Mùa giải 2013/14 nhìn từ ghế HLV: Những "thuyền trưởng" đích thực
HLV VÀ NHỮNG DẤU ẤN MỜ NHẠT
Man City là ví dụ rõ nhất cho việc xem nhẹ vai trò của các HLV. Kể từ khi nhà Sheikh Mansour tiếp quản đội chủ sân Etihad năm 2008, hàng trăm triệu bảng đã được chi ra để tăng cường lực lượng. Thế nhưng, điều đáng ngạc nhiên là đội bóng nửa xanh thành Manchester lại xem nhẹ chính các HLV được họ mang đến Etihad.
Chiến lược gia đầu tiên được Man City bổ nhiệm là Mark Hughes hồi Hè 2008, người thời điểm đó chẳng có thành tích huấn luyện nào đáng kể. Sau khi thất bại với Mark Hughes, Man City tiếp tục mang về Roberto Mancini tháng 12/2009. Thành công lớn nhất của Mancini trong gần 4 năm ở Etihad là giúp Man City vô địch Premier League 2011/12. Tuy nhiên, Mancio thất bại hoàn toàn trong việc xây dựng một lối chơi, phong cách riêng cho Man City.
Dưới thời Mancini, Man City hèn nhát ở các trận đại chiến, chơi như một kẻ học việc ở Champions League (bị loại ngay từ vòng bảng mùa 2011/12). Cái uy của Mancini với các học trò cũng là con số 0. Ông bị Carlos Tevez chửi thẳng mặt, ông tẩn nhau với cả “trò cưng” Mario Balotelli. Thậm chí, ngay cả chức vô địch Premier League 2012 cũng bị cho là mang rất nhiều dấu ấn của sự may mắn. Một đội quân được “dát vàng” như Man City lại phải nhờ đến vận may mới vượt qua được một M.U yếu bậc nhất trong kỷ nguyên Sir Alex (mùa 2011/12), rõ ràng dấu ấn của người thuyền trưởng tại Man City là quá mờ nhạt.
THỜI HLV LÀ NGÔI SAO LỚN NHẤT
Nhưng thời HLV chỉ là bù nhìn đã qua. Ít nhất là ở mùa 2013/14, các HLV đã trở lại với vai trò thuyền trưởng đích thực, điểm tựa thực sự của các học trò. Hãy nói đến Carlo Ancelotti. Ngay trong mùa đầu tiên đến Bernabeu, Ancelotti đã mang về Decima, danh hiệu khiến Real tiêu tốn gần 1,2 tỷ euro và là nỗi đau của không ít những HLV tài danh nhất thế giới như Fabio Capello hay Jose Mourinho.
Dấu ấn của Ancelotti tại Real là quá đậm nét, từ quản lý nhân sự đến chiến thuật. Giai đoạn cuối của Mourinho ở Real, chuyện website của báo Marca hay AS thi thoảng lại đăng 1 đoạn video quay trộm buổi nói chuyện căng thẳng giữa Mou và học trò là quá bình thường. Nhưng với Ancelotti, điều này không xảy ra. Bởi 2 tờ báo thân đội bóng Hoàng gia TBN này hiểu rằng phòng thay đồ Real dưới thời Ance quá bình lặng, bình lặng như chính tính cách của Ance vậy. Mourinho cũng từng bị chỉ trích là biến Real trở thành kẻ thù của tất cả. Với Ance, Real trở lại là đội bóng Hoàng gia, của những quý ông chơi bóng đúng nghĩa cả trong lẫn ngoài sân cỏ.
Dấu ấn về chuyên môn của Ancelotti càng rõ nét hơn. Ông kéo Di Maria từ tiền vệ cánh vào đá tiền vệ trung tâm quá thành công. Ông biến Luka Modric từ một Galaticos thất bại dưới thời Mourinho, trở thành người không thể thay thế của Real thời điểm hiện tại.
Tương tự Ance là Diego Simeone. Thậm chí, vai trò của Simeone còn ấn tượng gấp bội. Nếu Ance mới là nhà quản lý tài ba thì Simeone còn là ông chủ, là đàn anh, thậm chí, là tất cả của Atletico Madrid. Diego Costa từng nhận xét: “Simeone ngoài việc giúp học trò chơi với 100% khả năng, ông còn biết cách khai thác 20% tiềm năng còn lại ẩn sâu trong mỗi cầu thủ”.
Trở lại với trường hợp Man City. Manuel Pellegrini đến và đã ngay lập tức mang lại điều mà Mancini bất lực. Dưới thời Pellegrini, Man City đã hình thành một phong cách, lối chơi rõ ràng. Đó là trên sân cỏ, còn ở hậu trường, không còn hình ảnh một “gã hàng xóm ồn ào”, thay vào đó, “Pellegrini là người biến Etihad thành ngôi nhà hạnh phúc”, như tiền vệ David Silva thừa nhận. Tóm lại, mùa giải 2013/14 mang dấu ấn đậm nét của các HLV. Họ đã trở lại với vai trò thuyền trưởng đích thực.
Các tân HLV ghi dấu ấn
Trong số các tân HLV của mùa 2013/14 ở 5 giải đấu hàng đầu châu Âu, Ancelotti là người có tỷ lệ chiến thắng cao thứ nhì (tính trên mọi đấu trường) với 77,05%. Pellegrini xếp thứ 4 với 71,93%. Dẫn đầu là Pep Guardiola với tỷ lệ chiến thắng lên tới 78,57% cùng Bayern.