La Liga không còn là giải đấu hàng đầu châu Âu
LA LIGA CÓ LƯỢNG TUYỂN THỦ QUỐC GIA THẤP NHẤT
Thời gian gần đây, giải VĐQG Tây Ban Nha luôn nằm trong Top 2 giải đấu châu Âu (cùng Ngoại hạng Anh) có số lượng các tuyển thủ quốc gia nhiều nhất châu Âu. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu vừa công bố mới nhất của CIES Football Observatory (Cơ quan nghiên cứu bóng đá quốc tế), thì cục diện đã thay đổi rất nhiều tại 5 giải đấu hàng đầu châu lục ở mùa 2012/13.
Với nhiều CLB đồng đều hơn, trình độ giữa các đội bóng không quá chênh lệch nhau đồng thời vẫn là điểm đến lý tưởng của các cầu thủ, Premier League có tới 74,18% là các tuyển thủ quốc gia - cao nhất trong số 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu.
Trong khi đó, chỉ có 42,33% lượng cầu thủ tại La Liga là những tuyển thủ quốc gia – thấp nhất Top 5, thua cả Ligue 1 (43,17%), Serie A (56,97%). Nếu giải VĐQG Tây Ban Nha đang giảm dần lượng tuyển thủ quốc gia, thì Đức có xu hướng tăng mạnh và vươn lên xếp thứ 2, chỉ sau Anh với 61,3%. Khác với La Liga, Bundesliga ngày càng thu hút các cầu thủ châu Phi, châu Á về thi đấu nên lượng tuyển thủ quốc gia theo đó cũng tăng dần.
Với xu hướng ấy nên tất nhiên, Premier League vẫn vô địch về lượng lính đánh thuê với 61,03%; còn Serie A xếp thứ hai với 52,48%; tiếp theo là Bundesliga (44,26%); rồi mới đến La Liga (38,44%) và Ligue 1 (25,7%).
TUỔI CẦU THỦ TĂNG DẦN, TRỪ SERIE A
Với bóng đá hiện đại, các cầu thủ duy trì được phong độ ổn định, nên tại các giải đấu ngày càng có nhiều lão tướng, cựu binh, những cầu thủ dày dạn kinh nghiệm. Vì thế, hầu hết tuổi đời bình quân các cầu thủ tại 5 giải đấu hàng đầu châu Âu đều tăng nhẹ, trừ Serie A lại “trẻ ra đôi chút”. Vốn được xem là giải đấu của các cầu thủ già với tuổi bình quân ở mùa 2011/12 là 28, thì đến mùa 2012/13, con số ấy được kéo xuống còn 27,44; nhỉnh hơn La Liga một chút xíu (27,02). Sở dĩ có hiện tượng này vì không nhiều đội bóng Tây Ban Nha thích mạo hiểm, sử dụng nhiều tài năng chớm nở như tại Đức (25,70) và Pháp (26,4). Trong khi tuổi trung bình các cầu thủ tại giải Ngoại hạng Anh là 26,76.
Đây cũng là 3 giải đấu không chứng kiến biến động đáng kể về tuổi đời các cầu thủ. Mỗi năm, tại đây, tuổi bình quân cầu thủ chỉ tăng không quá 0,5%.
BÁO ĐỘNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO TRẺ TẠI SERIE A
Đây không phải lần đầu tiên công tác đào tạo trẻ tại Serie A bị báo động. Ngày càng nhiều đội bóng hàng đầu Italia không dám trao cơ hội thi đấu cho các cầu thủ trẻ. Trong năm 2012 chỉ có 7,8% sản phẩm trưởng thành từ lò đào tạo trẻ được các CLB sử dụng tại giải VĐQG, thấp nhất trong Top 5 và con số này tiếp tục tụt xuống còn 7,16%. Song, sang đến năm 2014, nhiều khả năng tình trạng đáng báo động này sẽ biến mất khi các CLB tại Serie A không chi nhiều tiền để mua sắm, sẽ buộc phải sử dụng nguồn đào tạo địa phương để tăng cường lực lượng.
Các đội bóng hàng đầu Italia như Juve không dám trao cơ hội cho những cầu thủ trẻ
Tuy La Liga vẫn dẫn đầu danh sách này, nhưng đã giảm từ 25,6% (năm 2012) xuống còn 22,75% vào năm 2013. Không chỉ riêng La Liga giảm việc sử dụng “cây nhà lá vườn”, mà đó là xu hướng chung của bóng đá châu Âu trong bối cảnh ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế (ít đầu tư cho công tác đào tạo). Năm 2012, Ligue 1 xếp sau La Liga với 21,1% thì năm 2013 (vẫn đang thuộc Top 2 châu Âu về việc sử dụng tài năng trưởng thành từ lò đào tạo của CLB) giảm còn 18,67%, trong khi con số tương tự tại Premier League là 17,5% - 12,23%.
