Bong da

Quốc tế

Muôn vẻ chuyện án phạt trên sân cỏ

Cập nhật: 17/03/2015 00:09 | 0

Sau khi xem lại sự kiện qua băng ghi hình, FA treo giò Evans (M.U) 6 trận và Cisse (Newcastle) 7 trận, vì 2 cầu thủ này phun nước bọt vào nhau trong trận đấu giữa 2 đội ở vòng 28 Premier League diễn ra hôm 5/3 vừa qua. Như thế là nặng hay nhẹ? Tổng quát hơn, giới bóng đá đánh giá mức độ nghiêm trọng của những “tội lỗi” trên sân như thế nào?

Muôn vẻ chuyện án phạt trên sân cỏ
Muôn vẻ chuyện án phạt trên sân cỏ
Phun nước bọt: Không ai chấp nhận
Hậu quả gần như là con số 0. Dù sao đi nữa, đây là điểm chung giữa bóng đá và cuộc sống. Bạn có thể làm bất cứ điều gì, trừ việc phun nước bọt vào người khác. Đấy là sự xúc phạm đến cùng cực, đáng ghê tởm. Nhún nhường đến đâu đi nữa, bạn vẫn không thể chấp nhận một sự xúc phạm như vậy. Luật bất thành văn, cả trong bóng đá lẫn trong cuộc sống: đơn giản, không ai được làm như thế.
 
 
Frank Rijkaard (Hà Lan) phải thành khẩn xin lỗi trước công luận khi phun nước bọt vào Rudi Voeller (Đức) tại World Cup 1990 (ảnh). El Hadji Diouf (Liverpool) bị giới bóng đá treo giò và tòa án phạt tiền vì phun nước bọt về phía khán giả Celtic ở Cúp UEFA 2003. Fabian Barthez (Marseille) bị treo giò 6 tháng vì phun nước bọt vào trọng tài trong trận giao hữu với Wydad Casablanca năm 2005.
 
Kích hoạt ẩu đả: Tội kẻ châm ngòi
Cảnh các cầu thủ đôi bên lao vào cãi vã, xô đẩy hoặc ẩu đả với nhau vẫn thường xuất hiện trên sân. Hình phạt tùy thuộc mức độ nghiêm trọng cụ thể. 
 
 
Nguyên tắc là giới bóng đá luôn phạt nặng cầu thủ “kích hoạt” sự kiện, giống như tội “chủ mưu” trong cuộc sống vậy. Khi xử phạt, người ta chủ yếu xem xét nguyên nhân, chứ hình ảnh cầu thủ đôi bên lao vào nhau lại là yếu tố phụ!
 
Ít ai chê trách Hristo Stoichkov (CSKA Sofia) khi anh bị treo giò... vĩnh viễn trong trận chung kết Cúp Bulgaria 1985 (Stoichkov sau đó được giảm án, chỉ bị treo giò... 1 tháng). Joey Barton (QPR) từng bị treo giò 12 trận vì phóng đầu gối vào đùi Sergio Aguero (Manchester City), từ đó gây ra hỗn loạn trên sân (ảnh). Những vụ như thế này thường chìm ngay vào quên lãng.
 
Giật cùi trỏ: Nên có ý thức
Có thể do đã quen với những va chạm nặng nề, trọng tài thường chỉ xem hành vi giật cùi chỏ như bao hành động phạm lỗi thông thường khác. Càng không có chuyện phải “đáo tụng đình” nếu cầu thủ bị giật cùi chỏ chấn thương nghiêm trọng (khác hẳn ngoài đời). Dù sao đi nữa, các nhà chuyên môn luôn kêu gọi các cầu thủ có ý thức về tác hại khôn lường của những cú giật cùi chỏ. Cũng vì vậy, cầu thủ giật cùi chỏ thường thoát tội trên sân nhưng sẽ bị phạt nặng khi ban tổ chức xem lại băng ghi hình.
 
 
Mauro Tassotti (Italia) bị treo giò 8 trận vì giật cùi chỏ vào mặt Luis Enrique (TBN) tại World Cup 1994, và từ đó anh không bao giờ được gọi vào Azzurri nữa. Cũng ở giải ấy, Leonardo (Brazil) giật cùi chỏ khiến Tab Ramos (Mỹ) vỡ xương gò má, phải nằm viện suốt 3 tháng rưỡi! Đây là vấn đề đạo đức nghề nghiệp.
 
Xô trọng tài: Tuyệt đối cấm
Giống như chuyện phun nước bọt, hành động xô hoặc đẩy ngã trọng tài chẳng hề gây ra tác hại. Tuy nhiên, đây là “trọng tội”, bị nghiêm cấm trong môn bóng đá. Gốc rễ của môn bóng đá là cầu thủ phải tuyệt đối tuân thủ trọng tài, kể cả khi trọng tài sai. Xô trọng tài có nghĩa là thách thức luật bóng đá. Chỉ cần xô trọng tài là đã chuốc hình phạt nặng nề rồi. Nếu đánh trọng tài thì, trong đa số trường hợp, cầu thủ sẽ bị treo giò vĩnh viễn.
 
