Bong da

Quốc tế

Khoe thông điệp trên áo? Không có gì "ngu ngốc" hơn

Cập nhật: 03/01/2013 20:45 | 0

Những thông điệp trên áo đấu sau các bàn thắng đôi khi vô nghĩa, thiếu suy nghĩ và thiếu chuyên nghiệp, nhưng các cầu thủ vẫn thích ăn mừng bằng cách đó.

Khoe thông điệp trên áo? Không có gì
Khoe thông điệp trên áo? Không có gì "ngu ngốc" hơn
Thay vì yêu cầu Les Chapman, người phụ trách trang phục của Manchester City, in dòng chữ “Chúc mừng năm mới” lên áo lót, Eden Dzeko lẽ ra có thể thay bằng: “Tôi cố tình để bị lãnh thẻ vàng”. Nếu tiền đạo của Man City nhận thẻ vàng thứ 2 khi trận đấu với Stoke còn lại 24 phút, anh sẽ bị đuổi khỏi sân kèm theo một trận cấm thi đấu. Vậy tại sao Roberto Mancini tiếp tục để các cầu thủ đặt đội bóng, và chính họ, vào rủi ro như thế?

Thông điệp của Dimitar Berbatov là “Bình tĩnh và chuyền bóng cho tôi” được anh cho mọi người thấy trên áo lót trong màn ăn mừng sau khi ghi bàn vào lưới Southampton ngày Boxing. HLV Fulham Martin Jol thừa nhận ý tưởng của tiền đạo người Bulgaria “khá là ngớ ngẩn”, dù thực ra phải nói là nó “rất ngu xuẩn”.


Các cầu thủ chuyên nghiệp đều biết rõ họ có thể phải nhận thẻ vàng nếu ăn mừng bằng cách thể hiện những thông điệp trên áo lót, hay đơn giản là kéo áo đấu qua khỏi đầu. Nhiều CLB phạt cầu thủ nếu họ phải nhận thẻ vàng vì lý do không cần thiết này cũng là điều hợp lý.

FIFA bắt đầu lo lắng về vấn đề này khi một số cầu thủ bộc lộ các thông điệp chính trị và tôn giáo, như năm 1997 khi Robbie Fowler của Liverpool mặc một chiếc áo ủng hộ những công nhân bốc xếp bị sa thải ở Merseyside. Sau khi xem xét, FIFA chính thức quyết định rằng mọi cầu thủ ăn mừng như thế sẽ phải nhận thẻ vàng.

Ngoài ra còn lý do kinh tế. Một số công ty trả tiền để các cầu thủ mặc áo lót có logo mà họ khoe ra sau khi ghi bàn và quảng cáo miễn phí, khiến những nhà tài trợ bỏ hàng triệu USD cho quảng cáo chính thức không khỏi thấy phiền lòng. Bóng đá cũng là một trò chơi toàn cầu, những tai họa khôn lường có thể đến với việc thể hiện quan điểm cá nhân, đôi khi là cực đoan, với một lượng công chúng quá lớn.

Tuy nhiên, hình phạt chắc chắn một chiếc thẻ vàng có vẻ không làm các cầu thủ sợ hãi. Trong khi thông điệp “Tại sao luôn là tôi?” của Mario Balotelli là hài hước, thì những gì các đồng đội của anh, Carlos Tevez và Samir Nasri, từng thể hiện trên áo lót khiến nhiều người bất an. Tevez từng ăn mừng với dòng chữ “Lugano 1 y 2”, ám chỉ khu nhà tập thể ở Buenos Aires mà anh lớn lên. Còn Nasri, vốn có gốc Algeria, mặc áo lót với dòng chữ “Eid Mubarek”, một lời chúc mừng quen thuộc của dịp lễ Hồi giáo lớn Eid ul-Fitr.

Trọng tài Howard Webb từng bị chỉ trích vì không đuổi Nigel de Jong của Hà Lan khỏi sân sau pha vào bóng song phi với Xabi Alonso của TBN ở chung kết World Cup 2010, nhưng trọng tài người Anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rút thẻ vàng với Andres Iniesta sau khi anh ăn mừng bàn thắng duy nhất của mình.


Cho dù việc Iniesta mặc chiếc áo lót với dòng chữ “Luôn ở bên cạnh chúng tôi”, lời chia sẻ với cầu thủ Dani Jarque của Espanyol vừa qua đời trong năm đó, là khá cảm động, hành vi đó vẫn vi phạm luật bóng đá. Ít cảm xúc hơn là chiếc áo lót của Danny Graham với dòng chữ viết tay cho cả thế giới biết anh là nhà vô địch bóng bàn ở CLB Watford trong mùa giải 2010-11.

Tương tự là dòng chữ “Chúa phù hộ Giáo hoàng” kèm theo bức hình Giáo hoàng John Paul II quá cố của thủ thành Celtic Artur Boruc trong một trận gặp Rangers năm 2008. Mọi việc nhạy cảm do mối kình địch Rangers-Celtic còn bắt nguồn từ lý do tôn giáo khi một bên là Tin lành, một bên là Công giáo La Mã.

Nguồn bongdaplus.vn