Người gác đền bỗng trở thành vai chính
Đấy là cầu thủ cô đơn nhất trên sân và là vai trò hầu như không được nhắc đến kế hoạch chiêu binh mãi mã? Tất cả có thể đúng, tùy vào giai đoạn hay hoàn cảnh cụ thể. Bây giờ, vị trí thủ môn trong bóng đá đỉnh cao đã được xem trọng hơn bao giờ hết.
TỪ VĂN HỌC ĐẾN BÀI THUYẾT TRÌNH
Trong mắt nhà văn quá cố Eduardo Galeano thì thủ môn mặc áo số 1 vì đấy chính là... nguyên nhân đầu tiên khiến đội mình thua. Quả thế thật! Hồi Brazil thất thủ trước Uruguay trong cuộc quyết đấu tranh ngôi vô địch World Cup 1950, đâu thấy ai bàn về chiến thuật. Thậm chí chẳng cần phân tích tình huống ghi bàn là như thế nào, người Brazil chỉ biết đổ lỗi cho thủ môn Barbosa và khinh miệt ông đến tận cuối đời.
Thủ môn là kẻ cô độc nhất trên sân, thậm chí phải chơi bóng theo những điều luật riêng, khác hẳn 10 cầu thủ còn lại. Trong cái loại hình “bóng đá dã chiến” hay còn gọi là futsal trên xứ sở “túc cầu giáo” Brazil, chẳng cần phải có thủ môn. Lại có lúc, người ta phóng bút: cứ phải có tí “máu điên” nơi các thủ môn!
Ở thái cực ngược lại, các chuyên gia bóng đá trong ủy ban kỹ thuật của UEFA và FIFA, thường thuyết trình nhiều hơn huấn luyện, lại hay cường điệu hóa tầm quan trọng của thủ môn trong kỷ nguyên hiện đại.
Thủ môn mặc áo số 1 vì đấy là nhân vật quan trọng nhất trong đội. Rồi các giáo sư bóng đá “nâng cao quan điểm”: khi thủ môn có bóng thì đấy chính là khởi điểm cho một pha tấn công, thậm chí là cho một cơ hội ghi bàn!
Văn chương hóa hay hàn lâm hóa bóng đá đều là những chuyện xa rời thực tế. Kỳ thực: đã có hẳn một thời gian dài, thủ môn chính là vị trí ít được quan tâm nhất: không “tội nghiệp” như cái nhìn của nhà văn Galeano, cũng chẳng hề quan trọng như trong bài giảng của các chuyên gia.
Chính vì vậy, đấy thường là vị trí ổn định nhất trong một đội bóng đỉnh cao. Hồi Liverpool thống trị sân cỏ Anh đến mức độ gần như tuyệt đối (6 lần vô địch, 4 lần về nhì trong giai đoạn 1982-1991, chưa kể còn có Cúp C1 châu Âu), rất ít ai bàn đến Bruce Grobbelaar. Thủ môn người... Zimbabwe chỉ được biết đến một cách rộng rãi vì một scandal dàn xếp tỷ số vào cuối năm 1994.
Gần như toàn bộ sự nghiệp đỉnh cao của thủ môn huyền thoại Gordon Banks chỉ gắn bó với hai đội bóng nhỏ Leicester và Stoke. Peter Shilton sau này cũng chẳng khác mấy. Ngoài ĐTQG, họ không có dịp tỏa sáng trong các đội bóng lớn trước tiên là vì các đội bóng lớn không có nhu cầu mua thủ môn giỏi (ít ra là việc ấy không quan trọng bằng việc mua tiền đạo, tiền vệ hay hậu vệ giỏi).
Ngược lại, khi một đội bóng lớn thành công thì chuyện thủ môn không có danh tiếng chẳng hề là vấn đề lớn. Grobbelaar “vô danh” trong hàng ngũ Liverpool ngày xưa là một ví dụ. Thủ môn số 1 của AC Milan trong suốt thập niên 1990 chỉ là một Sebastian Rossi ít tên tuổi. Gần đây là Victor Valdes với 12 năm bắt chính cho Barcelona, dĩ nhiên gồm cả giai đoạn rực rỡ nhất, đình đám nhất của Tiqui-Taca.
MỌI CHUYỆN BẮT ĐẦU THAY ĐỔI
Rút cuộc, không phải bản thân các thủ môn, mà... vai trò thủ môn đã “cất lên tiếng nói” của mình. Có thể xem đấy là một trong những thay đổi mới nhất, đáng lưu ý nhất trong bóng đá đỉnh cao.
Hồi Real Madrid hoàn tất kỳ tích “Decima” tức 10 lần vô địch Cúp C1/Champions League, họ chỉ dùng đến thủ môn “số 2” trong suốt mùa bóng. Vâng, Iker Casillas khi ấy chỉ còn là thủ môn dự bị của Real ở đấu trường La Liga (sau Diego Lopez), nhưng anh vẫn luôn bắt chính ở Cúp Nhà Vua và Champions League.
Nghĩa là Real sử dụng 2 thủ môn khác nhau cho những giải đấu khác nhau. Kết quả: Casillas không chỉ tỏa sáng giúp Real vô địch Champions League. Anh còn lập được khá nhiều kỷ lục hào hùng về việc trấn giữ khung thành ở Cúp Nhà Vua.
Ngày càng có nhiều đội bóng sử dụng cùng lúc 2 thủ môn giỏi. Người ta đã xem việc Chelsea có cả Petr Cech lẫn Thibaut Courtois là một chi tiết quan trọng giúp đội này vô địch Premier League mùa trước.
Trong lần đăng quang gần đây nhất ở Premier League (mùa bóng 2012/13), M.U cũng đã luân phiên dùng 2 thủ môn gần như ngang nhau về đẳng cấp - David De Gea và Anders Lindegaard. Khi ấy, Tottenham thậm chí có đến 3 thủ môn xuất sắc như nhau là Heurelho Gomes, Hugo Lloris và Brad Friedel, chưa kể Carlo Cudicini cũng chẳng thua sút bao nhiêu!
Thế là thời kỳ huy hoàng cho các thủ môn được mở ra. Vai trò từng bị quên lãng trong bóng đá đỉnh cao nay lại “hút hàng” trên thị trường chuyển nhượng.