cũng bóng bẩy, công tử. Gu thời trang phản ánh cá tính của anh: Hiền lành, nhu nhược. Anh bị các đồng đội trêu là quý cô đá bóng. Anh bị Wenger giam trên băng ghế dự bị trước khi bị đẩy sang Sunderland.
Và cái cách một người thiếu cá tính phản ứng cũng thật yếu ớt. Chỉ là những lời dọa nạt nghe phát nhàm: “Không cho tôi đá, tôi đi”. Và anh đi thật. Sang đến Sunderland, Bendtner bắt đầu để râu, bắt đầu ngổ ngáo hơn (thông qua cái cách anh hét thẳng vào mặt một vị khách ở cạnh phòng khách sạn) và đúng là anh cũng dần thành công hơn.
Vậy nên, đi tìm một sự dung hòa giữa cá tính và thiếu cá tính luôn là đích đến của khá nhiều HLV thành công. Ở Man United, Sir Alex khuyên Rooney nên đi học guitar để kiềm chế bớt tính nóng nảy, chứ không khuyên anh triệt tiêu nó.
Bongdaplus.vn