Duy nhất Bundesliga lại có vẻ thích trao cơ hội nhiều hơn cho các cầu thủ trẻ từ lò đào tạo CLB. Nếu năm 2012, chỉ có 14,7% sản phẩm của công tác đào tạo trẻ được chơi tại Bundesliga, thì năm 2013, con số ấy là 16,93%. Cũng giống như ĐT Đức, các CLB tại giải đấu hàng đầu nước này cũng rất tích cực trao cơ hội thi đấu cho các cầu thủ trẻ. Vì thế, nhiều đại gia Đức như Bayern Munich, Dortmund, Schalke trình làng không ít tài năng trẻ trong những năm vừa qua.
Có lẽ, với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong cuộc đua trụ hạng, giành vé dự các Cúp châu Âu hay vô địch, các HLV CLB thận trọng hơn trong việc sử dụng “vốn tự có” của đội nhà. Đấy cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc đội bóng để tuột mất ngọc thô và sau này phải ân hận.
Cầu thủ Premier League chung thủy nhất
Xét về khía cạnh chung thủy (số mùa bóng liên tiếp chơi cho CLB hiện tại), thì các cầu thủ đang thi đấu tại giải Ngoại hạng Anh được đánh giá cao nhất với thời gian trung bình vượt trội hẳn so với các giải còn lại: 3,03 năm. Do thường xuyên phải chứng kiến “nạn chảy máu tài năng” nên dễ hiểu cầu thủ Ligue 1 thiếu chung thủy nhất với 2,67 năm. Tiếp theo là Bundesliga (2,68) Serie A (2,74) và La Liga (2,86).
Cầu thủ Bundesliga cao nhất
Trong số 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, hiện các cầu thủ đang chơi tại Bundesliga có chiều cao vượt trội hẳn với trung bình gần 1,9m (189,72cm). Tiếp đến là Premier League là 182,68 cm; Serie A là 182,24 cm; Ligue 1 là 180,99 cm. Còn La Liga “lùn nhất” với 180,59 cm. Sở dĩ có hiện tượng này vì Bundesliga thu hút nhiều cầu thủ Bắc Âu và Scandinave hơn cả.
Lyon vô địch đào tạo trẻ tại Ligue 1
Sau 5 mùa liên tiếp chiếm vị trí số 1 về công tác đào tạo trẻ tại Ligue 1, Rennes có thể phải nhường lại ngôi vị này cho Lyon, khi đội bóng từng 7 lần liên tiếp vô địch Pháp liên tiếp trình làng những tài năng trẻ đầy triển vọng cho mùa này. Trong số 35 cầu thủ trong danh sách đội 1 hiện tại của Lyon, có tới 15 cầu thủ trẻ được HLV Remi Garde đôn lên từ đội trẻ. Nhiều tên tuổi thi đấu ấn tượng như Yassine Benzia (19 tuổi, ảnh), Corentin Tolisso (19), Jordan Ferri (21), Rachid Ghezzal (21) hay Nabi Sarr (20).
Mùa 2012/13 lạc quan nhất
Trong 5 mùa gần nhất, các chỉ số ở mùa 2012/13 lạc quan nhất. Tuổi trung bình các cầu thủ tại 5 giải đấu hàng đầu châu Âu là 26,32 (trẻ nhất); chiều cao trung bình là 182,09 cm (cao nhất); việc sử dụng các sản phẩm trưởng thành từ lò đào tạo CLB là 22,01% (cao thứ nhì, sau mùa 2010/11). Tuy nhiên, các cầu thủ lại có xu hướng thay đổi CLB nhiều hơn, với trung bình 3,11 năm/cầu thủ (chỉ cao hơn mùa 2011/12).
CON SỐ:
27,7 - Trong mùa 2012/13, với tuổi trung bình 27,7, các thủ môn tại 5 giải đấu hàng đầu châu Âu cao hơn các cầu thủ còn lại (hậu vệ là 26,48; tiền vệ là 26,09 và tiền đạo là 25,74).
86,88 - Trong số các tuyển thủ quốc gia tại 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, số lượng tiền đạo đông nhất, chiếm tới 86,88%.
190,1 - Các thủ môn cũng có chiều cao trung bình vượt trội, với 190,1 cm, tiếp đến là hậu vệ (183,53), tiền đạo (180,35) và tiền vệ (179,55).