Bong da

bong-da-quoc-te

Lăng kính: Có Laudrup? Không Laudrup?

Cập nhật: 17/11/2011 10:15 | 0

Michael Laudrup đã từ chối đá dưới thời HLV Richard Moller Nielson, nhưng không có ngôi sao sáng nhất ĐT Đan Mạch lại vô địch EURO 1992.



Không phải ai đi qua cửa sau để đến một VCK cũng sẽ thành kẻ ngoài lề. ĐT Pháp ở World Cup 2010 và ĐT Bồ Đào Nha ở EURO 2008 đã đóng vai này, nhưng sẽ không ai quên Đan Mạch, đội bóng đã đến EURO 1992 bằng vé “vớt của vớt”, khi Nam Tư bị loại vì có chiến tranh và họ được bổ sung, rồi sau đó vô địch.

Nhưng khó có thể dùng ví dụ của Đan Mạch để chủ quan vẽ ra triển vọng của tất cả những kẻ đến VCK bằng cửa sau. Thậm chí là ngay cả khi họ có đè bẹp đối phương ở loạt play-off với tỷ số 6-2 như Bồ Đào Nha mới làm được.

Một chuyện được nhiều người nhắc đến nhất về Đan Mạch à Michael Laudrup đã từ chối tham gia ĐTQG thời HLV Richard Moller Nielson. Anh cảm thấy một ĐT Đan Mạch quá thiên về phòng ngự như thế không có đất cho mình. Vậy mà rồi dù không có ngôi sao sáng nhất, Đan Mạch lại đã vô địch.

Bóng đá, cho dù có là thứ bóng đá khiêu vũ kiểu Brazil, cũng tôn thờ lối chơi tập thể. Những nhà vô địch từ Đan Mạch, Đức, Pháp, Hy Lạp cho đến Tây Ban Nha năm 2008 (đội bóng mà Torres cũng lùi xuống đóng “kép phụ” cho Villa), đều như thế.

Và để đưa lối chơi tập thể lên đỉnh cao, nhiều khi người ta phải hy sinh những phần tưởng là tinh túy nhất. Đó là câu chuyện của Đan Mạch năm 1992. Và có thể là chuyện của Bồ Đào Nha năm 2012.

Ba ngày trước, tờ Guardian của Anh có một bài rất thú vị về Thụy Điển, với đại ý: “Ibrahimovic là cầu thủ quyết định thành công của Thụy Điển. Cứ Ibra không ra sân là Thụy Điển chơi tốt”.

Trước trận cuối vòng loại gặp Hà Lan, báo chí Thụy Điển đã đưa ra một thống kê đáng kinh ngạc: trong suốt 10 năm qua, kể từ khi Ibrahimovic bắt đầu thi đấu cho ĐTQG, Thụy Điển thắng tất cả những trận vòng loại EURO mà anh vắng mặt (3 vòng loại cả thảy). Còn khi ngôi sao sáng nhất của nền bóng đá này ra sân, tỷ lệ thắng là 55%. Ngay sau đó, Thụy Điển minh chứng điều đó bằng chiến thắng trước Hà Lan để lấy vé đến thắng Ba Lan và Ukraine, mà vẫn không cần Ibra.

Có một thực tế rõ ràng là nếu có Ibra, các cầu thủ khác sẽ vô thức chuyền bóng cho anh nhiều hơn, kể cả có đồng đội khác ở vị trí thuận lợi. Còn khi Ibra có bóng, anh lại không có thói quen tin tưởng người khác.

Liệu đó có phải là trường hợp của Bồ Đào Nha và Cristiano Ronaldo không? Hẳn nhiều người đã có câu trả lời của mình.

Ronaldo không hề phải chịu bất cứ trách nhiệm gì trong hành trình lận đận của Bồ Đào Nha. Anh đã chơi đúng với những gì mình có. Khi phóng viên chĩa camera vào anh sau trận thua Tây Ban Nha ở VCK World Cup 2010 và hỏi anh nghĩ gì về thất bại này, Ronaldo tấm tức: “Đi mà hỏi HLV”.

Đúng là phải đi hỏi HLV, chứ không nên hỏi Ronaldo. HLV phải chịu trách nhiệm về mọi quyết định của mình. Vấn đề là có những quyết định rất khó “chịu trách nhiệm”, như là hy sinh ngôi sao sáng nhất.

Sự hy sinh ấy có thể không phải theo kiểu bỏ quên hẳn như trường hợp của Michael Laudrup, mà có thể là một hy sinh kiểu Torres ở EURO 2008, hay Rooney ở M.U thời còn có Ronaldo. Dẫu sao thì Ronaldo cũng cho người ta thấy anh kiến tạo cơ hội không tồi. Nói chung, tư tưởng “Ronaldo là rốn vũ trụ” cần nghiêm túc xem xét lại.

Có Laudrup hay không có Laudrup, có một cuộc cách mạng tư duy hay vẫn là đội bóng ở các giải trước, HLV Bento còn nửa năm để trả lời. Tất nhiên là trong trường hợp ông có can đảm.

Bongdaplus.vn