 
Paolo Di Canio (Sheffield Wednesday) xô nhẹ trọng tài Paul Alcock ở trận gặp Arsenal năm 1998 (ảnh), và khi anh bị treo giò 11 trận thì báo giới đồng loạt chỉ trích: hình phạt quá nhẹ! Thật ra, Di Canio thừa nhận: “Mọi cầu thủ đều hiểu rõ là không được động đến trọng tài. Chẳng qua, đôi khi cảm xúc làm cho người ta mất bình tĩnh và đi quá giới hạn. Chẳng lẽ bóng đá không cần cảm xúc?”.
 
Gian lận: Có khi chẳng là “tội”
Cầu thủ lén dùng tay chơi bóng để hưởng lợi, thường là trong các tình huống có thể thành bàn. Tùy theo quan điểm, trường phái, người ta có những cái nhìn khác nhau về những trò gian lận trên sân. Không ít người cho rằng “ăn gian” là một phần tất yếu trong cuộc chơi. Nhưng cũng có những nơi người ta chê bai những trò gian lận. Không ít cầu thủ Bắc Âu thà chịu thua chứ không gian lận. Ngược lại, các cầu thủ Latin rất hay dùng tiểu xảo.
 
 
Pha ghi bàn bằng tay của Maradona (Argentina) trong trận gặp Anh tại World Cup 1986 là một trong những hình huống đáng nhớ nhất trong lịch sử bóng đá. Thierry Henry (Pháp) dùng tay chơi bóng trước khi chuyền cho đồng đội ghi bàn ở trận gặp CH Ireland trong loạt play-off tranh vé dự World Cup 2010 (ảnh). Chủ tịch FIFA Sepp Blatter nói rằng Henry bị đe dọa tính mạng sau vụ gian lận ấy.
 
Ăn vạ: “Bà Con” với tội chơi bóng bằng tay
Mục đích chung vẫn là đánh lừa trọng tài để trục lợi. Khác biệt chỉ là chi tiết: giả vờ chấn thương hoặc bị đối phương phạm lỗi. Có lần, Cristiano Ronaldo  không ngã khi có dịp, anh bị đồng đội ở ĐT BĐN chỉ trích rằng không biết tận dụng cơ hội. 
 
 
Cựu danh thủ Gianluca Vialli nói: ở Italia mà có một quả phạt đền oan uổng thì lỗi trước tiên thuộc về hậu vệ bị xử oan: sao lại để cho đối phương có cơ hội ăn vạ? Chính vì thực tế này, FIFA gọi thói quen ăn vạ để được hưởng quyền sút phạt là căn bệnh ung thư của bóng đá.
 
Lỗi này không cần dẫn chứng, vì nó diễn ra hàng tuần. Điều đáng nhắc chỉ là: Robbie Fowler (Liverpool) từng cố giải thích với trọng tài rằng thủ môn David Seaman (Arsenal) không hề phạm lỗi, sau khi anh tình cờ ngã và được hưởng phạt đền.
 
Phân biệt chủng tộc: Tội... chính trị
Từ lâu, bóng đá đã không còn là thể thao thuần túy nữa. Thế nên, kể cả khi màu da của cầu thủ thật sự là một yếu tố liên quan đến các phẩm chất chuyên môn, bạn cũng không nên bàn đến. Tùy theo mức độ chính trị mà các quan chức sẽ phạt “tội phạm” nặng hay nhẹ. Với UEFA, tội này ít nhất phải treo giò 10 trận. 
 
 
Phân biệt chủng tộc thì ai cũng biết. Nhưng đôi khi, cầu thủ ngây thơ đến nỗi không biết những gì họ nói hoặc làm có thể bị quy kết vào cái tội rất nặng về chính trị này. Luis Suarez (Liverpool) từng bị treo giò 8 trận vì PBCT với Patrice Evra (M.U) (ảnh). John Terry bị FA tước băng thủ quân ĐTQG kể cả khi tòa án chưa (sau đó không) kết luận rằng anh PBCT với Anton Ferdinand. HLV Fabio Capello từ chức vì sự kiện này.
 
“Thiết đầu công”: Lỗi của kẻ hèn nhát
Nếu thấy cần thiết thì Vinnie Jones, Roy Keane, Robbie Savage, Lee Bowyer, Craig Bellami... sẵn sàng “ăn thua đủ” trên sân, bất chấp hậu quả.
 
 
Đấy thường là suy nghĩ chung của các cầu thủ Anh. Với họ, cầu thủ dùng đầu húc vào đối phương là loại... hèn nhát. Dùng đầu húc vào đối phương thì giải quyết được điều gì? Giới chuyên môn cũng từng nói: dùng đầu húc vào đối phương là một giải pháp liên quan đến vấn đề tâm lý.
 
Cú húc đầu của Zinedine Zidane (Pháp) vào Marco Materazzi (Italia) trong trận chung kết World Cup 2006 (ảnh) nổi tiếng đến nỗi nó được dựng tượng. Zidane bị đuổi. Pepe (BĐN) cũng bị đuổi vì lỗi tương tự tại World Cup 2014. HLV Alan Pardew (Newcastle) bị cấm chỉ đạo 7 trận vì húc đầu vào David Meyler (Hull).


(báo bóng đá)