Hãy rút thẻ nếu có thể!
*Lịch thi đấu Copa America 2015
Người đầu tiên nghĩ ra thẻ đỏ là Ken Aston, một trọng tài người Anh. Ông đưa ra phát kiến về thẻ đỏ sau khi xem trận tứ kết World Cup 1966 giữa Anh và Argentina, nơi trọng tài buộc phải dừng trận đấu đến 10 phút 40 giây vì cầu thủ Antonio Rattin bị đuổi nhưng dứt khoát không chịu rời sân. Ông nghĩ ra thẻ đỏ khi đang... dừng chờ đèn đỏ. Rõ ràng một chiếc thẻ đỏ được rút ra trước sự chứng kiến của tất cả sẽ tăng thêm sức nặng cho quyết định truất quyền thi đấu, thay vì trọng tài đến nói với cầu thủ: “Anh làm ơn đi ra khỏi sân dùm tôi”.
World Cup 1970 là giải đấu lớn đầu tiên mà FIFA áp dụng thẻ vàng và thẻ đỏ. Từ đó, những pha phạm lỗi trong các trận đấu giảm rõ rệt. Khi cầu thủ nhận thẻ vàng cảnh cáo, anh ta cũng trở nên chùn chân hơn trong những pha vào bóng tiếp theo. Những ca chấn thương khủng khiếp từ đó cũng giảm, cầu thủ trở nên “ngoan” hơn chứ không còn dám dùng “luật rừng” với đối phương như trước.
Trong một trận đấu ở giải hạng Nhì Pháp, một trọng tài đã trở nên nổi tiếng vì... quên mang theo thẻ. Ông định đuổi một cầu thủ nhưng lục tung các túi vẫn không thấy “bửu bối” đâu. Thế là ông ta chạy tới trọng tài bàn hỏi... mượn, vẫn không có, ông đành dùng cách cổ điển là gọi cầu thủ cần phạt lại, nói là anh ta bị đuổi rồi... la lên cho mọi người biết quyết định đó.
Thế nhưng tại Copa America lần này, các trọng tài lại quá lười rút thẻ dù chả có ai để quên thẻ ở ngoài cả. Trong 4 trận tứ kết, đã có 31 thẻ vàng và 2 thẻ đỏ được rút ra, tức là bình quân mỗi trận đấu các trọng tài đã phải rút ra 8,25 thẻ phạt, một con số đáng báo động. Vâng, nhưng số thẻ ấy, đặc biệt là thẻ đỏ, hãy còn quá ít so với những pha vào bóng thô bạo mà chúng ta được chứng kiến những ngày qua.
Trong 4 trận đấu ấy, nổi bật là trận Argentina - Colombia. Một bên đá bóng, một bên đá người, vậy mà trọng tài Roberto Garcia (Mexico) vẫn dè dặt trong việc rút thẻ dù là với những pha vào bóng từ phía sau cực kỳ ác ý. Cuối trận đấu ấy, Lionel Messi đến phàn nàn với “vua áo đen” việc anh bị cầu thủ của Colombia chơi xấu quá nhiều. Câu trả lời của trọng tài Roberto Garcia là: “Đây không phải châu Âu nhé. Đây là Nam Mỹ, cách chơi bóng ở đây là như thế đó!”
Ông Garcia nói vậy vì đó là sự thật. Trọng tài Nam Mỹ quá quen với những pha vào bóng sai luật nên họ thường cho qua. Chính sự tặc lưỡi ấy đã dung túng cho bạo lực và khiến Copa America trở thành ngày hội chơi xấu hơn là ngày hội của bóng đá tấn công.
Luật lệ đặt ra là để tạo sự bình đẳng, nó cần phải được áp dụng triệt để như nhau với tất cả mọi người, ở tất cả mọi nơi. Chính sự dễ dãi của các trọng tài đã góp phần làm cho nạn bạo lực bùng phát và kéo bóng đá về với thời kỳ mông muội của mấy chục năm trước, nơi người ta
có thể đốn gãy chân đồng nghiệp mà không bị trừng phạt.
Bóng đá thế giới đã trải qua một giai đoạn xấu xí trước khi phát kiến thẻ đỏ tuyệt vời của Ken Aston ra đời. Vì thế, thông điệp của các trận đấu còn lại tại Copa America lần này nên là “Hãy rút thẻ đỏ khi có thể”.